Phối hợp đón lao động trở lại TP.HCM để phục hồi sản xuất
Hiện các phương án kêu gọi người lao động quay lại nơi làm việc chưa rõ ràng nên cần tính toán kỹ, phối hợp chặt giữa doanh nghiệp và các địa phương.
Trước thời điểm TP.HCM từng bước mở cửa trở lại, các doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM và các tỉnh lân cận đặt nhiều kỳ vọng vào kế hoạch khôi phục sản xuất sau thời gian dài đóng cửa vì dịch COVID-19. Người lao động (NLĐ) cũng mong ngóng được quay lại làm việc để có thu nhập sau nhiều ngày chi tiêu cầm cự để chờ nhà máy hoạt động trở lại.
Đếm từng ngày để được đi làm lại
Để phục hồi sản xuất mối quan tâm lớn lúc này của DN là lực lượng lao động trong khi thời gian qua khá nhiều công nhân đã rời TP.HCM về quê. Tuy nhiên, do tâm lý lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại, việc chưa thể di chuyển liên tỉnh và các DN cũng chưa chắc chắn phương án mở cửa nên nguồn công nhân còn đang hạn chế.
Chị Hoàng Phương làm việc tại công ty giày da quy mô lớn (Khu chế xuất Linh Trung I, TP Thủ Đức) đã nghỉ việc gần ba tháng nay và di chuyển từ TP.HCM về quê Phan Thiết, Bình Thuận. Để giữ chân công nhân công ty này vẫn trả lương tối thiểu trong thời gian ngưng hoạt động dù không có doanh thu.
Chị Phương đang băn khoăn không biết có được quay lại làm việc trong tháng 10 khi những bạn bè công nhân đang bàn tán xôn xao về việc nhà máy sắp hoạt động trở lại. “Thường ngày quen nhịp sống công nghiệp đi làm từ sáng, tối về nghỉ ngơi, nay nghỉ một lèo gần ba tháng cảm thấy rất gò bó. Tôi rất mong sớm được quay lại chuyền sản xuất nhưng không biết đi lại bằng cách nào” - chị Phương nói.
Về hướng phục hồi sản xuất, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, nhấn mạnh thời gian đóng cửa kéo dài khiến các nguồn lực của DN kiệt quệ. Do vậy, cần đẩy nhanh phục hồi sản xuất để vực dậy nếu không sẽ lún sâu thêm trong khủng hoảng. Riêng tình hình sản xuất, kinh doanh ngành nông sản của Intimex Group thì vẫn khả quan do thực hiện tốt các biện pháp chống dịch và xoay xở tốt về kinh tế.
Theo ông Nam, hiện số lượng NLĐ đã được tiêm vaccine khá nhiều, các biện pháp y tế cộng đồng đã được củng cố, các DN nên mạnh dạn mở cửa đón NLĐ trở lại. Cùng đó, các DN và hệ thống y tế cần chuẩn bị phương án đi song hành để khi có ca nhiễm vẫn bình tĩnh xử lý và ổn định tinh thần sản xuất thay vì hoang mang, bị động.
Ngoài ra, các DN cần có phương án mở cửa phục hồi sản xuất, theo hướng khoanh vùng xử lý các tình huống khi có dịch bệnh. Các DN cũng cần có chính sách về phúc lợi để thu hút NLĐ quay lại nơi làm việc. Ngoài ra, lãnh đạo DN phải có quyết tâm và chính kiến rõ để NLĐ cảm thấy vững tâm khi quay lại nhà máy.
Ông Nam nói: “Ngoài công nhân làm tại các công ty thì nhu cầu lao động làm dịch vụ như nhà hàng, du dịch, ăn uống, trung tâm thương mại cũng rất lớn, chúng ta cần có tính toán để họ sớm quay lại làm việc nhằm giảm áp lực xã hội”.
Người lao động quay lại bằng cách nào?
Đến nay nhiều cơ quan quản lý lao động các địa phương cho biết chưa có kế hoạch chính thức nào từ các DN và các tỉnh, TP về phương án kêu gọi NLĐ trở lại nơi làm việc.
