Phó Tổng thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn: Tháo gỡ hai rào cản cho tư nhân đầu tư phát triển văn hóa - nghệ thuật

Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đưa ra các quy định pháp luật về các cơ chế tài chính phi lợi nhuận nhằm thu hút được nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức tư nhân đầu tư cho các hoạt động, sản phẩm văn hóa.

Trong bối cảnh tỷ lệ chi cho các hoạt động văn hóa, thể thao của các địa phương chỉ đạt 1,72% tổng chi ngân sách Nhà nước; tổng vốn đầu tư công cả nước giai đoạn 2021-2025 cho lĩnh vực này chỉ chiếm chưa tới 1%; việc đầu tư cho văn hóa cũng không tránh khỏi “vết xe” dàn trải, lãng phí. Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên gia công nghiệp văn hóa đang thiếu trầm trọng.

Ông Đậu Anh Tuấn

Ông Đậu Anh Tuấn

Trao đổi với Người Đô Thị, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đã nhấn mạnh đến vai trò của tư nhân trong đầu tư xây dựng, tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao.

Ông Tuấn nói: “Sau 35 năm đổi mới, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân của chúng ta ngày càng lớn mạnh. Thời gian gần đây, các doanh nghiệp đã tham gia vào rất nhiều lĩnh vực mà trước đây chỉ có Nhà nước đảm nhiệm như xây dựng cơ sở hạ tầng đường sá, cảng biển, sân bay, sản xuất truyền tải điện, bệnh viện, trường học…

Trong lĩnh vực văn hóa thể thao, khối tư nhân đã có nhiều đóng góp. Đa số các rạp chiếu phim và phim chiếu rạp hiện nay là do các doanh nghiệp tư nhân cung cấp. Các sự kiện âm nhạc, buổi biểu diễn lớn thu hút đông đảo khán giả hiện nay cũng chủ yếu do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Giải bóng đá vô địch quốc gia do doanh nghiệp tài trợ.

Doanh nghiệp tư nhân cũng đã bắt đầu tham gia vào các lĩnh vực hầu như không có lợi nhuận như bảo tàng, thư viện. Dù quy mô còn nhỏ hơn các bảo tàng, thư viện của Nhà nước, song lại được đánh giá có sức hút lớn. Các lĩnh vực khác như mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm đều có sự tham gia của các cá nhân, tổ chức ngoài Nhà nước”.

Lợi nhuận và văn hóa không thể lúc nào cũng đối lập

Có quan niệm cho rằng tư nhân đầu tư vào văn hóa, thể thao chỉ nhằm mục đích lợi nhuận mà không quan tâm đến sự phát triển văn hóa dân tộc, truyền bá những giá trị truyền thống, hiện đại cao đẹp?

Như tôi đã nói, sự tham gia của tư nhân đã mang lại nhiều sắc màu tích cực, làm phong phú thêm các giá trị văn hóa, thể thao, gia tăng sự lựa chọn của khán giả. Các cá nhân, tổ chức tư nhân khi cung cấp sản phẩm văn hóa, thể thao có một số lợi thế hơn các đơn vị Nhà nước nhờ khả năng quản trị linh hoạt giúp các bên ít khi bị lãng phí nguồn lực. Kế đến, sự năng động giúp thu hút được khán thính giả. Có thể thấy phim do tư nhân làm thường có lượng người xem lớn hơn các phim do Nhà nước đầu tư. Hay như khi đội tuyển bóng đá Việt Nam thành công, dư luận gửi lời cảm ơn “Bầu Đức” vì đã quyết tâm đầu tư cho bóng đá trẻ.

Do đó, để trả lời câu hỏi này, đầu tiên phải khẳng định rằng lợi nhuận và văn hóa không nhất thiết phải nằm ở hai thái cực đối lập. Thực tiễn thời gian qua đã chứng minh hoàn toàn có thể có những sản phẩm văn hóa vừa mang lại lợi nhuận, vừa giúp truyền bá cái hay, cái đẹp. Thứ hai, đã xuất hiện một số ví dụ thực tiễn cho thấy doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao một cách phi lợi nhuận. Điều này chỉ có thể có được khi nền kinh tế phát triển đến một mức độ cho phép con người nghĩ xa hơn cuộc mưu sinh hàng ngày để hướng đến những giá trị nhân văn. Đội ngũ doanh nhân chính là lực lượng có đủ nguồn lực để làm việc này.

