Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trồng Xích Tùng Yên Tử
Ngày 29/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về Yên Tử dự lễ Phật cầu nguyện quốc thái dân an và tham gia kế hoạch trồng 1.000 cây Xích Tùng theo chương trình khôi phục và phát triển giống cây Tùng bản địa quý hiếm, cây đặc trưng vùng danh sơn Yên Tử.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, đợt trồng 1.000 cây Xích Tùng này là khởi động cho chương trình bảo tồn và phát triển trồng hàng trăm ha các loài gỗ quý tại Yên Tử. Việc này góp phần tôn tạo, bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị đa dạng sinh học, giá trị thẩm mỹ của cảnh quan thiên nhiên, giá trị đặc biệt về văn hóa - lịch sử tại khu di tích Yên Tử.
Rừng Xích Tùng Yên Tử đã có niên đại 700 năm tuổi, theo các nhà sinh vật học cây cối có vòng đời nhất định. Hiện Yên Tử chỉ còn lại 237 cây có tuổi đời 700 năm, cây tập trung ở khu vực Đường Xích Tùng, Am Dược, chùa Hoa Yên, khu vực đường Thác Vàng, Thác Bạc; khu vực chùa Vân Tiêu, Bảo Sái, Hòn Ngọc, Tháp Tổ… Các “cụ” Tùng Yên Tử đang rơi vào tình trạng già cỗi chết dần, do thời gian mỏi mòn, cây cối sâu bệnh, mục ruỗng thân cành… Năm 2016, Quảng Ninh đã mở hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học lâm sinh, lập đề án nghiên cứu để chăm sóc, bảo tồn, phục hồi loài Xích Tùng giống cây cổ đại quý hiếm ở danh sơn Yên Tử.
Hiện, đã có gần 200 cây Xích Tùng được trồng mới theo kế hoạch trồng 1.000 cây Xích Tùng bổ sung tại những khu vực có những cây Xích Tùng cổ được trồng từ khoảng 700 năm về trước, trong đó có khu vực Đường Xích Tùng, Am Dược, chùa Hoa Yên, khu vực đường Thác Vàng, Thác Bạc; khu vực chùa Vân Tiêu, Bảo Sái, Hòn Ngọc, Tháp Tổ…
Cây Xích Tùng mới được đưa đến Yên Tử trồng, được nhân giống từ vườn ươm giống cây Xích Tùng của ông Phạm Văn Sự ở thành phố Uông Bí, người duy nhất đến thời điểm hiện tại nhân giống thành công cây Xích Tùng. Theo ông Phạm Văn Sự, cây giống được đem lên Yên Tử trồng đã cao từ 0,7-1m, nếu được chăm sóc, bảo vệ tốt thì hoàn toàn có khả năng sinh trưởng, phát triển.
Năm 2020, Ban Quản lý Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử đã trồng thí điểm 50 cây Xích Tùng tại những vị trí có cây Xích Tùng cổ đã chết dọc Đường Xích Tùng, chùa Hoa Yên… và đến nay đều tươi tốt. Theo chuyên gia lâm sinh, rừng Xích Tùng cổ trên Yên Tử là do người trồng, không phải cây mọc hoang dã, bởi các cây mọc có hàng, lối và ở những vị trí trồng có chủ định. Thể hiện rõ nhất là ở khu vực Đường Xích Tùng - nơi hiện còn khoảng 70 cây được trồng hai bên con Đường Hoằng Dương.
Ngày 18/5/2015 UBND tỉnh Quảng Ninh có Công văn số 2698/UBND-NLN2, lập dự án chăm sóc, bảo tồn các cây Xích Tùng cổ tại Rừng quốc gia Yên Tử.
Xích Tùng cổ trên Yên Tử là do người trồng, không phải cây mọc hoang dã, bởi các cây mọc có hàng có lối.
Xích Tùng cổ trồng ở những vị trí có chủ định, mặt tiền chùa tháp.
Các cây Xích Tùng cổ trên Yên Tử phân bố khá rộng từ độ cao 400 - 700m, cây ở độ cao thấp nhất là 327m tại Am Lò Rèn và cao nhất 748m ở trước cửa chùa Bảo Sái. Các nhà nghiên cứu chưa ghi nhận được cá thể nào tái sinh dưới tán rừng, nơi có cá thể mẹ sinh sống. Để cứu chữa cho những cây Xích Tùng cổ còn lại trên Yên Tử, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục thực hiện một phác đồ điều trị sâu bệnh cho cây đặc biệt.
Với những cây thân bị rỗng, sẽ nạo lấy các phần gỗ đã bị mục và xông hơi thuốc vào để tiêu diệt côn trùng gây hại và các mầm mống nấm hoại sinh bên trong; dùng các loại hóa chất để hạn chế sự xâm nhập của nước mưa hoại tử trong lõi cây. Đối với những cây có hiện tượng mục gốc, mục dọc thân, đã và đang bị mối xâm thực, dùng thuốc diệt mối hoặc dùng máy diệt côn trùng hoặc đặt các bẫy bả diệt mối quanh gốc được để trừ diệt mối, sâu bệnh gây hại cho cây. Một công việc cũng hết sức công phu nữa là rà soát và cắt bỏ tất cả cành bị bệnh của các cây Xích Tùng cổ, để vừa đảm bảo an toàn cho du khách, vừa không tạo môi trường cho các loại sâu bệnh phát triển…
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc trị sâu bệnh kéo dài tuổi thọ cho cây Tùng cổ Yên Tử là cần thiết. Một phương án mới là trồng mới đan dặm bổ sung thay thế cây già cỗi là hết sức quan trọng. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà hoan nghênh tỉnh Quảng Ninh có kế hoạch trồng 1.000 cây Xích Tùng ở danh sơn Yên Tử, còn đền nghị địa phương nhân giống cây gỗ quý bản địa hàng trăm ha trong vườn quốc gia Yên Tử.