Số liệu từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp cho thấy tỉnh này có khoảng 1 triệu NLĐ, trong đó hơn 174.000 người làm việc tại nhiều tỉnh, TP phía Nam. Đáng chú ý, NLĐ tự do chiếm số lượng khá lớn với gần 136.000 người, còn NLĐ tại các DN là hơn 38.000 người, trong đó tập trung nhiều nhất là tỉnh Long An với hơn 10.000 người.
Trong khi tính đến ngày 28-9, tỉnh này đã đưa hàng trăm NLĐ tại Bình Dương và TP.HCM về quê, thời gian tới tiếp tục đưa 700 người tại TP.HCM về quê. Trong bối cảnh nhiều tỉnh, TP khu vực Đông Nam bộ lên kế hoạch khôi phục sản xuất, cần nhiều công nhân thì nguồn lao động sẽ khan hiếm.
Từ đó, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp, cho rằng nguồn lực lao động đúng là cấp thiết lúc này để các DN phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, ngoài chương trình tỉnh tổ chức đón bà con về quê thì còn một phần NLĐ về quê tự phát. Do đó, việc kêu gọi NLĐ quay lại nơi làm việc cần tính toán cẩn trọng, có kế hoạch phối hợp giữa DN và chính quyền các tỉnh để vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh vừa sản xuất an toàn tại nhà máy.
Nếu không có kế hoạch phối hợp chặt chẽ thì công nhân sẽ cảm thấy không an tâm để rời địa phương và việc kiểm soát dịch sẽ không đạt kết quả tốt. Chưa kể, NLĐ khi về quê sẽ có tâm lý thủ thế, định hướng tìm kiếm việc làm mới hoặc tính hướng lao động xuất ngoại để cải thiện thu nhập.
Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP.HCM, cho biết nguồn nhân lực để phục hồi sản xuất là mối quan tâm hiện nay của các DN. Bởi số lượng công nhân đã rời TP.HCM về quê khá lớn hiện chưa có phương án cụ thể để kêu gọi họ quay trở lại nơi làm việc. Chưa kể phương án đón NLĐ từ các tỉnh quay lại TP chưa được bàn thấu đáo nên kế hoạch phục hồi từ các DN có thể bị dồn toa chậm lại. Từ đây có thể dẫn tới đứt gãy chuỗi sản xuất.
Từ đó, ông Long cho rằng để DN chủ động kế hoạch phục hồi sản xuất cần tiếp tục phủ rộng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân để họ yên tâm trở lại nhà máy. Cần đẩy nhanh việc tiêm mũi 2 cho hơn 100.000 công nhân tại các khu chế xuất và khu công nghiệp tại TP.HCM. Các cơ quan, DN cần giải tỏa tâm lý cho NLĐ vì trong giai đoạn dịch bệnh họ sẽ có tâm lý bất an khi quay lại nơi làm việc.
Ngoài ra, lực lượng lao động tại các nhà máy đa phần là từ các tỉnh, lúc này họ chưa thể tự thân di chuyển vào TP để đến nhà máy làm việc. Chưa kể dù có chủ trương mở cửa nhưng DN chưa biết mở cửa ngành nghề nào trước, mức độ mở cửa ra sao để họ chủ động tính toán nguồn lao động phù hợp. DN không thể cùng lúc kêu quá nhiều NLĐ nhưng quy mô sản xuất bị bó hẹp, lúc đó lại tạo ra tình trạng vừa thừa vừa thiếu.•
Giải pháp tổng thể là liên kết vùng
Về giải pháp tổng thể để tạo sự liên thông giữa các địa phương thì vùng kinh tế trọng điểm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu cần có sự liên kết thống nhất để thuận tiện việc dịch chuyển đi lại làm việc. Cơ chế thông thương hàng hóa, từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ và nguyên liệu sản xuất không bị ách tắc để đảm bảo chuỗi sản xuất trong quá trình phục hồi không bị đứt gãy như thời gian qua. Đã mở cửa nhưng lại bị ngắt quãng thì hệ quả còn nặng nề hơn, DN càng thêm khó khăn. Đó là chưa kể tỉnh này mở, tỉnh kia đóng thì cũng không tạo ra sức mạnh liên kết nội vùng và liên vùng.
Ông TRẦN THIÊN LONG, Phó Chủ tịch Hiệp hội
Các DN khu công nghiệp TP.HCM