Theo tôi thấy thực tế tư nhân đầu tư cho thể thao, văn hóa thường xuất phát từ các mục đích chính là sở thích cá nhân; để quảng cáo cho hàng hóa, sản phẩm của mình; vì lợi nhuận và có thể trộn lẫn giữa các mục đích. Nhà nước cần hiểu các động lực này khi thiết kế chính sách để khuyến khích đầu tư tư nhân vào các thiết chế thể thao, văn hóa.

Phải chăng môi trường pháp lý để thu hút nguồn lực tư nhân dành cho lĩnh vực văn hóa vẫn còn nhiều bất cập, chưa được khơi thông đúng định hướng đề ra?

Cùng với sự phát triển của internet, hiện nay chúng ta nhập khẩu sản phẩm văn hóa nước ngoài rất nhiều. Nhìn từ một số khía cạnh, điều này tác động tích cực giúp đa dạng hóa các sản phẩm văn hóa mà người dân Việt Nam được thụ hưởng, tiếp cận. Nhưng nếu nhìn vào các quốc gia xuất khẩu văn hóa, chúng ta thấy đây là các sản phẩm do doanh nghiệp tư nhân làm ra chứ không phải Nhà nước. Tại đó, Nhà nước chỉ tạo lập môi trường pháp lý chứ không trực tiếp tạo ra sản phẩm văn hóa. Điều đó chứng tỏ nếu Việt Nam muốn cạnh tranh được với nước ngoài trên thị trường sản phẩm văn hóa, chúng ta buộc phải thay đổi cách tiếp cận. Tôi cho rằng chỉ có doanh nghiệp tư nhân mới đủ linh hoạt để có thể làm được. Và thay vì can thiệp vào việc phân bổ nguồn lực hay nội dung sản phẩm, Nhà nước phải tập trung vào vai trò tạo lập môi trường pháp lý.

Nghị quyết số 33-NQ-TW ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đề ra nhiệm vụ “Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa”. Do vậy, có hai vấn đề tiêu biểu cần được tập trung giải quyết là tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý nội dung các sản phẩm văn hóa và tạo lập cơ chế tài chính nhằm tăng cường vai trò, thu hút tư nhân vào đầu tư xây dựng, tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao.

Sân vận động Mỹ Đình xuống cấp, nhiều ý kiến cho rằng, tư nhân tham gia đầu tư quản lý thì hiệu quả sẽ khác. Ảnh: Thế Quỳnh

Sân vận động Mỹ Đình xuống cấp, nhiều ý kiến cho rằng, tư nhân tham gia đầu tư quản lý thì hiệu quả sẽ khác. Ảnh: Thế Quỳnh

Quản lý kiểu… kiểm duyệt “ăn chắc”

Quản lý nội dung các sản phẩm văn hóa luôn là mối quan tâm không chỉ của Nhà nước mà còn là của doanh nghiệp tư nhân và dư luận xã hội…

Đây là vấn đề quan trọng ở bất kỳ một quốc gia nào, không chỉ riêng Việt Nam. Mỗi quốc gia có các tiêu chuẩn quản lý nội dung khác nhau, như phòng chống nội dung khiêu dâm, bạo lực, phỉ báng tôn giáo, xúc phạm nhà vua, kích động chiến tranh, chống phá chế độ…

Chúng ta cũng có các tiêu chuẩn kiểm soát nội dung riêng phù hợp với chế độ chính trị, kinh tế, xã hội của mình. Các doanh nghiệp, cả trong nước và nước ngoài, hiểu và tôn trọng các quy định quản lý nội dung này của Nhà nước. Các doanh nghiệp cũng hiểu rằng việc kinh doanh của mình phải đóng góp cho sự phát triển của đất nước, giúp lan truyền các giá trị tốt đẹp cho xã hội. Nếu doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm văn hóa có nội dung xấu, độc hại thì không chỉ bị pháp luật xử lý mà còn bị người tiêu dùng tẩy chay. Bản thân các doanh nghiệp luôn có ý thức tự kiểm duyệt nội dung của mình để bảo đảm phù hợp với pháp luật và thị hiếu của khán giả.

Thế nhưng dường như Việt Nam chưa có một cơ chế rõ ràng, minh bạch để kiểm duyệt nội dung một cách hiệu quả?

