Phố trong làng...

Phố trong làng là tên bộ phim vừa chiếu trên VTV1, phản ánh về sự thay đổi của một vùng quê đang trong quá trình đổi mới, đô thị hóa. Người dân giàu lên nhanh chóng nhờ cơn 'sốt đất', từ đó xuất hiện nhiều tệ nạn xã hội…Chạnh lòng, tôi nghĩ về làng quê xưa, với bao cảm xúc ùa về.

Khi trải nghiệm dệt thành tuổi thơ đẹp đẽ

Cứ ở đâu có dự án, quy hoạch đường thì giá đất ở đó nóng lên từng ngày. Đất ở các khu trung tâm thị trấn giá cao vì nhu cầu sử dụng để xây nhà là có thật, còn thị trường đất ở khu vực vùng ven trung tâm cũng sốt theo, có những chỗ trong thời gian dài vẫn nằm trên thị trường chuyển nhượng…

Xã nông thôn mới Đông Phương, huyện Đông Hưng (Thái Bình) đang vững vàng lên nông thôn mới nâng cao. Ảnh: minh họa

Thực trạng hiện nay ở nhiều vùng quê, về đến đầu làng đã thấy xuất hiện các khu đất đấu giá, phân lô, bán nền. Đất ở nông thôn có nhiều chỗ giá cao chẳng thua kém gì đất thành phố. Nông thôn bây giờ đã thay đổi quá nhiều, nhà ống, nhà cao tầng với đủ loại hình kiến trúc khác nhau và lối sống hiện đại đã len lỏi vào tận đường làng, ngõ xóm.

Làng quê, nông thôn, luôn là vấn đề mà tôi quan tâm và dành nhiều cảm xúc. Tôi có may mắn hơn rất nhiều người con xa quê khác, bởi tháng nào tôi cũng về quê thăm gia đình, nhận thấy được sự thay đổi sau mỗi lần về. Nhớ lại, năm 1993, 1994, khi đó xã bắt đầu có điện, điện về làng là sự nỗ lực của các cấp, chính quyền. Còn đối với người dân là một cảm nhận lớn về sự thay đổi. Chiếc quạt bàn, quạt cây MD trong nhà như một vật dụng phổ biến được nâng niu và giữ gìn, bọc nilon cẩn thận, nhà nào dùng quạt của Thái Lan được cho là “ăn chắc mặc bền”. Chiếc đèn măng xông, đèn dầu, dần được thay bằng bóng đèn sợi đốt, hôm nào điện yếu bóng đèn sáng đỏ lờ mờ. Lúc đấy, ông bà ta ngồi quạt mát nhớ lại cảnh dùng quạt mo, đèn dầu; các mẹ nuôi con thơ, ru con suốt năm canh, thấy đó là một điều…vi diệu. Đấy mới chỉ là chuyện điện về làng thôi!

Ngày đó, tivi đen trắng ở quê rất có giá trị, tôi nhớ nửa xóm mới có cái tivi đen trắng. Tối đến chủ nhà để ra ngoài sân, cả xóm ngồi xếp hàng để xem, thi thoảng có chiếu phim màn ảnh rộng ở sân kho, chạy bằng máy nổ...Sau này, có vài gia đình có tivi màu Gostan, Sam Sung 14-16 inch, tối đến người già, trẻ con ngồi kín nhà xem phim Bao Thanh Thiên.

Thế hệ tôi không phải trải qua thời kỳ bao cấp, không được chứng kiến cảnh tem phiếu, ăn cơm độn khoai nhưng vẫn cảm nhận được cảnh “tháng ba, ngày tám” hay “nước sôi rồi mà chửa thấy gạo đâu”, bởi lẽ chưa đến mùa đã hết thóc, phải đi ăn đong. Cũng thật dễ hiểu, do cảnh nhà đông con, gạo lại là nguyên liệu chính cho bữa ăn hàng ngày mà việc cấy lúa không mang lại hiệu quả năng suất cao, hạt thóc, hạt gạo còn phải làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, phải bán thóc đi để lấy tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày. Tất cả đều trông chờ vào hạt thóc…

Điều thú vị nhất của đám trẻ con ở quê ngày đó là được trải nghiệm. Mới học lớp 4, lớp 5 mà đứa nào cũng biết “thổi cơm” bếp rạ, được người lớn hướng dẫn, sau vài lần “cơm sống, cơm khê, cơm dính đầy tro” là nấu cơm ngon lành. Cái khó đối với bọn trẻ con khi vùi cơm xuống bếp là không được để tro lẫn cùng với cơm. Bởi nồi cơm rất nóng và nặng, khi ủ xuống đống tro đỏ lửa, không bê được nên thả vèo một cái, vung xoong bật ra ngoài, tro bụi mù cả gian bếp…Hôm nào trời mưa, rạ ẩm thổi bếp toét cả mắt, lửa mới cháy lên được. Chính những trải nghiệm đó đã đem lại cho chúng tôi một tuổi thơ đầy đẹp đẽ, tích lũy riêng cho mình một hành trang để tự lập trên những dặm đường dài và rộng.

Làng quê luôn là “gốc rễ” để chúng ta gìn giữ, tìm về

“Người” mà hướng dẫn đám trẻ chúng tôi cách thổi cơm, cách đổ nước nồi cơm, có người đã về với miền cực lạc, có người vẫn còn sống để chứng kiến, tận hưởng sự thay đổi của làng quê. Đời sống được nâng lên, không còn cảnh "tháng ba, ngày tám", nhà cửa đã khang trang, nhà nào cũng có vật dụng cần thiết trong gia đình như: tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện, bếp ga, công trình vệ sinh khép kín không có gì xa lạ…

Khu công nghiệp đã tạo công ăn việc làm cho hàng vạn người dân, quy hoạch giao thông được mở rộng, giao thông liên tỉnh thuận lợi. Ở nông thôn có nhiều gia đình xây nhà to, đẹp, do con cái đi làm ăn xa có điều kiện gửi tiền về xây, hoặc các hộ gia đình giàu lên nhờ kinh doanh, buôn bán. Đời sống của người dân đã khá giả hơn rất nhiều lần, hình ảnh người nông dân thức khuya dậy sớm được hiện thực hóa bằng người công nhân ngày làm 8 tiếng, lương tháng 5-6 triệu. Về quê có người nói vui rằng ở quê bây giờ “việc đi tìm người” chứ không phải người đi tìm việc, cần gì phải Nam, Bắc ngược xuôi để mưu sinh. Nhiều hộ gia đình không khác gì cán bộ ở phố…

Có thể nói, nông thôn đang từng ngày đổi mới, có nhiều điều chúng ta chưa cảm nhận và hiện thực hết được. Nhưng dù có thay đổi như thế nào thì làng quê luôn là “gốc rễ” để chúng ta gìn giữ, tìm về và níu giữ tâm hồn người con xa quê. Để, người làng ta ra phố, người phố lại tìm về làng.

Hữu Thuật

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/pho-trong-lang-post196545.html