Phó thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm chỗ ở cho người dân; Hà Nội ban hành bảng giá tính lệ phí trước bạ nhà ở

Hà Nội đề xuất xây mới 9 khu nhà ở xã hội; TP.HCM sắp có 12 trung tâm thương mại dưới lòng đất; Long An được chuyển đổi 73 ha đất trồng lúa để làm khu đô thị; Đồng Nai đấu giá 2 khu đất 'vàng' tại Biên Hòa.

Phó thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm chỗ ở cho người dân

“Đối với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, phải đánh giá chính xác tình trạng nhà ở toàn quốc, cung - cầu cụ thể cho từng phân khúc, nhằm điều tiết thị trường, bảo đảm chỗ ở cho người dân”. Đây là yêu cầu của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương về việc cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở.

Phó thủ tướng chủ trì cuộc họp cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở. Ảnh: VGP

Phó thủ tướng chủ trì cuộc họp cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở. Ảnh: VGP

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng còn giao Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa quy trình phân hạng chung cư, nhằm khuyến khích doanh nghiệp đăng ký tham gia theo các bộ tiêu chí chung cư xanh, thông minh, tiện nghi, tiết kiệm năng lượng, an toàn.

“Đối với phân hạng nhà chung cư, tôi đề nghị nên tiếp cận lại. Chúng ta dựa trên sự đăng ký của chủ đầu tư, đưa ra bộ tiêu chí để doanh nghiệp đăng ký. Về tiêu chí phải bổ sung tiêu chí xanh số, xanh thông minh và tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, việc các đồng chí bình chọn, xếp như thế nào cũng phải đơn giản”, Phó thủ tướng Hà yêu cầu.

Hà Nội đề xuất xây mới 9 khu nhà ở xã hội

Trong báo cáo mới đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã đề xuất xây mới 9 khu nhà ở xã hội tại các huyện ngoại thành với quy mô diện tích hơn 660 ha.

Trong đó, hai dự án có quy mô lớn nhất tọa lạc tại thị trấn sinh thái Chúc Sơn và xã Tân Tiến (cả hai đều thuộc huyện Chương Mỹ). Dự án tại Chúc Sơn có quy mô 169 ha, dự kiến có quy mô dân số khoảng 13.500 người. Còn tại Tân Tiến, dự án có diện tích khoảng 127 ha, lượng dân số dao động 15.750 người.

Các dự án khác gồm dự 78 ha tại xã Thạch Hòa (huyện Quốc Oai); dự án 50 ha tại quận Hà Đông; dự án 105 ha tại xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) và xã Khánh Hà (huyện Thường Tín); dự án 22 ha tại huyện Đan Phượng; dự 46,4 ha tại xã Mai Lâm (huyện Đông Anh); dự án 63 ha tại xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm); dự án 13 ha tại thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh).

Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết, Hà Nội có 5 dự án đã hoàn thành hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư. Tổng quy mô của các dự án lên tới hơn 200 ha, tương ứng với khoảng 12.300 căn hộ. Hiện 4/5 dự án trên đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.

Hà Nội ban hành bảng giá tính lệ phí trước bạ nhà ở

Từ ngày 22/6/2024, Hà Nội sẽ áp dụng bảng giá để lấy làm căn cứ tính lệ phí trước bạ đối với nhà ở, công trình đa năng xây dựng mới, trụ sở văn phòng làm việc, trung tâm thương mại, nhà sản xuất, nhà kho chuyên dụng…

Cụ thể, đối với nhà chung cư, giá 1m2 nhà (sàn căn hộ) làm cơ sở tính lệ phí trước bạ nêu trên đã áp dụng hệ số của tổng diện tích sàn (sử dụng riêng) so với tổng diện tích sàn xây dựng của tòa nhà (là 0,736).

Giá xây dựng mới đối với nhà xây thô có hoàn thiện mặt ngoài (chưa hoàn thiện bên trong) bằng 70% giá xây dựng nhà ở mới.

Giá tính lệ phí trước bạ nhà vườn sẽ áp dụng giá tính lệ phí trước bạ của nhà kiểu biệt thự, kết cấu khung chịu lực bê tông cốt thép; tường bao xây gạch; sàn; mái bê tông cốt thép đổ tại chỗ.