Đúng là các tiêu chí kiểm duyệt của chúng ta thường khá chung chung, định tính. Trong khi các sản phẩm văn hóa luôn phải đáp ứng nhu cầu cái mới của khán giả, cái sáng tạo của người nghệ sĩ. Vì không có tiêu chí rõ ràng nên Nhà nước thường áp dụng một cơ chế kiểm duyệt “ăn chắc” là tiền kiểm nội dung. Trong trường hợp sản phẩm bị đánh giá không đạt về mặt kiểm duyệt thì cũng không có cơ chế phúc thẩm để xem xét lại một cách độc lập. Điều này đẩy toàn bộ rủi ro cho doanh nghiệp khi đầu tư vào một sản phẩm văn hóa. Chính việc phải thực hiện thủ tục hành chính, xin giấy phép này gây tốn kém cho doanh nghiệp và làm giảm tính chủ động của họ khi muốn tung sản phẩm ra công chúng.

Gần đây, việc quản lý nội dung các sản phẩm văn hóa đã có nhiều đổi mới. Trong đợt cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh năm 2016 và 2018, nhiều quy định trong lĩnh vực văn hóa đã được sửa đổi theo hướng giảm các giấy phép con, thủ tục hành chính. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết thấu đáo. Ví dụ, Luật Di sản Văn hóa vẫn quy định điều kiện để mở bảo tàng là phòng ốc, trang thiết bị, chứ không phải là quản lý nội dung được thể hiện trong bảo tàng.

Gần đây, Luật Điện ảnh 2020 đã mở ra phương pháp tiếp cận mới đối với kiểm duyệt nội dung các phim phát hành trên internet. Cơ chế mới chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đi kèm với đó là Nhà nước ban hành các hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp tự kiểm duyệt nội dung. Nhà nước chỉ hậu kiểm và xử phạt nặng khi doanh nghiệp vi phạm. Đây là cách tiếp cận mới nhưng tiếc là mới chỉ áp dụng với phim phát hành trên internet, nơi mà các doanh nghiệp ngoại chiếm ưu thế hơn nội địa.

Cách làm này gần giống với việc lập hồ sơ tự công bố sản phẩm trong quản lý an toàn thực phẩm?

Việc tiếp tục đổi mới quản lý sản phẩm văn hóa theo tôi là hết sức bức thiết để doanh nghiệp tư nhân tăng cường đầu tư. Biện pháp tốt nhất là phải có được các bộ tiêu chuẩn, các hướng dẫn kiểm duyệt đủ chi tiết, bao gồm cả việc bảo vệ trẻ em. Những doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện về năng lực có quyền tự kiểm duyệt nội dung. Cơ quan Nhà nước chỉ cần hậu kiểm và xử phạt thật nặng khi doanh nghiệp có nội dung vi phạm. Các quyết định xử lý của cơ quan Nhà nước được lưu trữ thành một cơ sở dữ liệu và cho phép doanh nghiệp đủ điều kiện được tiếp cận để học hỏi và bảo đảm việc kiểm duyệt đúng với các trường hợp tiền lệ của Nhà nước.

Tóm lại, tôi thấy phải thực hiện các biện pháp đẩy mạnh chuyển đổi từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm; cần xem tiền kiểm là một dịch vụ và bỏ tính độc quyền của việc cung cấp dịch vụ kiểm duyệt; tăng cường công tác tự kiểm duyệt thông qua việc nâng cao trách nhiệm pháp lý và năng lực của doanh nghiệp cung cấp sản phẩm văn hóa. Ngoài ra, song song với cấp phép cho các sản phẩm văn hóa, cơ quan Nhà nước nên tăng cường kiểm tra và xử phạt các doanh nghiệp vi phạm; tăng cường tính minh bạch bằng cách ban hành các bộ tiêu chuẩn kiểm duyệt để doanh nghiệp áp dụng. Và doanh nghiệp phải được phép tham khảo các quyết định xử lý trước đó của Nhà nước để nâng cao năng lực tự kiểm duyệt.

Các cơ chế trên cần được mở rộng áp dụng cho nhiều lĩnh vực văn hóa hơn, bao gồm cả phim chiếu rạp, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, bảo tàng, triển lãm nghệ thuật… Cách làm này sẽ giúp tiết giảm chi phí xã hội của việc kiểm duyệt nội dung, tăng tính chủ động của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào lĩnh vực văn hóa để tạo ra thêm các sản phẩm cho xã hội.

