Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc tại Lạng Sơn

Ngày 14/11, Đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn về công tác dân tộc và tình hình thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường lồng ghép tuyên truyền nội dung của các nghị quyết đến toàn thể đồng bào.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc.

Lạng Sơn với chủ yếu là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý tỉnh cần tập trung, quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa bằng hành động Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Qua đó, giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn, nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc và chính sách dân tộc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Lạng Sơn kiên trì, kiên quyết thực hiện nguyên tắc lớn là: Đại đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau… Cùng với đó, Lạng Sơn cần xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, chủ động nắm tình hình, kiên quyết không để xảy ra các điểm “nóng”. Ngoài ra, Lạng Sơn chủ động ngăn chặn từ xa các hoạt động chống phá khối đại đoàn kết dân tộc thông qua “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo…

Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên cho biết, để triển khai có hiệu quả công tác dân tộc, tỉnh đã tập trung, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng, quy định của Trung ương và đề ra một số chính sách đặc thù của địa phương. Đặc biệt trong đó là, các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất đối với dân tộc thiểu số ít người ở xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ truyền thông và giảm nghèo về thông tin; chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác xã…

Những chính sách được triển khai đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh kế đúng hướng, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm trên 3,6%/năm. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa đều có bước phát triển, mặt bằng dân trí cùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao.

Đến nay, 190/200 xã, phường, thị trấn trong tỉnh Lạng Sơn có đường ô tô đi lại bốn mùa; 100% xã có điện lưới quốc gia; 150/200 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 74/207 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Giai đoạn 2016-2020, Lạng Sơn đã giải ngân, cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi được trên 100.000 lượt hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số với gần 3.100 tỷ đồng.

Để thực hiện tốt hơn công tác dân tộc và các chính sách dân tộc, tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Trung ương xem xét sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách dân tộc với các xã sáp nhập một phần địa giới hành chính; quan tâm bố trí vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nghiên cứu ban hành chính sách ưu tiên bố trí việc làm cho con em người dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp hệ cử tuyển…

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác của Chính phủ đã tham gia ý kiến, giải đáp những vướng mắc còn tồn tại, liên quan đến vấn đề triển khai chính sách dân tộc và công tác dân tộc của Lạng Sơn.

Đối với những kiến nghị của tỉnh Lạng Sơn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ giao cho Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan để khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Chính phủ nhằm giải quyết phù hợp với thực tiễn.

Tin, ảnh: Nguyễn Quang Duy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-tri/pho-thu-tuong-thuong-truc-chinh-phu-truong-hoa-binh-lam-viec-tai-lang-son-20201114140123725.htm