Phố Wall đỏ lửa 2 phiên liền; Dầu rớt giá

Chứng khoán Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề vào thứ Sáu (4/4), sau khi Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế mới đối với hàng hóa Mỹ, làm dấy lên lo ngại rằng Tổng thống Trump đã châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế. Giá dầu cũng rớt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021 trong tuần này.

Dow Jones mất 2.200 điểm

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones lao dốc 2.231,07 điểm, tương đương 5,5%, còn 38.314,86 điểm, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2020 trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Động thái này diễn ra sau mức giảm 1.679 điểm vào ngày 3/4 và đánh dấu lần đầu tiên chỉ số này giảm hơn 1.500 điểm trong 2 phiên liên tiếp.

Trong khi đó, chỉ số S&P 500 sụt 5,97% còn 5.074,08 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Chỉ số này đã giảm 4,84% vào ngày 3/4 và hiện lao đốc hơn 17% so với mức đỉnh gần đây.

Còn chỉ số Nasdaq Composite, với thành phần là nhiều công ty công nghệ bán hàng và sản xuất tại Trung Quốc, trượt 5,8% xuống 15.587,79 điểm. Chỉ số này đã mất gần 6% trong ngày 3/4 và bốc hơi 22% so với mức cao kỷ lục hồi tháng 12/2024, bước vào thị trường con gấu theo thuật ngữ trên Phố Wall.

Việc bán tháo diễn ra trên diện rộng với chỉ 14 cổ phiếu thành phần thuộc S&P 500 có sắc xanh trong phiên. Các chỉ số chính đều đóng cửa tại mức thấp nhất trong phiên. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết vào thứ Sáu rằng nước này sẽ áp thuế 34% đối với tất cả sản phẩm Mỹ, khiến nhà đầu tư thất vọng vì họ hy vọng các quốc gia sẽ đàm phán với ông Trump trước khi đáp trả.

Các cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà sụt giảm vào cùng ngày. Cổ phiếu Apple rớt 7%, nâng tổng mức lao dốc trong tuần lên 13%. Cổ phiếu Nvidia hạ 7%, còn cổ phiếu Tesla lao dốc 10%. Cả 3 công ty này đều có mức độ tiếp xúc lớn với Trung Quốc và nằm trong số những công ty bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh.

Ngoài công nghệ, cổ phiếu Boeing và Caterpillar – những công ty xuất khẩu lớn sang Trung Quốc – dẫn đầu đà sụt giảm của Dow Jones, lần lượt giảm 9% và gần 6%.

Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đáp trả thuế quan của ông Trump đã vượt ra ngoài vấn đề thuế quan đối ứng của riêng họ. Bắc Kinh đã thêm một số công ty vào cái gọi là “danh sách những thực thế không đáng tin cậy”, danh sách này khẳng định rằng các công ty đã vi phạm các quy tắc thị trường hoặc cam kết hợp đồng. Ngoài ra, Trung Quốc đã mở rộng cuộc điều tra chống độc quyền đối với DuPont vào thứ Sáu, khiến cổ phiếu này lao dốc gần 13%.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm xuống dưới mức 4%, khi nhà đầu tư đổ xô vào trái phiếu để tìm kiếm sự an toàn, đẩy giá trái phiếu tăng và lợi suất giảm. Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, vọt lên trên 40, mức cực đoan chỉ thấy trong thời kỳ thị trường suy giảm nhanh chóng.

Tổng thống Donald Trump dường như vẫn kiên định trước phản ứng dữ dội của thị trường đối với chính sách thuế quan của ông được công bố vào ngày 2/4, đăng trên Truth Social vào ngày thứ Sáu rằng “chính sách của ông sẽ không bao giờ thay đổi”.

Tóm lại, S&P 500 đã giảm 9% trong tuần này, ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020.

Dầu sụt hơn 6%

Khép phiên, hợp đồng dầu WTI mất hơn 6% xuống 62,72 USD/thùng. Có thời điểm, hợp đồng này đã giảm xuống dưới mức 61 USD/thùng. Đợt lao dốc mới nhất diễn ra sau khi hợp đồng này rớt 6,6% vào ngày 3/4.

Giá dầu giảm nhanh chóng khi động lực cung cầu của thị trường năng lượng đang bị ảnh hưởng ở cả 2 phía.

Theo các chuyên gia kinh tế Phố Wall, mức thuế quan do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố trong tuần này làm tăng khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu.

Triển vọng kinh tế là yếu tố chính đối với giá dầu, vì cả người tiêu dùng đổ xăng vào xe của họ hoặc các nhà sản xuất hóa chất sử dụng năng lượng làm nguyên liệu đầu vào trong sản xuất của họ đều làm tăng nhu cầu về dầu thô.

Ngay khi triển vọng kinh tế suy yếu, các dự báo về nguồn cung dầu toàn cầu lại tăng.

Vào ngày 3/4, 8 thành viên OPEC+ đã đồng ý tăng tổng sản lượng dầu thô hằng ngày thêm 411.000 thùng/ngày. Mức tăng sản lượng này lớn hơn và nhanh hơn so với dự báo của thị trường.

Lập trường chính sách của Mỹ đối với Iran và Venezuela – cả 2 đều là những quốc gia sản xuất dầu lớn – có thể là một yếu tố khác cần theo dõi đối với giá năng lượng trong tương lai.

Chắc chắn, giá dầu thấp hơn có thể giúp bù đắp sự tăng giá của các mặt hàng khác do cuộc chiến thương mại toàn cầu gây ra. Chính quyền ông Trump đã cho rằng sản lượng năng lượng cao hơn và giá dầu thấp hơn là một cách để chống lại lạm phát dai dẳng vẫn đang cao hơn mức mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Yên Huỳnh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/pho-wall-do-lua-2-phien-lien-dau-rot-gia-post121783.html