Phố Wall quay đầu giảm điểm; Dầu được đà khởi sắc

Chỉ số S&P 500 giảm điểm vào ngày 22/8 khi nhà đầu tư sẵn sàng nghe bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Hội nghị thường niên Jackson Hole của ngân hàng trung ương.

Nhà đầu tư chờ thông tin từ Hội nghị Jackson Hole

Khép phiên, chỉ số S&P 500 sụt 0.89% xuống 5,570.64 điểm. Chỉ số Dow Jones trượt 177.71 điểm, tương đương 0.43%, còn 40,712.78 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 1.67% xuống 17,619.35 điểm, khi các cổ phiếu công nghệ chịu áp lực từ đợt giảm giá trong phiên.

Thứ Năm đánh dấu sự suy giảm sau một giai đoạn hầu như tích cực được xem là một đợt phục hồi sau sự biến động của thị trường toàn cầu vào hôm 5/8. Cả 3 chỉ số chính có thời điểm đều tăng trong phiên, với S&P 500 tiến gần mức cao mọi thời đại trong phiên đã ghi nhận vào tháng 7/2024 trước khi đảo chiều.

Chứng khoán Mỹ chịu áp lực giảm giá từ đà tăng lợi suất trái phiếu và một số cổ phiếu công nghệ gặp khó khăn vào thứ Năm. Đáng chú ý, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng gần 9 điểm cơ bản lên 3.863%. Lĩnh vực công nghệ thông tin dẫn dầu đà giảm của S&P 500, bốc hơi hơn 2%, cho thấy sự suy yếu của lĩnh vực này.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào thứ Năm khi những người tham gia thị trường chuyển sự chú ý đến bài phát biểu của ông Powell tại Hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole vào ngày 23/8, hy vọng sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về chính sách lãi suất. Nhà đầu tư đồng lòng kỳ vọng lãi suất sẽ giảm vào tháng tới, theo công cụ CME FedWatch, nhưng vẫn chưa đồng thuận về việc mức giảm lãi suất sẽ là 0.25% hay 0.5%.

Đó là điều diễn ra sau biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed được công bố vào ngày 21/8. Biên bản cho thấy hầu hết những người tham gia cuộc họp đều nói rằng “có thể” phù hợp để hạ lãi suất tại cuộc họp tháng 9 nếu dữ liệu kinh tế tiếp tục được đưa ra như mong đợi.

Với mức giảm trong ngày thứ Năm, Nasdaq Composite nằm ngay dưới đường đi ngang từ đầu tuần đến nay. Dow Jones và S&P 500 vẫn lần lượt nhích 0.1% và 0.3%.

Dầu quay đầu tăng 1.5%

Dầu WTI hiện tăng 2% từ đầu năm đến nay, trong khi dầu Brent đã xóa gần như toàn bộ mức tăng trong năm 2024. Giá dầu WTI và dầu Brent lần lượt trượt 15.7% và 14.8% từ mức đỉnh tháng 4 khi Israel và Iran trên bờ vực chiến tranh.

Giá dầu đã giảm hơn 1% vào ngày 21/08, sau khi tăng trưởng việc làm của Mỹ được điều chỉnh giảm đáng kể, làm dấy lên lo ngại về sức mạnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, Daan Struyven, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Goldman Sachs, cho biết triển vọng nhu cầu ở Trung Quốc đáng lo ngại hơn đối với thị trường toàn cầu.

Nhu cầu dầu ở Trung Quốc tăng 200,000 thùng/ngày trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn 3 lần so với mức tăng trung bình 600,000 thùng/ngày trong giai đoạn 2016 đến 2019, ông Struyven cho biết.

Kết phiên, hợp đồng dầu WTI tiến 1.08 USD, tương đương 1.5%, lên 73.01 USD/thùng. Còn hợp đồng dầu Brent thêm 1.17 USD, tương đương 1.54%, lên 77.22 USD/thùng.

Ông Struyven cũng chia sẻ: “Một phần nhu cầu giảm là do tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại của Trung Quốc và sự gia tăng nhanh chóng của xe điện. Tuy nhiên, phần khác lại là không mong đợi - việc chuyển sang sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) thay vì dầu diesel".

Yên Huỳnh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/pho-wall-quay-dau-giam-diem-dau-duoc-da-khoi-sac-post116489.html