Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Cần thay đổi tư duy để 'văn hóa hóa kinh tế, kinh tế hóa văn hóa'

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng định hướng phát triển công nghiệp văn hóa cần thay đổi căn bản tư duy, cách tiếp cận trên tinh thần văn hóa hóa kinh tế, kinh tế hóa văn hóa

Ngày 22-2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), một số bộ, ngành liên quan cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa về Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2030 (Chương trình tổng thể).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp. Ảnh: Minh Khôi

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp. Ảnh: Minh Khôi

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết mục tiêu tổng quát của Chương trình tổng thể là chấn hưng, thúc đẩy văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Chương trình tổng thể đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp lớn. Đó là nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở mạnh, nâng cao đời sống tinh thần, năng lực thẩm mỹ của nhân dân, giáo dục đạo đức, lối sống. Bảo tồn, tôn tạo, phát huy bền vững di sản văn hóa vật thể và vật thể truyền thống, tiêu biểu, đặc sắc của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc.

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng: Phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức... chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng: Phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức... chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa

Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, không gian văn hóa sáng tạo. Ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế; xây dựng, quảng bá các chương trình văn hóa, nghệ thuật phong phú về thể loại, đặc sắc về nội dung, đa dạng về hình thức, có giá trị cao về nghệ thuật và tư tưởng.

Phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và nguồn nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, phát triển văn hóa số trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng các thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

GS-TS Phạm Hồng Tung: Cần đẩy mạnh công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo như là "lối đi đột phá"

GS-TS Phạm Hồng Tung: Cần đẩy mạnh công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo như là "lối đi đột phá"

Góp ý Chương trình tổng thể, GS-TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhìn nhận chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa đã đầy đủ, toàn diện. Vì vậy, nhiệm vụ chính của Chương trình tổng thể là phải đưa những chủ trương, đường lối này vào cuộc sống, và phải triển khai thật nhanh, vừa làm, vừa điều chỉnh, nếu không sẽ mất thời cơ.

"Mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể của Chương trình tổng thể cần được làm rõ hơn, giải quyết nút thắt chính và mở đường, tạo ra đột phá, chuyển biến lớn trong phát triển văn hóa là đặt văn hóa, xã hội ngang hàng với kinh tế, được thể chế hóa khi xây dựng các quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bố trí nguồn lực phát triển tương xứng cho lĩnh vực văn hóa"- GS-TS Phạm Hồng Tung góp ý.

Ở góc độ khác, GS-TS Từ Thị Loan, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đề nghị Chương trình tổng thể có thêm các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hóa.

Còn PGS-TS Nguyễn Thị Phương Trâm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), cho rằng nhận thức về văn hóa của toàn xã hội phải tương đồng ở mức độ nhất định mới có thể thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong Chương trình tổng thể.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát kiến nghị phải có chính sách, cơ chế riêng để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập hiện nay thì mới có thể thực hiện được mục tiêu có được các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật mà Chương trình tổng thể đặt ra.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương), đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình tổng thể cần chú trọng, quan tâm đến hệ giá trị con người Việt Nam, xây dựng văn hóa trong xã hội số, văn hóa ứng xử, đào tạo đội ngũ chiến lược về sáng tác, quản lý văn hóa nước nhà…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Văn hóa cần thay đổi duy, cách tiếp cận trên tinh thần "văn hóa hóa kinh tế, kinh tế hóa văn hóa"

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Văn hóa cần thay đổi duy, cách tiếp cận trên tinh thần "văn hóa hóa kinh tế, kinh tế hóa văn hóa"

Đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, sát thực tiễn của không chỉ của các chuyên gia tại cuộc họp mà cả các văn nghệ sĩ, trí thức về nội dung Chương trình tổng thể, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VH-TT-DL chuẩn bị kế hoạch xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, theo đúng quy trình, thủ tục, báo cáo cấp có thẩm quyền; bảo đảm văn hóa phát triển cân đối, hài hòa với chính trị, kinh tế, xã hội.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ VH-TT-DL khẩn trương tiến hành rà soát những dự án, kế hoạch, chiến lược đang thực hiện, những vấn đề cấp bách, những nội dung mới trong Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11-2021), để đưa vào Chương trình tổng thể, bảo đảm không không trùng lặp, chồng chéo, có mục tiêu, dự án cụ thể cho đến năm 2025; phải là một phần của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

"Quan trọng nhất là phải thể chế hóa các nghị quyết, chủ trương của Đảng, tập trung vào tháo gỡ những điểm nghẽn để phát triển văn hóa, nghệ thuật, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu định hướng tư tưởng, chính trị trong tình hình mới"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho rằng phát triển văn hóa phải gắn với con người, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, văn hóa vật thể, phi vật thể, giữ gìn bản sắc văn hóa trong từng cộng đồng, làng xã; thúc đẩy yếu tố văn hóa trong mọi lĩnh vực, hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, đào tạo…

"Định hướng phát triển công nghiệp văn hóa cần thay đổi căn bản tư duy, cách tiếp cận trên tinh thần "văn hóa hóa kinh tế, kinh tế hóa văn hóa" - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.

Nhấn mạnh xây dựng văn hóa trong xã hội số là lĩnh vực rất mới, Phó Thủ tướng gợi mở hướng tiếp cận không đơn thuần số hóa các di tích, di sản văn hóa, lịch sử mà cần nghiên cứu cơ bản, thiết lập hệ quy phạm, quy chuẩn đạo đức, ứng xử trên không gian số.

Bảo Trân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chinh-tri/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-can-thay-doi-tu-duy-de-van-hoa-hoa-kinh-te-kinh-te-hoa-van-hoa-20230222201358876.htm