Phố Wall lấy lại sắc xanh, Giá dầu trái chiều

Chứng khoán Mỹ khởi sắc vào thứ Hai (31/3), khi nhà đầu tư lo lắng chờ đợi các kế hoạch thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Giá dầu tăng khoảng 2% do lo ngại nguồn cung có thể giảm nếu ôngTrump thực hiện lời đe dọa áp thêm thuế đối với Nga và có thể tấn công Iran.

Dow Jones tăng hơn 400 điểm

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tiến 0,55% lên 5.611,85 điểm. Có thời điểm, chỉ số này giảm tới 1,65% và lao dốc 10% so với mức cao kỷ lục. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,14% xuống 17.299,29 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng mạnh 417,86 điểm, tương đương 1%, lên 42.001,76 điểm.

Cổ phiếu gã khổng lồ công nghệ Nvidia mất 1,2%, còn cổ phiếu Tesla hạ 1,7%. Các cổ phiếu công nghệ đã gặp nhiều khó khăn để lấy lại mức tăng vọt từ năm ngoái, vốn được thúc đẩy bởi tâm lý trí tuệ nhân tạo AI gia tăng. Ví dụ, cổ phiếu AI được yêu thích Nvidia hiện đã bốc hơi gần 30% so với mức đỉnh 52 tuần. Nhà đầu tư tìm kiếm các tài sản trú ẩn an toàn đã thúc đẩy một số cổ phiếu thành phần Dow Jones như Coca-Cola và Walmart tăng.

Ông Trump hôm 30/3 cho biết kế hoạch “thuế quan đối ứng” của ông – dự kiến sẽ được công bố vào ngày 2/4 – sẽ nhắm vào “tất cả các quốc gia”, bác bỏ quan điểm cho rằng các mức thuế sắp tới sẽ hẹp hơi và có mục tiêu cụ thể hơn. Thực tế, Wall Street Journal đưa tin rằng những ngày gần đây, Tổng thống Mỹ đã thúc đẩy các cố vấn của mình quyết liệt hơn khi nói đến vấn đề thuế quan.

Thị trường lo lắng rằng thuế quan sẽ làm chậm đáng kể nền kinh tế thậm chí có thể là yếu tố dẫn đến suy thoái. Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của CNBC chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế trong quý đầu tiên chỉ đạt 0,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 2m3% trong quý 4/2024.

S&P 500 đã rơi gần 9% so với mức cao kỷ lục đạt được hồi tháng 2/2025. Chỉ số này cũng chạm mức thấp nhất kể từ tháng 9/2024 vào thứ Hai. Nasdaq Composite cũng đạt mức cao kỷ lục vào tháng 9/2024 và lao dốc 14% so với mức cao mọi thời đại đã ghi nhận vào tháng 12/2024.

Thứ Hai là phiên giao dịch cuối cùng của một tháng và một quý đầy biến động đối với Phố Wall. S&P 500 đã rơi vào vùng điều chỉnh vào tháng 3/2025 sau khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng 2/2025.

Trong tháng 3, S&P 500 đã mất 5,8%, ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2022. Nasdaq Composite sụt 8,2% trong tháng 3, còn Dow Jones giảm 4,2%.

Trong quý 1/2025, S&P 500 đã rớt 4,6%, chấm dứt chuỗi 5 quý tăng liên tiếp. Nasdaq Composite lao dốc 10,4% trong quý, đánh dấu quý giảm mạnh nhất kể từ mức giảm 22,4% trong quý 2/2022. Dow Jones mất 1,3% trong 3 tháng đầu năm 2025.

Dầu tăng lên mức cao nhất trong năm tuần

Khép phiên, giá dầu Brent tương lai tăng 1,11 đô la, tương đương 1,5%, đóng cửa ở mức 74,74 USD/thùng, trong khi giá dầu thô West Texas Intermediate của Hoa Kỳ tăng 2,12 đô la, tương đương 3,1%, đóng cửa ở mức 71,48 USD/thùng.

Đây là mức đóng cửa cao nhất của Brent kể từ ngày 24/2 và là mức đóng cửa cao nhất của WTI kể từ ngày 20/2.

Hôm Chủ Nhật, Tổng thống Trump cho biết ông “tức giận” với Tổng thống Nga Vladimir Putin và sẽ áp dụng thuế quan thứ cấp 25% - 50% đối với những người mua dầu của Nga nếu ông cảm thấy Moscow đang cản trở nỗ lực nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS nhận định “Lời đe dọa áp thuế quan thứ cấp của ông Trump đối với dầu của Nga và Iran là một yếu tố mà những người tham gia thị trường dầu mỏ đang theo dõi chặt chẽ, mặc dù ông ấy đã cho biết hiện chưa có kế hoạch áp dụng ngay lập tức. Nhưng nguy cơ gián đoạn nguồn cung gia tăng trong tương lai.”

Trung Quốc và Ấn Độ là những nước mua dầu thô lớn của Nga và sự chấp thuận của họ sẽ rất quan trọng để khiến bất kỳ gói trừng phạt thứ cấp nào gây tổn hại nghiêm trọng đến xuất khẩu từ quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới.

Một số nhà phân tích tin rằng ông Trump có thể sẽ không hành động theo các lời đe dọa của mình, điều này đang góp phần kìm hãm đà tăng của giá dầu.

Nhà phân tích Tony Sycamore của IG cho biết thị trường cảm thấy ông Trump sẽ không thực hiện lời đe dọa. Còn nếu được ban hành, thuế quan sẽ là một bước nữa hướng tới một cuộc chiến thương mại, gây áp lực lên tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu dầu thô.

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng đe dọa ném bom và áp thuế bổ sung nếu Tehran không đạt được thỏa thuận với Washington về chương trình hạt nhân của nước này.

Về phía Nga, ngày 31/3, Điện Kremlin cho biết Nga và Mỹ đang cùng nhau thảo luận các ý tưởng về một giải pháp hòa bình khả thi cho Ukraine.

Cùng ngày, lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei cho biết Mỹ sẽ phải chịu đòn mạnh nếu hành động theo lời đe dọa của ông Trump.

Liên quan đến nguồn cung, các cuộc đàm phán nhằm khởi động lại hoạt động xuất khẩu dầu của người Kurd thông qua đường ống Iraq-Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp trở ngại, vì các khoản thanh toán và hợp đồng vẫn chưa rõ ràng. Thêm vào đó, chính quyền Mỹ đã thông báo giấy phép xuất khẩu dầu từ Venezuela của công ty dầu mỏ Tây Ban Nha Repsol sẽ bị thu hồi. Repsol cho biết họ đang đàm phán với chính quyền Mỹ về cách công ty có thể tiếp tục hoạt động tại Venezuela.

Một điểm đáng chú ý nữa là sản lượng dầu thô của Mỹ trong tháng 1 giảm 305.000 thùng/ngày, xuống còn 13,15 triệu thùng/ngày - mức thấp nhất kể từ tháng 2/2024.

Về nguồn cầu, kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 3 đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 1 năm, với nhiều đơn đặt hàng mới, mang lại cho nền kinh tế một số hỗ trợ khi phải đối phó với cuộc chiến thương mại đang leo thang với Mỹ.

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, lạm phát trong tháng 3 đã giảm nhiều hơn dự kiến, củng cố kỳ vọng của nhà hoạch định chính sách về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục cắt giảm lãi suất. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí vay của người tiêu dùng, từ đó có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu về dầu mỏ.

Yên Huỳnh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/pho-wall-lay-lai-sac-xanh-gia-dau-trai-chieu-post121653.html