Nhà đầu tư tư nhân đã tổ chức 2 đêm diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink, thu hút 60.000 khán giả tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội. Doanh thu cho hai đêm diễn này là 333 tỷ đồng. Thành phố Hà Nội cũng ghi nhận ngành du lịch thu về khoảng 600 tỷ đồng. Ảnh: CTV

Nhà đầu tư tư nhân đã tổ chức 2 đêm diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink, thu hút 60.000 khán giả tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội. Doanh thu cho hai đêm diễn này là 333 tỷ đồng. Thành phố Hà Nội cũng ghi nhận ngành du lịch thu về khoảng 600 tỷ đồng. Ảnh: CTV

Thu hút các khoản tài trợ phi lợi nhuận

Trong lúc đầu tư công cho văn hóa, thể thao còn khiêm tốn, việc tạo lập cơ chế tài chính nhằm tăng cường vai trò, thu hút đầu tư tư nhân cần hướng đến mô hình nào là khả dĩ nhất, thưa ông?

Hiện nay, việc các doanh nghiệp tư nhân tham gia lĩnh vực văn hóa chủ yếu dưới hình thức vì lợi nhuận. Mô hình cung cấp sản phẩm văn hóa phi lợi nhuận vẫn chưa được phổ biến tại Việt Nam. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia cơ chế tài chính này đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm văn hóa.

Sau hơn 35 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã sản sinh ra một số doanh nghiệp lớn và những doanh nhân tầm cỡ. Ngoài hoạt động kinh doanh, các doanh nhân này bắt đầu có nhu cầu để lại các di sản cá nhân hoặc đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Thêm vào đó, rất nhiều cá nhân, tổ chức có thu nhập ở mức trung bình khá trong xã hội, hiện cũng đã tiến hành nhiều hoạt động quyên góp, ủng hộ trong các phong trào thiện nguyện. Một số doanh nghiệp, doanh nhân, cá nhân thu nhập cao đã bắt đầu có nhiều đóng góp phi lợi nhuận cho các hoạt động chung của đất nước trong các lĩnh vực thể thao, giáo dục, văn hóa, từ thiện, môi trường…

Trong lĩnh vực văn hóa, các nguồn tài trợ phi lợi nhuận chưa thực sự phát huy hiệu quả và các đơn vị cung cấp sản phẩm văn hóa phi lợi nhuận cũng rất khó tiếp cận. Một trong những nguyên nhân là do chúng ta chưa có cơ chế pháp lý và chưa có các thiết chế tài chính phù hợp làm kênh dẫn dắt cho hoạt động này. Trường hợp một cá nhân muốn đóng góp tài sản cho các hoạt động văn hóa hiện nay chỉ có hai sự lựa chọn. Một là tự mình quản lý khoản tài sản đóng góp đó. Hai là cho tặng hoàn toàn cho một đơn vị trong lĩnh vực văn hóa. Cả hai hình thức đều có những điểm chưa phù hợp với nhu cầu của các mạnh thường quân.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy có khá nhiều cơ chế tài chính phi lợi nhuận cho phép các nguồn tiền tài trợ cho hoạt động văn hóa, ví dụ như mô hình quỹ ủy thác, hoặc gây quỹ cộng đồng. Các cơ chế tài chính này rất đa dạng nhưng được pháp luật quy định chặt chẽ để tạo sự tin tưởng của các bên liên quan, đặc biệt là các nhà hảo tâm. Ngoài ra, còn nhiều cơ chế tài chính khác đã từng được hình thành và phát triển tại nước ngoài tương đối phù hợp với lĩnh vực văn hóa.

Ông có thể dẫn giải cụ thể hơn về môhình quỹ ủy thác và gây quỹ cộng đồng?

Mô hình quỹ ủy thác có thể do một hoặc một nhóm cá nhân có uy tín trong cộng đồng hoặc có thể do một cơ sở văn hóa lập ra. Quỹ này phải ban hành điều lệ hoạt động, tôn chỉ mục đích và các cam kết sử dụng tiền đúng mục đích. Quỹ huy động đóng góp tự nguyện của các cá nhân, tổ chức và phải có kiểm toán, công khai báo cáo tài chính. Tài sản kết dư của quỹ được phép thuê các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp để bảo tồn và gia tăng giá trị của quỹ. Mỗi cá nhân khi đóng góp tiền cho quỹ có quyền thỏa thuận khoản tiền của mình được sử dụng cho mục đích gì. Cơ chế như vậy có thể hấp dẫn hơn với các mạnh thường quân vì họ được pháp luật bảo đảm rằng tiền của mình được sử dụng đúng mục đích mình mong muốn.

