Phó thủ tướng: Thuế TNDN của Việt Nam thấp hơn so với các nước Đông Nam Á

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, thuế TNDN của chúng ta so với các nước Đông Nam Á vẫn ở mức thấp như Philipines 30%; Malaysia tính 24% và các quốc gia khác 25%.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Tp.HCM) cho hay, về mức thuế TNDN, tại Điều 10 dự thảo luật vẫn giữ nguyên mức thuế suất doanh nghiệp phổ thông là 20%. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng bổ sung thêm nội dung riêng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng thì mức thuế suất là 15% và doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng thì thuế suất là 17%.

Tuy nhiên, theo đại biểu mức thuế thu nhập nhìn chung có ưu đãi cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng mức thuế suất chung là 20% vẫn cao. Cụ thể, khi so sánh với các nước trong khu vực ASEAN thì mức thuế suất thuế TNDN phổ thông của Việt Nam 20% bằng với mức thuế suất đang áp dụng tại Thái Lan, tại Lào, Campuchia nhưng lại cao hơn so với Singapore là 17% và Brunei là 18,5%.

 Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc.

Để có thể khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của doanh nghiệp nói chung, đại biểu Nguyễn Thị Lệ kiến nghị cơ quan soạn thảo nên cân nhắc giảm thêm mức thuế TNDN phổ thông xuống khoảng 19% để tạo điều kiện, môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển phục hồi sau giai đoạn hậu dịch Covid-19.

Về vấn đề này, Phó thủ tướng nói, thuế TNDN của chúng ta so với các nước Đông Nam Á vẫn ở mức thấp. Chúng ta không thể so chúng ta với Singapore được, vì Singapore mặc dù chỉ có 670km2 nhưng bình quân thu nhập quốc dân của họ là 90.000 USD/người, trong khi chúng ta là trên 4.000 USD/người. Chúng ta không thể so với Singapore được, trong khi Singapore họ phải xuất khẩu tư bản. Trong khi đó, theo Phó thủ tướng chúng ta so với Philipines thì thuế TNDN của họ tính 30%; Malaysia tính 24% và các quốc gia khác cũng tính 25%.

“Chúng ta làm thuế có nghĩa là làm thế nào để đảm bảo sự công bằng, hợp lý để phát triển, còn những lĩnh vực ưu tiên phát triển cần phải hỗ trợ từ ngân sách thì phải giám sát có hiệu quả, tránh chuyện mở ra mà mất kiểm soát”, Phó thủ tướng nêu rõ.

Về thu thuế với hoạt động thương mại điện tử, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu rõ, tại Điều 2. Khoản 2 điểm d quy định "Doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam qua nền tảng thương mại điện tử phải nộp thuế TNDN phát sinh tại Việt Nam" là một bổ sung cần thiết, phù hợp với sự phát triển của kinh tế số. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc và cần làm rõ hơn tiêu chí xác định thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam trong trường hợp doanh nghiệp không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Đồng thời, bổ sung, hướng dẫn cụ thể về cách kê khai và nộp thuế để bảo đảm tính minh bạch, khả thi trong thực hiện, nhất là với các doanh nghiệp xuyên biên giới. Điều này giúp hạn chế thất thu thuế và tạo môi trường cạnh tranh công bằng.

Theo Phó thủ tướng, về nguyên tắc đối với thuế TNDN, mọi khoản thu nhập của doanh nghiệp là thu nhập chịu thuế TNDN, kể cả các khoản thu sản xuất, kinh doanh và các khoản thu khác. Vậy, đối với doanh nghiệp nước ngoài không có địa chỉ thường trú tại Việt Nam nhưng có phát sinh các hoạt động tại Việt Nam có thu nhập thì phải chịu nộp thuế TNDN. Thời gian qua trên sàn thương mại điện tử hay mua bán online chúng ta đã thu được những doanh nghiệp đặt trụ sở từ nước ngoài.

“Trên nền tảng số lâu nay, ngành tài chính chúng tôi luôn luôn đứng đầu về vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ cho công tác của ngành, từ công tác hải quan, công tác thuế, công tác kho bạc,.. Hiện nay chúng tôi đang tập trung để đưa AI và công nghệ thông tin vào trong quản lý. Tuần vừa rồi, chúng tôi vừa ra mắt robot ảo trả lời bất cứ câu hỏi nào để phục vụ cho người nộp thuế”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Huyền Châu

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/pho-thu-tuong-thue-tndn-cua-viet-nam-thap-hon-so-voi-cac-nuoc-dong-nam-a-d54064.html