Phó thủ tướng nêu giải pháp tháo gỡ vướng mắc vật liệu xây dựng ở dự án giao thông
Trước Quốc hội, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã nêu các giải pháp tháo gỡ vướng mắc vật liệu xây dựng ở dự án giao thông.
Cát biển đã đáp ứng được nhiều tiêu chí
Chiều nay (29/5), tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã có những phản hồi về những kiến nghị của các đại biểu trước tình trạng thiếu vật liệu xây dựng nói chung và ở các dự án giao thông trọng điểm nói riêng.
Phó thủ tướng cho biết, vật liệu xây dựng là một vấn đề không phải lớn đối với nước ta, nhưng trong bối cảnh các dự án cao tốc đang được đẩy nhanh tiến độ và quy mô, các địa phương không đáp ứng được.
"Thực chất vật liệu xây dựng đã phân cấp quy hoạch, quản lý, khai thác, kiểm soát là địa phương. Nhưng vừa qua Quốc hội đã ban hành nghị quyết về các cơ chế đặc thù, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết để giải quyết vấn đề này", ông Hà nói.
Phó thủ tướng cho biết, hiện Thủ tướng đang chỉ đạo sửa luật về địa chất và khoáng sản. Trước mắt, với nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ, nếu chúng ta tích cực sẽ không có khó khăn về vật liệu xây dựng.
Đến nay, vấn đề vật liệu xây dựng đã được giải quyết theo 3 giải pháp, đó là: Tuyệt đối áp dụng các quy chế đặc thù Quốc hội và Chính phủ đã ban hành; Nắm thật sát nhu cầu theo tiến độ và công suất và mở rộng thêm các nguồn cát.
Hiện nay Nghị định 157 của Chính phủ vừa ký đã giải quyết việc nạo vét luồng lạch kết hợp với khai thác cát, qua đó có thể bổ sung thêm 45 triệu m3 cát, như vậy đã đảm bảo dư thừa so với nhu cầu hiện nay.
"Chúng ta có 145 triệu m3 cát nhiễm mặn ở Sóc Trăng, Bộ Giao thông vận tải đã thí điểm, nghiên cứu và cho thấy cát này đáp ứng các tiêu chí về cơ lý cũng như các điều kiện để có thể san lấp và đảm bảo kiểm soát được vấn đề môi trường. Vấn đề vật liệu xây dựng chúng ta sẽ tính toán để có cái nhìn lâu dài và khoa học hơn, nhưng trước mắt những giải pháp trên đã đủ giải quyết", Phó thủ tướng nói.
Thiếu vật liệu làm chậm tiến độ thi công, chậm giải ngân dự án giao thông
Trước đó, một số đại biểu Quốc hội cho biết, hiện nay nguồn vật liệu san lấp tại các dự án giao thông thiếu đã ảnh hưởng đến tiến độ.
Cụ thể, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, việc thiếu vật liệu xây dựng cho các tuyến cao tốc, quốc lộ, công trình dân dụng của người dân làm chậm trễ tiến độ thi công, ảnh hưởng đến giải ngân.
"Giá vật liệu đắt đỏ gây bức xúc cho người dân. Theo khảo sát, mỏ cát ở nước sông, nước ngọt khó có khả năng đáp ứng được nhu cầu xây lấp hiện nay, đề nghị Chính phủ có giải pháp cần thiết để khắc phục sớm nhất có thể, tìm vật liệu khác để thay thế, như cát biển qua xử lý, xỉ than và các vật liệu khác", ông Hòa nói.
Đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) cũng cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng để triển khai dự án còn nhiều vướng mắc, nguồn vật liệu san lấp tại các dự án giao thông thiếu, không chủ động được, tiến độ một số dự án cao tốc, giao thông trọng điểm chậm, không đạt kế hoạch.
"Những vấn đề này, theo tôi, cần phải được đánh giá một cách toàn diện và kỹ càng hơn", đại biểu Thanh nói.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) thì cho biết, Quốc hội đã có Nghị quyết 106 để thí điểm một số chính sách đặc thù cho đầu tư các dự án giao thông. Luật Đất đai cũng đã tháo gỡ rất nhiều vướng mắc.
"Tôi đề nghị sớm thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù này cho nhiều địa phương, nhất là những địa phương có điều kiện về ngân sách Nhà nước để thực hiện có hiệu quả việc đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ cũng như giải ngân đầu tư công các dự án 2021 - 2025", bà Lan nói.