Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình thị sát một số dự án năng lượng tái tạo tại Khánh Hòa và Ninh Thuận

Chiều 18/10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đi thị sát một số dự án năng lượng tái tạo là các nhà máy, dự án điện gió, điện mặt trời thuộc địa bàn của 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Theo đó, chiều 18/10, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đi kiểm tra, thị sát số dự án năng lượng tái tạo.

 Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nghe lãnh đạo các cơ quan chức năng báo cáo về lộ trình bay thị sát các dự án năng lượng tái tạo tại 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nghe lãnh đạo các cơ quan chức năng báo cáo về lộ trình bay thị sát các dự án năng lượng tái tạo tại 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Tháp tùng Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đi thị sát có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh; lãnh đạo, đại diện một số bộ, ngành Trung ương và lãnh đảo tỉnh Khánh Hòa.

Sử dụng phương tiện là máy bay trực thăng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đi thị sát một số dự án năng lượng tái tạo là các nhà máy, dự án điện gió, điện mặt trời thuộc địa bàn của 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Sau chuyến thị sát, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình sẽ chủ trì Hội nghị cùng với lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo một số địa phương về tình hình sản xuất, tiêu thụ, triển khai thực hiện các dự án năng lượng tái tạo tại các địa phương; chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án năng lượng tái tạo.

 Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cùng đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra, thị sát số dự án năng lượng tái tạo.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cùng đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra, thị sát số dự án năng lượng tái tạo.

Theo Báo cáo khảo sát và đề xuất các địa điểm đầu tư dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, dự kiến giai đoạn đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh đầu tư xây dựng thêm 17 dự án năng lượng tái tạo, với công suất 739 MWp.

Thực tế, Khánh Hòa đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng trong tương lai. Theo đó, tại Tờ trình của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc thông qua Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh cũng định hướng phát triển các ngành công nghiệp chế biến, năng lượng.

Ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050. Quyết định cũng nêu rõ, đối với Khu kinh tế Vân Phong, nhu cầu cấp điện đến năm 2030 là 831 MW và đến năm 2040 là 1.357 MW. Theo đó, nguồn phát điện từ Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 công suất 1.320 MW; Dự án điện mặt trời KN Vạn Ninh công suất 100 MW; xây mới Nhà máy điện khí LNG Vân Phong công suất 2.500 - 3.750 MW.

 Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trao đổi với thành viên trong đoàn khi đi kiểm tra, thị sát số dự án năng lượng tái tạo.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trao đổi với thành viên trong đoàn khi đi kiểm tra, thị sát số dự án năng lượng tái tạo.

Còn tại tỉnh Ninh Thuận, nhiều chương trình hành động và kế hoạch cụ thể đã được Ban cán sự Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận triển khai để thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TU ngày 25/01/2022 về xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Tỉnh ủy. Theo đó, tổng công suất tích lũy của điện năng lượng tái tạo tính đến ngày 30/9/2024 là gần 3.700 MW, đạt khoảng 58 % mục tiêu đề ra. Sản lượng hiện có là 8,7 tỷ KW điện hàng năm, tăng 87% so với năm 2020 và chiếm 7% tổng lượng điện tái tạo của cả nước.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Ninh Thuận, tính đến tháng 9/2024, trên địa bàn tỉnh có 11 nhà máy điện gió với tổng công suất là 667 MW đã đưa vào vận hành thương mại. Trong số này, 10 dự án và 24 MW của nhà máy điện gió Habaram đủ điều kiện được hưởng giá ưu đãi theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg về việc cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió của Thủ tướng Chính phủ. 93 MW còn lại của nhà máy điện gió Habaram được đàm phán theo khung giá điện của Quyết định 21/QĐ-BCT khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp của Bộ Công Thương.

 Cánh đồng điện gió và điện mặt trời ở Ninh Thuận.

Cánh đồng điện gió và điện mặt trời ở Ninh Thuận.

Đối với các dự án điện mặt trời tập trung, tính đến tháng 9/2024, trên địa bàn của tỉnh có tổng số 35 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 2.466 MW, đã đưa vào vận hành thương mại. Trong số này, 32 dự án có ngày vận hành thương mại trước mùng 1/1/2021 nên được hưởng giá ưu đãi theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời và 3 nhà máy đàm phán theo Quyết định 21/QĐ-BCT khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp của Bộ Công Thương.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/pho-thu-tuong-thuong-truc-nguyen-hoa-binh-thi-sat-mot-so-du-an-nang-luong-tai-tao-tai-khanh-hoa-va-ninh-thuan-post317458.html