Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nói về '4 cái nhất' của Hội nghị Paris

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đánh giá Hiệp định Paris là đỉnh cao của nghệ thuật đàm phán trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, đồng thời nhận định Hội nghị Paris có 4 'cái nhất'.

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên phát biểu tại Hội thảo quốc tế “50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại”. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên phát biểu tại Hội thảo quốc tế “50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại”. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế “50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại” do Bộ Ngoại giao tổ chức, ngày 23/4, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên bày tỏ đồng tình với nhận định được nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đưa ra trong thông điệp ghi hình gửi tới hội thảo: Chiến thắng quân sự là yếu tố quyết định để nhà ngoại giao có thể tiến hành đàm phán tại Hội nghị Paris. Chúng ta không thể có được lợi thế trên bàn đàm phán nếu không giành được thắng lợi trên chiến trường.

Ông Nguyễn Dy Niên đồng thời khẳng định thêm: Nếu không có Hiệp định Paris năm 1973 thì chúng ta sẽ không có Chiến thắng 30/4/1975. Trong suốt quá trình đấu tranh, các nhà ngoại giao của Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã hoạt động hết sức tích cực, khôn khéo, chủ động và liên tục tiến công trên mặt trận ngoại giao, buộc đối phương phải có những nhân nhượng quan trọng.

Ông đánh giá Hiệp định Paris là đỉnh cao của nghệ thuật đàm phán trong lịch sử ngoại giao Việt Nam nhằm chấm dứt chiến tranh. Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao nhận định Hội nghị Paris có 4 "cái nhất":

Thứ nhất, đây là hội nghị dài nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam với gần 5 năm đàm phán, hơn 200 cuộc họp chính thức, 45 cuộc họp riêng, 500 cuộc họp báo và hàng nghìn cuộc phỏng vấn.

Hội nghị Paris thật sự là một cuộc đấu tranh dai dẳng!

- Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên

Thứ hai, Hội nghị Paris là một tiến trình đàm phán và đối thoại đặc biệt căng thẳng và quyết liệt, bởi đó là một cuộc đấu trí mang tính chất vừa đánh, vừa đàm. Có thể nói rằng, nếu trên chiến trường, chúng ta không giành được thế chủ động, thế tấn công, thì ta khó đạt được kết quả trên bàn đàm phán. Nhưng thực tế, trên chiến trường, chúng ta liên tiếp giành được những thắng lợi lớn và có tính chất quyết định. Chính những thắng lợi đó đã tạo ra sức mạnh và thời cơ thuận lợi, giúp các nhà đàm phán của ta gây sức ép, buộc đối phương phải chấp nhận những điều khoản cơ bản mà ta đề ra.

Thứ ba, đây là cuộc đàm phán nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ nhân dân tiến bộ trên khắp thế giới. Ngay trong thời gian Hội nghị Paris đang diễn ra, tại Pháp và cả ở Mỹ, đã liên tục nổ ra các cuộc mít-tinh, biểu tình yêu cầu chấm dứt chiến tranh, đòi độc lập cho dân tộc Việt Nam. Đây là một nguồn động viên to lớn đối với Việt Nam, đồng thời tạo ra áp lực mạnh mẽ đối với phái đoàn của phía đối phương tại bàn đàm phán.

Thứ tư, tại Hội nghị Paris, Việt Nam đã giành được những thắng lợi mang tính chất hết sức cơ bản. Lần đầu tiên trong lịch sử, phía Mỹ buộc phải xuống nước, thừa nhận độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Điều được ghi rõ ngay tại Chương I, Điều 1 của Hiệp định Paris.

Theo nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, điểm quan trọng và cũng chính là chìa khóa để tiến tới giải phóng miền nam, thống nhất đất nước nằm ở Chương II của Hiệp định Paris, với nội dung chấm dứt chiến tranh và rút toàn bộ quân đội nước ngoài ra khỏi Việt Nam.

Các điều khoản từ Điều 3 đến Điều 6 đã buộc Mỹ phải chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của miền nam Việt Nam, rút toàn bộ quân đội Mỹ, quân đồng minh và tháo dỡ tất cả các căn cứ quân sự khỏi miền nam Việt Nam

Đây chính là phần cốt lõi, là nền tảng quan trọng nhất của Hiệp định Paris - những điều khoản mang tính quyết định, giúp Việt Nam tạo ra bước ngoặt trong cục diện chính trị, quân sự và ngoại giao, từ đó tiến hành thắng lợi cuộc tổng tiến công giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

"Nếu không có Hiệp định Paris, chúng ta không thể buộc các lực lượng quân sự nước ngoài rút khỏi miền nam Việt Nam. Mà chừng nào quân đội và các căn cứ quân sự nước ngoài còn hiện diện, thì chừng đó chưa thể có hòa bình thật sự ở miền nam", ông nhấn mạnh.

Từ những phân tích nêu trên, ông Nguyễn Dy Niên khẳng định rằng: Đóng góp của ngoại giao trong Đại thắng mùa Xuân 1975 là hết sức to lớn và mang tính quyết định. Những đóng góp ấy không chỉ góp phần làm nên thắng lợi lịch sử, mà còn nhận được sự ủng hộ, hoan nghênh rộng rãi từ cộng đồng quốc tế.

HOÀNG HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nguyen-bo-truong-ngoai-giao-nguyen-dy-nien-noi-ve-4-cai-nhat-cua-hoi-nghi-paris-post874624.html