Phố Wall phục hồi sau đợt bán tháo; Dầu trượt mạnh 2%
Chỉ số Dow Jones tăng điểm vào thứ Năm (1/2), phục hồi từ đợt bán tháo sau khi Fed báo hiệu rằng việc hạ lãi suất vào tháng 3 là khó xảy ra. Giá dầu cũng giảm mạnh, khi nhà đầu tư theo dõi nỗ lực đàm phán ngừng bắn trong cuộc chiến Israel – Hamas.
Dow Jones tăng hơn 350 điểm
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones cộng 369.54 điểm, tương đương 0.97%, lên 38,519.84 điểm. Đây là phiên đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới đối với Dow Jones, đồng thời cũng xóa sạch mức giảm trong phiên trước đó. Chỉ số S&P 500 tiến 1.25% lên 4,906.19 điểm. Còn chỉ số Nasdaq Composite thêm 1.3% lên 15,361.64 điểm.
Kết quả lợi nhuận trở lại hàng đầu với 3 trong số 7 cổ phiếu dẫn đầu công bố kết quả kinh doanh sau khi thị trường đóng cửa. Cổ phiếu Apple nhích hơn 1%, hỗ trợ thúc đẩy chỉ số S&P 500. Cổ phiếu Amazon tăng 2.6%, còn cổ phiếu Meta bật 1.2%.
Trước khi thị trường mở cửa, công ty dược phẩm Merck đã đạt được kết quả kinh doanh tốt trong quý 4/2023, qua đó giúp thúc đẩy Dow Jones khi cổ phiếu này vọt hơn 4%.
Phố Wall đã trải qua phiên giao dịch tồi tệ vào ngày 31/01. Với Dow Jones lao dốc 317 điểm, tương đương 0.8%, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2023. S&P 500 sụt 1.6%, đánh dấu phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 9/2023. Và Nasdaq Composite rớt 2.2%, cũng ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2023.
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào ngày 31/01 sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell trong họp báo sau cuộc họp chính sách đã làm nản lòng nhà đầu tư hy vọng rằng lãi suất sẽ được hạ vào tháng 3, dẫn đến cổ phiếu chìm trong sắc đỏ.
Lợi suất trái phiếu tiếp tục giảm, với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm mức thấp nhất trong 1 tháng. Lợi suất kỳ hạn 10 năm đã mất 9 điểm cơ bản xuống còn 3.87%.
Nhà đầu tư hiện sẽ chuyển sự chú ý sang báo cáo việc làm đầu tiên trong năm sẽ công bố vào sáng ngày 02/02.
Dầu giảm hơn 2%
Khép phiên, hợp đồng dầu WTI lùi 2.03 USD, tương đương 2.68%, còn 73.82 USD/thùng. Trong khi, hợp đồng dầu Brent mất 1.85 USD, tương đương 2.03%, xuống 78.70 USD/thùng.
Các hợp đồng dầu đã tăng hơn 1% vào đầu phiên khi thị trường đón nhận kết quả cuộc họp của Ủy ban Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Ủy ban OPEC cho biết vào ngày thứ Năm rằng các thành viên của nhóm đã tuân thủ việc cắt giảm sản lượng sau khi xem xét dữ liệu từ tháng 11 và tháng 12/2023. Ủy ban để xuất không thay đổi quyết định của OPEC về việc cắt giảm 2.2 triệu thùng/ngày trong quý này.
Fed vào ngày 31/01 đã giữ lãi suất ổn định và chỉ ra rằng lãi suất có thể đã đạt định. Lãi suất thấp hơn thường thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy nhu cầu dầu. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho hay rằng việc hạ lãi suất khó có thể diễn ra vào tháng 3/2024.
Dầu đã ghi nhận tháng tăng đầu tiên vào tháng 1/2024 kể từ tháng 9/2023 nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh hơn ở Mỹ, sự gián đoạn sản lượng dầu ở Mỹ do các cơn bão mùa đông và các biện pháp kích thích kinh tế ở Trung Quốc.
Mối lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc đã gây áp lực lên thị trường trong nhiều tháng qua, tuy nhiên, JPMorgan dự báo tăng trưởng đạt 4.9% trong năm nay khi Bắc Kinh tăng cường các gói kích thích. Theo Natasha Kaneva, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại ngân hàng đầu tư, có rất ít dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu tại Trung Quốc đang chậm lại.
“Bỏ vấn đề địa chính trị qua một bên, quan điểm của chúng tôi vẫn là năm 2024 về cơ bản sẽ là một năm lành mạnh đối với thị trường dầu và chúng tôi khuyến nghị sử dụng đợt bán tháo tháng 12/2023 làm cơ hội mua vào,” bà Kaneva lưu ý.
Yên Huỳnh