Khu Liên hợp Thể dục thể thao Quốc gia Rạch Chiếc (thành phố Thủ Đức) đang được TP.HCM kêu gọi vốn theo hình thức đối tác công tư. Ảnh: Hữu Chánh

Khu Liên hợp Thể dục thể thao Quốc gia Rạch Chiếc (thành phố Thủ Đức) đang được TP.HCM kêu gọi vốn theo hình thức đối tác công tư. Ảnh: Hữu Chánh

Mô hình gây quỹ cộng đồng cho phép một cá nhân có dự án cung cấp sản phẩm văn hóa có thể huy động tiền quyên góp của cộng đồng. Nhưng đi kèm với đó là cá nhân này phải có nghĩa vụ sử dụng tiền quyên góp đúng mục đích đã cam kết, có kiểm toán và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu làm không đúng. Mô hình này rất phù hợp với những sản phẩm văn hóa mới hình thành hoặc các dự án độc lập. Ví dụ, một nhà làm phim trẻ muốn làm một bộ phim nghệ thuật nhưng không có kinh phí. Việc nhận tài trợ từ các hãng phim có thể là một giải pháp, nhưng lại bị ràng buộc nhiều thứ. Nhà làm phim đó có thể trình bày ý tưởng của mình một cách thuyết phục, hấp dẫn và công khai, đồng thời kêu gọi những người yêu phim đóng góp kinh phí. Nhà làm phim sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng tiền quyên góp của mình.

Việt Nam đã có một số quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP về quỹ xã hội, trong đó có cho phép quỹ tài trợ cho hoạt động văn hóa. Nhưng cơ chế này vẫn còn rất cứng nhắc và chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng để phù hợp với sự phát triển của bối cảnh kinh tế xã hội mới.

Riêng trong lĩnh vực thể thao, cần sớm có các quy định để bảo đảm quyền lợi của các doanh nghiệp khi đầu tư vào các vận động viên thể thao đỉnh cao. Nhà nước rút dần vai trò đầu tư cho vận động viên đỉnh cao mà thay vào đó là vai trò hứa thưởng cho các kết quả thể thao đỉnh cao như các giải thưởng, phần thưởng khi có thành tích tốt trong các giải thi đấu. Điều này tạo cơ hội để tận dụng khả năng quản trị tốt của khối tư nhân khi đầu tư cho các vận động viên trong giai đoạn ban đầu.

Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đưa ra các quy định pháp luật về các cơ chế tài chính phi lợi nhuận nhằm thu hút được nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức tư nhân đầu tư cho các hoạt động, sản phẩm văn hóa.

Xin cảm ơn ông.

Quốc Ngọc thực hiện

Ông Cao Thanh Bình (Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM):

Giám sát để tránh lãng phí, trục lợi

Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM ngày 24.6.2023 của Quốc hội có điều khoản cho phép chính quyền TP.HCM được thông qua mức tối thiểu và danh mục các dự án hợp tác công tư ở lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa. Việc HĐND TP.HCM quyết nghị ban hành danh mục 41 dự án đầu tư theo phương thức PPP trong các lĩnh vực này chính là một trong những “cú huých” giúp thành phố có nhiều điều kiện hơn để kêu gọi tư nhân đầu tư. Và không chỉ dừng lại ở 41 dự án mà trong nghị quyết của HĐND TP.HCM còn đề nghị UBND TP.HCM tiếp tục rà soát và thống kê để có nhiều dự án y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao kêu gọi được nhiều đầu tư hơn nữa.

Dù pháp luật đầu tư theo phương thức PPP năm 2020 quy định chỉ có 5 lĩnh vực được áp dụng, trong đó không có lĩnh vực văn hóa nhưng Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM được thực hiện một số việc có thể nằm ngoài quy định. TP.HCM hoàn toàn đủ cơ sở pháp lý để triển khai, không vướng vấn đề gì. Thực chất khi triển khai các dự án hay bất cứ nội dung gì cũng vậy, đầu tiên phải thượng tôn pháp luật. Trong quá trình triển khai, chính quyền thành phố phải tạo môi trường hết sức thuận lợi cho nhà đầu tư, đồng thời tạo điều kiện để thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn. Ví dụ hỗ trợ tối đa để có quỹ đất sạch. Rồi các chính sách trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu gặp khó thì thành phố phải tháo gỡ ngay.

