Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khảo sát Dự án Cảng Liên Chiểu

Ngày 11/10, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đến thăm và khảo sát Dự án Cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nghe chủ đầu tư báo cáo về Dự án Cảng Liên Chiểu.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nghe chủ đầu tư báo cáo về Dự án Cảng Liên Chiểu.

Báo cáo với Phó thủ tướng, ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên cho hay, xác định cảng Liên Chiểu là dự án lớn không chỉ riêng cho Đà Nẵng mà cả vùng và cả nước, do đó đơn vị đã cho triển khai thi công rất khẩn trương.

Về khó khăn, ông Hưng cho rằng, đến thời điểm hiện tại chưa có khó khăn gì lớn. Về phía Ban Quản lý cũng đã tham mưu cho lãnh đạo Thành phố, xin chủ trương sớm quyết định phê duyệt phương án đầu tư tổng thể, để đưa nhà đầu tư vào sớm khai thác, phát triển kinh tế.

“Đến thời điểm hiện nay, chủ đầu tư kiểm soát rất tốt tiến độ, theo đúng tiến được giao, thì đến năm 2025 sẽ hoàn thành hạ tầng cơ sở dùng chung. Từ nay đến năm 2025, Ban quản lý sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở ngành thành phố cũng như các bộ ngành Trung ương để tiến hành kêu gọi mời nhà đầu tư có năng lực quản lý, khai thác và phát triển cảng biển để đảm bảo cho việc khai thác cảng biển Liên Chiểu được phát huy hiệu quả nhất”, ông Hưng nói.

Về lợi thế của cảng Liên Chiểu, ông Hưng cho biết, hiện nay, với vị trí địa lý hết sức thuận lợi, cảng Liên Chiểu được xác định là điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông - Tây; đồng thời nằm ngay trên điểm hàng hải quốc tế. Đặc biệt, theo quy hoạch tổng thể cảng biển Việt Nam, cảng Liên Chiểu được quy hoạch là cảng loại I, khả năng sẽ trở thành cảng đặc biệt trong tương lai, có thể tiếp nhận tàu 200.000 DWT, tương đương với 18.000 TEUS.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: “Cảng Liên Chiểu có vị trí chiến lược của Đà Nẵng. Đặc biệt, nếu kết nối ra để trở thành cảng quốc tế thì duy nhất cảng Liên Chiểu đang có lợi thế lớn nhất về địa chính trị kết nối và vị trí”.

Tại buổi kiểm tra, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, nếu đầu tư vào đây thì phải có kết nối với an ninh, quốc phòng, do đó, Nhà nước phải đảm bảo tính tự quyết, lợi ích quốc gia dân tộc phải đặt ở trên hết. Tiếp theo là bài toán hiệu quả kinh tế.

“Câu chuyện sau này đầu tư, cái gì hiệu quả cao, tốt, lâu dài thì chúng ta phải quyết định đầu tư. Những thứ khác như, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm ở chỗ lợi thế, cạnh tranh chính thì mời vào làm, nhưng với tư cách là phải độc lập, tự chủ”, Phó thủ tướng nói.

Nằm ở vị trí chiến lược, cảng Liên Chiểu được kỳ vọng sẽ trở thành cảng đặc biệt.

Nằm ở vị trí chiến lược, cảng Liên Chiểu được kỳ vọng sẽ trở thành cảng đặc biệt.

Phó thủ tướng cũng khẳng định, khi kêu gọi đầu tư vào cảng Liên Chiểu phải xác định lợi ích của chúng ta trên hết, nhưng cũng phải đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư.

“Lợi ích thì phải hài hòa. Đây là tài nguyên của mình, mình phải quyết định, mình phải tính đến lợi ích lâu dài”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 14/12/2022, dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung chính thức khởi công với tổng mức đầu tư 3.426,3 tỷ đồng.

Cảng Liên Chiểu sẽ có khu bến container 114 ha, khu bến tổng hợp 58 ha tiếp nhận tàu container, tổng hợp có trọng tải 100.000 DWT (sức chở từ 6.000 - 8.000 Teus) lên đến 200.000 DWT (sức chở 18.000 Teus).

Ngoài ra, còn có khu bến thủy nội địa 38 ha tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000 DWT để tiếp chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa và ven biển, giảm ách tắc hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ.

Dự án cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung do Liên danh nhà thầu Công ty cổ phần Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân - Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng DACINCO - Công ty cổ phần Xây dựng Xuân Quang thực hiện.

Thanh Chung

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-khao-sat-du-an-cang-lien-chieu-d200629.html