Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng tham gia thảo luận một số nội dung quan trọng

Chiều nay 25/6, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã có buổi thảo luận tại tổ về nội dung cải cách, điều chỉnh tiền lương và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng tham gia thảo luận.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng chia sẻ, Chính phủ vì mục tiêu đặt ra từ 1/7 sẽ thực hiện một cách toàn diện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/-TW của Trung ương, đại biểu cho rằng đến thời điểm hiện tại các yếu tố hội đủ để thực hiện chính sách này chưa thực sự đảm bảo, cho nên việc dừng cải cách tiền lương là một quyết định khó khăn, ít nhiều sẽ gây tác động đến niềm tin của người dân, đại biểu cho rằng thà chịu sự tác động này còn hơn là quyết định mang lại những hệ lụy về sau, khó có thể khắc phục được và gọi đây là sự “dũng cảm và sáng suốt” của Chính phủ khi quyết định không theo đuổi mục tiêu chưa đủ cơ sở khoa học và lý luận thực tiễn, đại biểu ủng hộ việc làm trên của Chính phủ.

Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng tham gia thảo luận - Ảnh: NL

Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng tham gia thảo luận - Ảnh: NL

Đại biểu cho rằng việc thực hiện 2/6 nội dung cải cách tiền lương nhưng thực ra chưa đầy đủ và trọn vẹn 2/6 nội dung trên và và băn khoăm về tiêu chí cải cách tiền lương đã đạt được hay chưa?

Về mức điều chỉnh tiền lương cơ sở tăng 30% tạo sự phấn khởi đối với đối tượng công chức, viên chức và người lao động, nhưng đối với đối tượng hưởng lương hưu chỉ được tăng 15%, đặc biệt là đối tượng về hưu trước năm 1995 có mức tăng rất thấp.

Đại biểu đánh giá rằng: mục đích của điều chỉnh lương hưu đảm bảo tính tương quan cân đối, hài hòa, bình đẳng. Việc điều chỉnh lương hưu lần này dễ dàng nhận thấy chưa đảm bảo công bằng vì đối tượng khó khăn về thu nhập nhưng chỉ được hưởng mức tăng 15%, đại biểu đề nghị Chính phủ có giải trình đầy đủ, thuyết phục về mức tăng 15% và cho rằng nếu không, chủ trương này đến với người dân sẽ tạo ra sự không đồng thuận, sẽ rất khó khăn khi giải thích lý do trên với cử tri là các đối tượng hưu trí.

Về thời điểm điều chỉnh, ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ cần đưa ra lý do khối doanh nghiệp nhà nước thực hiện điều chỉnh lương vào ngày 1/1/2025, đại biểu chưa đồng tình về giải thích của Chính phủ là việc quy định thời điểm thực hiện điều chỉnh tăng của khối doanh nghiệp nhà nước phù hợp với năm kế hoạch và đề nghị Chính phủ nên cân nhắc, tính toán về tính đồng bộ khi thực hiện chính sách điều chỉnh tiền lương.

Đại biểu đề nghị nên tách chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng ra khỏi chính sách cải cách tiền lương vì đây là chính sách an sinh xã hội có tính chất khác với chính sách bảo hiểm xã hội trên nguyên tắc “đóng- hưởng” của chính sách tiền lương để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của việc cải cách tiền lương, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty hàng không Việt Nam, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải có đánh giá, so sánh năng lực hoạt động của Tổng công ty hàng không Việt Nam với các doanh nghiệp ngoài nhà nước hoạt động trong lĩnh vực hàng không để làm rõ việc nhiều lần Nhà nước “ giải cứu” Tổng công ty Hàng không Việt Nam nhằm hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Nhà nước. Cần tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp khác hoạt động trong cùng lĩnh vực.

Nguyễn Lý - Cẩm Nhung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/pho-truong-doan-chuyen-trach-doan-dbqh-tinh-quang-tri-hoang-duc-thang-tham-gia-thao-luan-mot-so-noi-dung-quan-trong-186436.htm