Từ xưa đến nay ngân sách chủ yếu là “vốn mồi”. Và khi các dự án không có nhà đầu tư, Nhà nước mới tập trung từ nguồn vốn ngân sách. Còn nếu các dự án có nhà đầu tư muốn tham gia thì Nhà nước nên ưu tiên để giảm gánh nặng ngân sách và để nhà đầu tư khai thác, vận hành hiệu quả đối với đồng vốn bỏ ra. Đối với 41 dự án lần này, bước đầu chúng ta thông qua danh mục và mức tối thiểu để kêu gọi đầu tư. Ngay sau khi nghị quyết triển khai, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc cụ thể với các sở ngành, địa phương có dự án để xem xét hình thức đầu tư phù hợp; tránh lãng phí, trục lợi.

Ông Huỳnh Anh Tuấn (Giám đốc Nhà hát kịch IDECAF):

Quan trọng là tư nhân dám làm hay không

Chúng tôi, những nhà sản xuất văn hóa nghệ thuật, đã từng rất nôn nóng, phấn khởi với chủ trương xã hội hóa từ năm 1997. Khi bắt tay vào việc thì thấy ngay cái thiếu đầu tiên là mặt bằng, cả di động lẫn cố định. Những rạp hát đều rất cũ kỹ, lạc hậu. Chúng tôi phải vay mượn, thuê mướn ở các trung tâm, nhà thiếu nhi, nhà văn hóa địa phương vốn là những địa điểm hoạt động ít hiệu quả và không đáp ứng tiêu chuẩn một nhà hát chuyên nghiệp.

Ngay như sân khấu IDECAF cũng chỉ là một phòng hội nghị thuộc quản lý của Sở Ngoại vụ mà thôi, chưa phải là một cái rạp để biểu diễn nghệ thuật. Chúng tôi phải cải tạo lại rất nhiều. Còn những vị trí, cở sở đẹp như Nhà hát Thành phố hay Nhà hát Hòa Bình thì quy mô quá lớn, không phù hợp với loại hình sân khấu mà chỉ phù hợp với các chương trình ca nhạc hoặc biểu diễn ngắn ngày...

Cho đến trước đây 3-4 năm, các hình thức hợp tác PPP như BOT hoặc BTO hay BT… còn có hiệu lực, tôi đã đầu tư xây dựng Nhà hát Nụ Cười Mới thì có áp dụng được, nhưng sau đó ngưng không cho đầu tư nữa, không rõ lý do. Bây giờ TP.HCM đang có Nghị quyết 98 thì PPP mới được khởi động lại. Nhưng theo tôi, PPP hay bất cứ hình thức nào cũng là chủ trương thôi. Vấn đề được hay không được là do nhà đầu tư dám làm hay không.

Cái đáng ngại là các chủ trương, chính sách của Việt Nam không ổn định, không sòng phẳng và thậm chí, xin lỗi, là không tạo điều kiện cho người ta an tâm làm nghề. Ví dụ, bây giờ mà vẫn còn đoàn nghệ thuật Nhà nước, nhà hát Nhà nước thì làm sao tư nhân cạnh tranh nổi?

Trong khi đó ở nước ngoài người ta khác, rất bài bản, công phu, sòng phẳng và rất khoa học. Họ chỉ có những nhà hát tư nhân thôi, ưu tiên cho tư nhân làm nghề, còn nhà nước chỉ lấy một số loại hình nghệ thuật truyền thống, hoặc cái không ai làm được thì nhà nước mới quản lý. Còn cái nào người dân, tư nhân làm được, họ cho làm hết, như kịch nói, múa rối, xiếc…

Một vấn đề nữa: hiện nay khi thành lập một công ty về văn hóa nghệ thuật đều được ưu đãi thuế. Nhưng đó là trên văn bản thôi. Chứ còn đi vô thanh toán thuế thực tế thì văn bản vẫn là văn bản, đơn vị thu thuế lại có nhiều “văn bản” khác “thay thế” các ưu đãi đó!

Nam Anh ghi

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/thao-go-hai-rao-can-cho-tu-nhan-dau-tu-phat-trien-van-hoa-nghe-thuat-42181.html