Giá tính lệ phí trước bạ nhà kiểu biệt thự cao từ 4 - 5 tầng sẽ áp dụng giá tính lệ phí trước bạ của của nhà kiểu biệt thự cao từ 2 - 3 tầng, kết cấu khung chịu lực bê tông cốt thép, tường bao xây gạch; sàn, mái bê tông cốt thép đổ tại chỗ.

Đối với công trình đa năng có chức năng ở, giá nhà tính lệ phí trước bạ áp dụng “hệ số của tổng diện tích sàn sử dụng riêng so với tổng diện tích sàn xây dựng của tòa nhà” (là 0,736). Cụ thể, giá 1m2 nhà sẽ bằng giá 1m2 nhà đa năng không có chức năng ở chia cho 0,736.

Đối với công trình trụ sở, văn phòng làm việc có số tầng từ 16 - 20 tầng sẽ áp dụng giá tính lệ phí trước bạ của công trình trụ sở, văn phòng làm việc có số tầng từ trên 7 - 15 tầng.

TP.HCM sắp có 12 trung tâm thương mại dưới lòng đất

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn năm 2060, đã xác định 12 khu vực trung tâm thương mại ngầm dưới lòng đất mà thành phố có thể phát triển.

Cụ thể, đồ án đề xuất chia TP.HCM thành 4 khu vực trọng điểm cần nghiên cứu phát triển không gian ngầm, gồm trung tâm TP hiện hữu, trung tâm Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức), trung tâm Chợ Lớn – Phú Thọ (khu quận 5 – 10) và trung tâm Hòa Hưng – Cộng Hòa (ga Hòa Hưng quận 3 và khu Cộng Hòa quận Tân Bình).

Các điểm đỏ là 12 trung tâm thương mại ngầm sẽ phát triển tại TP.HCM. Ảnh: Đồ án quy hoạch

Các điểm đỏ là 12 trung tâm thương mại ngầm sẽ phát triển tại TP.HCM. Ảnh: Đồ án quy hoạch

Không gian ngầm ở 4 khu vực trọng điểm này có tổng cộng 23 khu vực phát triển không gian ngầm, gồm 12 không gian ngầm thương mại, 7 không gian ngầm nhà ga và 4 không gian ngầm đặc thù.

Riêng với không gian ngầm thương mại, khu vực trung tâm TP.HCM hiện hữu sẽ có 5 địa điểm, gồm khu vực đường Lê Lợi và đường Nguyễn Huệ, công viên Lê Văn Tám, công viên 23/9, khu ga Ba Son của Metro 1, ga Tân Cảng và khu dân cư.

Trung tâm Thủ Thiêm và trung tâm Hòa Hưng – Cộng Hòa, mỗi bên đều có sẽ có 2 không gian ngầm thương mại. Với trung tâm Chợ Lớn – Phú Thọ, số lượng được nâng lên thành 3 khu.

Long An được chuyển đổi hơn 73 ha đất trồng lúa để làm khu đô thị

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định chấp thuận cho UBND tỉnh Long An chuyển mục đích sử dụng 73,42 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện khu đô thị thị trấn Cần Giuộc - phía Bắc.

Dự án có diện tích gần 96 ha với tổng mức đầu tư 4.323 tỷ đồng. Trong đó, sơ bộ tổng chi phí thực hiện là 2.875 tỷ đồng. Chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 1.447 tỷ đồng.

Phía Đông dự án giáp quy hoạch đường Vành đai 1 thị trấn Cần Giuộc; phía Tây giáp đường tránh Cần Giuộc; phía Nam giáp sông Cầu Tràm; phía Bắc giáp đất quy hoạch các công trình hạ tầng xã hội, đất cây xanh và đất ở đô thị mới.

Đồng Nai đấu giá 2 khu đất “vàng” tại Biên Hòa

UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định mở đấu giá hai khu đất có vị trí đắc địa tại TP. Biên Hòa. Khu đầu tiên nằm trên thửa đất số 5 và thửa đất số 9 tại phường Quyết Thắng, trước là nhà khách 71. Dự án này sở hữu mặt tiền đường Hà Huy Giáp, một trong những tuyến đường chính của thành phố.

