Phố Wall: Thuế quan của ông Trump định hình dự báo tăng trưởng châu Á năm 2025

Báo cáo triển vọng thị trường năm 2025 của các tổ chức tài chính cho thấy, các mức thuế quan toàn diện của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế châu Á và khu vực này sẽ chịu tác động nặng nề nhất trong nửa cuối năm.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng sẽ áp thuế lên tới 10 - 20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu và 60% trở lên đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Goldman Sachs cho biết, chi tiết cụ thể của thuế quan là ẩn số quan trọng nhất đối với châu Á vào năm 2025, và tác động sẽ phụ thuộc vào việc chính quyền mới sẽ đưa chính sách đi xa đến đâu.

Các nhà phân tích Phố Wall cho biết, các quốc gia châu Á chiếm phần lớn trong số các nhà cung cấp hàng hóa nước ngoài hàng đầu cho Mỹ và Trung Quốc, với 16,5% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu của Mỹ vào năm 2022, nên khu vực này dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất với những tác động kéo dài đến năm 2026.

"Có thể nói rằng những trở ngại bên ngoài đã gia tăng và tăng trưởng thương mại toàn cầu đang chậm lại… Khi thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng, toàn bộ khu vực có xu hướng chịu ảnh hưởng", Vishrut Rana, nhà kinh tế của S&P Global Ratings tập trung vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết.

Goldman Sachs ước tính rằng thuế quan sẽ làm giảm gần 0,7 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế theo quý của Trung Quốc vào năm 2025. Nhưng có nhiều quan điểm khác nhau về việc liệu nước này có đủ khả năng bù đắp tổn thất từ thuế quan bằng các phản ứng của riêng họ hay không.

Các nhà kinh tế của Wells Fargo "không tin rằng thuế quan mới sẽ làm đảo lộn hoặc gây gián đoạn quá mức nền kinh tế Trung Quốc". Họ lập luận rằng chính phủ Trung Quốc có thể một lần nữa triển khai các công cụ được sử dụng để đáp trả thuế quan nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Trump, ví dụ như chuyển hướng xuất khẩu để né tránh thuế quan dành riêng cho Trung Quốc và giúp phá giá đồng nhân dân tệ để duy trì khả năng cạnh tranh thương mại. Các nhà phân tích cho biết sự leo thang trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ đặt ra những thách thức và cơ hội cho các nền kinh tế châu Á.

Trung Quốc cũng có thể triển khai thêm các biện pháp kích thích tài khóa cho nền kinh tế, nhưng các nhà phân tích không đồng thuận về việc liệu điều này có đủ để chống lại những trở ngại liên quan đến chiến tranh thương mại hay không.

UBS cho biết: "Tăng trưởng của Trung Quốc có khả năng chậm lại với các biện pháp kích thích tài khóa phản ứng khó có thể đủ để bù đắp hoàn toàn tác động của thuế quan và các thách thức về cấu trúc". UBS ước tính tăng trưởng GDP của nước này chỉ đạt 4% vào năm 2025 và 3% vào năm 2026 khi xuất khẩu giảm do thuế quan hoàn toàn được phản ánh, trong khi chính sách ổn định sự kéo dài của thị trường bất động sản sẽ mất nhiều thời gian hơn để cảm nhận được sau khi mức thuế quan cao hơn gây ra áp lực mới.

Trong khi đó, Bank of America lại có quan điểm lạc quan hơn về triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc, dự báo rằng "các biện pháp kích thích trong nước sẽ bù đắp bất kỳ sự chậm lại nào do những thay đổi trong chính sách thương mại gây ra".

Nhật Bản cũng phải đối mặt với những lo ngại về thuế quan khi là nguồn hàng hóa nước ngoài lớn thứ tư của Mỹ vào năm 2022. Goldman Sachs ước tính rằng mức thuế quan 10% đối với xe nước ngoài có thể làm giảm tăng trưởng GDP của Nhật Bản từ 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm.

Bất chấp mối đe dọa về thuế quan, hầu hết các ngân hàng đầu tư lớn đều lạc quan về việc Nhật Bản sẽ tiếp tục chuỗi tăng trưởng gần đây đã đưa chỉ số chứng khoán Nikkei lên mức cao kỷ lục.

UBS dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,1% vào năm 2025 nhờ mức lương và mức tiêu dùng tăng, trong khi JPMorgan cho biết họ sẽ ưu tiên cổ phiếu tại Nhật Bản với những cải thiện về quản trị doanh nghiệp và những thay đổi có lợi cho cổ đông. Quan điểm về đồng yên khá trái chiều, trong khi UBS dự báo đồng yên sẽ tăng lên 145 vào cuối năm tới thì Bank of America dự báo đồng yên sẽ giảm xuống 160.

Mặc dù thuế quan được áp dụng đối với tất cả hàng hóa nước ngoài hoặc thuế bổ sung đối với các quốc gia có sự mất cân bằng thương mại lớn với Mỹ có thể gây ra thêm nhiều vấn đề, UBS cho biết căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể có tác động thứ cấp là tăng đầu tư vào các khu vực khác của Châu Á khi chuỗi cung ứng được định tuyến lại.

S&P Global Ratings cho biết trong báo cáo triển vọng châu Á - Thái Bình Dương rằng, thuế quan cao hơn đối với hàng hóa từ Trung Quốc cũng sẽ có lợi là giúp các nền kinh tế châu Á khác cạnh tranh hơn trong việc xuất khẩu hàng hóa của chính họ. Nhưng các nền kinh tế Châu Á khác này cũng sẽ "cảm thấy sức ép của sự tăng trưởng yếu hơn ở Trung Quốc và sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn của các nhà xuất khẩu Trung Quốc ở những nơi khác".

Bên cạnh đó, UBS cho biết, đặc điểm dân số thuận lợi của Ấn Độ và rủi ro thuế quan thấp hơn sẽ giúp nước này tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đây là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất trong những năm gần đây. Trong đó, Indonesia và Philippines là một trong những thị trường mới nổi châu Á có thể vượt quá tiềm năng tăng trưởng.

Ngoài ra, ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 100% đối với các nước BRICS nếu họ cố gắng tránh xa đồng đô la. Nhưng Goldman Sachs lưu ý rằng nền kinh tế Ấn Độ có thâm hụt thương mại tương đối nhỏ và "sẽ được hưởng lợi từ dòng vốn FDI có cấu trúc từ việc di dời chuỗi cung ứng".

Với việc di dời chuỗi cung ứng, cả JPMorgan và Barclays đều nhấn mạnh cổ phiếu Ấn Độ là khoản đầu tư vào thị trường mới nổi có thể mang lại lợi nhuận cao.

Thổng thống đắc cử Donald Trump sẽ chính thức trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/, nhưng những tác động từ chính sách kinh tế của ông có thể sẽ không được cảm nhận cho đến nửa cuối năm. Chi phí tăng có thể đẩy lạm phát lên cao vào cuối năm, sau đó có thể đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và việc làm suy giảm.

"Sự kìm hãm tăng trưởng sẽ trở nên rõ ràng vào năm 2026", Seth Carpenter, nhà kinh tế toàn cầu trưởng tại Morgan Stanley cho biết.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/pho-wall-thue-quan-cua-ong-trump-dinh-hinh-du-bao-tang-truong-chau-a-nam-2025-post359793.html