Phó Thủ tướng: 'Trong kỷ nguyên mới, ngoại giao kinh tế là ưu tiên của ưu tiên'
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, ngoại giao Việt Nam đã đóng góp xứng đáng vào việc hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trong kỷ nguyên mới, ngoại giao kinh tế là ưu tiên của ưu tiên.
Hướng tới kỷ niệm 80 năm thành lập nước và 80 năm thành lập ngành ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, ngành ngoại giao có vinh dự vô cùng đặc biệt là được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo, rèn luyện và dìu dắt trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học “Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: 80 năm tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc” sáng 28/7.
Nhìn lại chặng đường vẻ vang đã đi qua, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn lưu ý, ngành Ngoại giao càng nhận thức rõ về sứ mệnh nặng nề nhưng cũng đầy vinh quang của ngoại giao Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là phải tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thu hút các nguồn lực và điều kiện thuận lợi bên ngoài đóng góp đắc lực vào việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của đất nước, đặc biệt là các mục tiêu phát triển 2030 và 2045 mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra.
Sau khi hợp nhất Ban Đối ngoại Trung ương và tiếp nhận một phần nhiệm vụ của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, ngành Ngoại giao đứng trước cơ hội phát huy cao độ hơn nữa sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân để đảm đương tốt vai trò tiên phong và nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt hiện nay, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị Hội thảo làm rõ thêm các nguyên tắc kinh điển của Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh như “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, bài học về độc lập, tự chủ, triết lý “Ngũ tri” trong xử lý quan hệ với các nước lớn. Xác định rõ bản sắc và giá trị cốt lõi của trường phái Ngoại giao Việt Nam. Đồng thời, đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại, ngoại giao trong tình hình mới.
Tại Hội thảo khoa học “Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: 80 năm tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc” do Bộ Ngoại giao tổ chức sáng 28/7, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã nhấn mạnh đến những thành tựu và đóng góp của ngành ngoại giao. Thứ nhất, Ngoại giao Việt Nam đã đóng góp xứng đáng vào việc hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Thứ hai, Ngoại giao Việt Nam đã luôn khẳng định vai trò tiên phong trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thu hút các nguồn lực và điều kiện thuận lợi bên ngoài phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, ngoại giao góp phần quan trọng nâng cao vị thế đất nước, đưa Việt Nam từ chỗ không có tên trên bản đồ chính trị thế giới đến vai trò, vị trí ngày càng tăng trong nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại.
Thứ tư, công tác xây dựng ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ Ngoại giao đạt nhiều thành tựu vượt bậc.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, để đạt được những thành tựu quan trọng nói trên, toàn ngành Ngoại giao rút ra một số bài học lớn: “Đó là bài học về tầm quan trọng của đoàn kết, đồng thuận; bài học về không ngừng đổi mới tư duy và phương pháp triển khai đối ngoại, ngoại giao; và trên hết, bài học về vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, quản lý thống nhất của Nhà nước đối với công tác đối ngoại. Trong kỷ nguyên mới, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển sẽ là ưu tiên của ưu tiên”.
Hội thảo đã ghi nhận các ý kiến tâm huyết, sáng kiến khả thi góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao “vừa hồng, vừa chuyên”, có năng lực và trình độ ngang tầm khu vực, dần tiệm cận trình độ quốc tế. Theo đó, nghiên cứu là cái gốc của ngoại giao. Từ đó, ngành ngoại giao sẽ có thêm nhiều sản phẩm “mang tính cột mốc” như Nghị quyết 13 “Về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới”, Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế và gần đây là Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới cũng như nhiều Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị khác… của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.