Vị trí khu nhà khách 71 cũ. Ảnh: Google Earth

Vị trí khu nhà khách 71 cũ. Ảnh: Google Earth

Khu đất đấu giá có diện tích hơn 4.400m2, được quy hoạch là đất thương mại dịch vụ với mật độ xây dựng 30 - 50%, số tầng từ 15 - 25 tầng. Mức giá khởi điểm của khu đất này là trên 95 tỷ đồng.

Ngoài dự án trên, UBND tỉnh Đồng Nai còn mở đấu giá quyền sử dụng đất thửa số 130 tại phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa, trước là rạp hát Lido. Mức giá khởi điểm được đưa ra là 49 tỷ đồng.

Rạp hát Lido được quy hoạch là đất thương mại dịch vụ tại đô thị, mật độ xây dựng tối đa 80% và số tầng tối đa là 18 tầng. Diện tích của khu đất gần 2.200 m2. Trong đó, diện tích đấu giá là 2.062 m2, phần còn lại là đất giao thông không dành cho đấu giá.

Công trình tọa lạc ngay tại trung tâm thành phố, có mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám và giáp đường Võ Thị Sáu. Đây là hai tuyến đường chính thuộc trung tâm TP. Biên Hòa.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2024. Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức đấu giá 18 khu đất, thửa đất với tổng diện tích gần 471 ha, ước tính giá khởi điểm khoảng 5,100 tỷ đồng (tính theo bảng giá đất 5 năm giai đoạn 2020 - 2024).

Hưng Yên có thêm khu công nghiệp hơn 3.000 tỷ đồng

Mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định chấp thuận đầu tư khu công nghiệp Thổ Hoàng. Dự án có quy mô 250 ha với tổng vốn đầu tư lên tới 3.100 tỷ đồng.

Dự án tọa lạc tại huyện Ân Thi, trải dài từ xã Vân Du, xã Xuân Trúc, xã Quang Lãng đến thị trấn Ân Thi. Đây là huyện nằm ở phía đông tỉnh Hưng Yên và có lượng dân số khoảng 135.000 người. Trên địa bàn huyện có 3 quốc lộ đi qua, gồm quốc lộ 38, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và quốc lộ 39.

Nhà đầu tư của dự án là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng Ân Thi. Doanh nghiệp này được thành lập vào năm 2019 và hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý và phát triển hạ tầng khu công nghiệp.

Nam Định đấu giá 76 thửa đất, giá từ 1,57 tỷ đồng

Mới đây, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Nam Định thông báo về việc đấu giá quyền sử dụng 76 thửa đất cho người dân làm nhà ở tại khu tái định cư phường Lộc Vượng. Tất cả đều là đất có thời hạn sử dụng lâu dài.

Tổng diện tích các thửa đất được đấu giá là 6.393,1 m2. Diện tích mỗi thửa dao động từ 50,4 - 94 m2. Mức giá khởi điểm từ 1,57 - 2,54 tỷ đồng. Lưu ý, mức giá khởi điểm trên chưa bao gồm các khoản phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ đấu giá được bán và nộp hồ sơ trực tiếp từ ngày 11 - 27/6 tại trụ sở UBND TP. Nam Định và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Nam Định. Buổi đấu giá sẽ được tổ chức vào sáng ngày 30/6 tại hội trường Thống Nhất của UBND thành phố.

Huyện Hóc Môn sẽ thu hồi gần 230 ha đất nông nghiệp,

UBND TP.HCM đã quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của huyện Hóc Môn. Theo đó, địa phương sẽ thu hồi gần 230 ha đất nông nghiệp. Xã bị thu hồi nhiều nhất là Tân Thới Nhì với hơn 131 ha. Mặt khác, đất phi nông nghiệp chỉ bị thu hồi khoảng 5,2 ha.

Về kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất, huyện Hóc Môn sẽ chuyển đổi 152 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp và chuyển 1,56 ha đất phi nông nghiệp sang đất ở.

Huyện Hóc Môn được định hướng phát triển thành thành phố thuộc TP.HCM giai đoạn năm 2021 - 2030. Theo đó, huyện Hóc Môn sẽ là trung tâm hành chính, chính trị của thành phố phía Bắc, tập trung phát triển hạ tầng đô thị, du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, logistics…

Thanh Vũ

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/pho-thu-tuong-yeu-cau-phai-bao-dam-cho-o-cho-nguoi-dan-ha-noi-ban-hanh-bang-gia-tinh-le-phi-truoc-ba-nha-o-d217691.html