Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kỳ vọng Quảng Nam phát triển bứt phá
Phó Thủ tướng nhận định, về quy hoạch và thực hiện quy hoạch, chính quyền tỉnh Quảng Nam cần lưu ý thực hiện 8 từ 'tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ và thấu hiểu'.
Thực hiện quy hoạch theo 8 từ “tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ và thấu hiểu”
Sáng 16/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, đã tham gia Lễ Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Khai mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia 2024.
Phát biểu tại Hội nghị, vị Phó Thủ tướng cho hay, Quảng Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế, dư địa cho sự đầu tư và phát triển trong tương lai về kinh tế, văn hóa, du lịch, nguồn nhân lực để phát triển thành tỉnh khá của cả nước, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Quảng Nam, được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Quảng Nam tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội.
Quảng Nam là một trong các tỉnh nằm trong khu vực có tính đa dạng sinh học cao trên cả nước, được bao phủ bởi các sinh cảnh rừng rất đa dạng, là địa phương còn diện tích rừng nhiều nhất ở Trung Trường Sơn và rất nhiều loài quý hiếm, đặc hữu mang tầm quốc tế sinh sống, phát triển.
Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của phát triển kinh tế - xã hội, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và tính đa dạng sinh học của tỉnh.
Vì vậy, tỉnh Quảng Nam phải ý thức sâu sắc thực hiện song song hai nhiệm vụ, vừa phát triển kinh tế vừa đi đôi với đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế.
Thực tế trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam luôn tiên phong trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và quan tâm đến định hướng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, hài hòa giữa môi trường và phát triển.
"Quảng Nam cũng được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt. Quảng Nam đã đang và sẽ nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ Trung ương....Tôi mong một mặt địa phương sẽ sớm khắc phục thiếu sót, đồng thời vẫn giữ vững tư duy quyết liệt, mạnh mẽ để bứt phá trong thời gian tới như mong muốn trong quy hoạch tỉnh đã xác lập. Chúng tôi tin tưởng, kỳ vọng về sự phát triển bứt phá Quảng Nam năm tháng sắp tới”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.
Phó Thủ tướng nhận định, về quy hoạch và thực hiện quy hoạch, chính quyền tỉnh Quảng Nam cần lưu ý thực hiện 8 từ “tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ và thấu hiểu”.
“Chúng ta phải tuân thủ nếu không sẽ không đến đích như chúng ta muốn. Đồng thời linh hoạt trong cách làm, có quyền thay đổi đề xuất những mục tiêu phù hợp với thực tiễn, thực hiện kế hoạch đồng bộ với quy hoạch của cả nước, của ngành và quy hoạch con”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.
Đồng thời, doanh nghiệp và người dân phải thấu hiểu để đồng lòng với chính quyền địa phương, phát hiện những điểm chưa đúng, chưa tốt trong quy hoạch, góp ý để chỉnh sửa.
Có nhiều đột phá phát triển
Theo Phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, diện tích tự nhiên 10.574,86 km2; phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng, phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum, phía Tây giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, phía Đông giáp Biển Đông.
Quan điểm của quy hoạch là phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh với tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững. Kết hợp nội lực với ngoại lực, phấn đấu một số ngành, lĩnh vực thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực.
Cũng thời gian trên, tỉnh Quảng Nam hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị đồng bộ, gắn kết với nông thôn.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt trên 8%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD.
Đến năm 2050, tỉnh Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Tỉnh Quảng Nam sẽ có nhiều đột phá phát triển. Đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược như giao thông liên vùng Đông - Tây, cảng hàng không, cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng trọng yếu của khu vực nông thôn, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, văn hóa, y tế, giáo dục.
Xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, động lực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên với hệ thống giao thông đồng bộ; liên kết vùng và quốc tế; hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch ven biển sinh thái, hiện đại; hạ tầng nông nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Tỉnh này phát huy hiệu quả vai trò động lực, lợi thế cạnh tranh của Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang; mở rộng và hình thành thêm các khu công nghiệp tại các vị trí thuận lợi.
Tỉnh Quảng Nam phát triển các loại hình dịch vụ du lịch mới như: du lịch sự kiện, hội nghị, thể thao, du lịch nông thôn, miền núi; phát triển mạnh các khu du lịch ven biển, ven sông với đa dạng các loại hình vui chơi, giải trí, điều trị, chăm sóc sức khỏe. Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Chuẩn hóa các trường lớp thuộc các cấp học, đảm bảo đủ lực lượng giáo viên đồng thời với nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và thể chất. Củng cố, nâng cao chất lượng các trường đại học, cao đẳng. Nâng cao chất lượng hệ thống y tế ở tất cả các tuyến. Nâng cấp, mở rộng và xây mới các thiết chế công cộng phục vụ cho người dân. Hình thành nhiều công viên chuyên đề, công viên cây xanh, quảng trường, sân tập thể thao tại các khu vực đô thị.