Phối hợp liên ngành bảo vệ trẻ em

Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh An Giang xảy ra 32 vụ xâm hại tình dục, trong đó có 20 vụ nạn nhân là trẻ em, đặc biệt số trẻ từ 5-6 tuổi chiếm khá lớn. Trước tình hình gia tăng ở mức báo động, các sở, ngành đã họp để chia sẻ các giải pháp, phân tích những tồn tại, khó khăn để công tác bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ nói riêng đạt hiệu quả trong thời gian tới.

Kiến thức về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em được phổ biến bằng nhiều hình thức

Kiến thức về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em được phổ biến bằng nhiều hình thức

Thời gian qua, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em được các cấp, ngành tỉnh quan tâm, thực hiện nhiều việc làm cụ thể để bảo vệ trẻ em. Từ công tác tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, phối hợp liên ngành để đa dạng các hình thức tuyên truyền cho đến xây dựng các mô hình theo đặc thù của ngành, từng địa bàn. Công tác hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục về tinh thần, vật chất được thực hiện khẩn trương, kịp thời và tận tâm.

Cùng với đó là sự tích cực của các bên khi phối hợp trong việc xử lý tội phạm. Công tác quảng bá Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 và Tổng đài 18008077 giúp cho người dân và trẻ em kịp thời phát hiện các trường hợp trẻ em bị xâm hại. Ngoài ra, Tổng đài 111 còn cung cấp các dịch vụ qua điện thoại, như: Tham vấn, tư vấn, kết nối... giúp nhiều trẻ em ở vùng sâu, vùng xa được hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng và có hiệu quả.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) An Giang Nguyễn Thị Bảo Trân, dù đã có nhiều hoạt động tích cực, đặc biệt là công tác truyền thông, nhưng tình trạng xâm hại tình dục trẻ em vẫn gia tăng. “Đáng lưu ý, trong các trường hợp bị xâm hại, nhóm độ tuổi là nạn nhân tập trung nhiều nhất từ 13-16 tuổi và có cả trẻ em trai. Đa phần gia đình các nạn nhân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt... Không thể chấp nhận được có những trẻ bị xâm hại tình dục khi chỉ mới 5-6 tuổi. Càng đau lòng hơn khi người xâm hại chính là những người thân trong gia đình” - bà Trân chia sẻ.

Riêng từ năm 2020 đến 2022, UBND tỉnh đã ban hành 5 quyết định, Sở LĐ-TB&XH ban hành 4 kế hoạch và nhiều văn bản khác phối hợp với các ngành liên quan, UBND cấp huyện về phòng, chống xâm hại trẻ em. Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Đặng Huy Châu thông tin, đầu năm đến nay, Sở LĐ-TB&XH phối hợp các ngành liên quan đã tổ chức “Phiên tòa giả định” đến 10 huyện, thị xã, thành phố. Trong tháng 5, mô hình này tổ chức điểm cuối cùng tại huyện Phú Tân. Ngoài những người tham dự trực tiếp, phiên tòa được truyền thanh trên toàn địa bàn, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc bảo vệ trẻ em, đặc biệt trước nguy cơ xâm hại tình dục.

Ngoài việc phối hợp cùng nhau, mỗi ngành tham gia trong công tác này đều đã xây dựng được các mô hình riêng, có kết quả tích cực trong thực tế. Ngành giáo dục có mô hình công tác xã hội học đường; hội liên hiệp phụ nữ tuyên truyền và giám sát các vấn đề hỗ trợ, can thiệp xử lý tội phạm liên quan đến trẻ em; Tỉnh đoàn có mô hình Hội Đồng đội góp phần xây dựng môi trường an toàn, giảm nguy cơ trẻ bị xâm hại…

11 báo cáo tham luận của các sở, ngành đã chỉ ra thực trạng, khó khăn và đề xuất tổng cộng 56 giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, nhiều khó khăn được xem xét, như: Hình thức tuyên truyền chưa đa dạng và đi vào chiều sâu, đối tượng truyền thông chưa có sự phân chia đồng đều. Trong công tác chỉ đạo và thực hiện, một số nơi còn “khoán trắng” cho ngành hoặc cán bộ phụ trách. Bên cạnh đó, những yếu tố khách quan được phân tích cũng rất đáng quan tâm, như: Đa số các nạn nhân bị xâm hại đều thuộc hoàn cảnh khó khăn, kết cấu gia đình không hoàn hảo, tác động mặt trái của cuộc cách mạng 4.0, trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt chưa được quan tâm đúng mức…

Các ngành đều thống nhất quan điểm, để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ xâm hại, giải pháp căn cơ là ngăn ngừa, với trọng tâm là truyền thông, tuyên truyền. Trong đó, cần phân luồng đối tượng truyền thông, thay đổi nội dung hình thức tuyên truyền và đa dạng trên nhiều phương tiện. Đồng thời, nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách công tác trẻ em và hướng dẫn phương pháp xử lý thông tin, tiếp cận các trường hợp xảy ra. Cần tập huấn kỹ năng cho trẻ để nhận biết, tự bảo vệ bản thân, phòng tránh hành vi ảnh hưởng đến trẻ. Các ngành cũng đồng tình việc tiếp tục rà soát, kiến nghị, đề xuất để hoàn thiện pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em. Khi xem xét xử lý các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, đề nghị quan tâm hơn trong xử lý khung hình phạt đảm bảo tính răn đe và không tái phạm với những tội phạm này.

Trên cơ sở phân tích điều kiện thực tế cho thấy, cần phát triển dịch vụ bảo vệ trẻ em trên các lĩnh vực về phúc lợi xã hội (y tế, giáo dục, tư pháp…). Chú trọng cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại gia đình, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế và các cơ sở bảo trợ xã hội. Phát huy kết quả của thời gian qua, công tác phối hợp liên ngành sẽ tiếp tục được nâng cao chất lượng nhằm duy trì hiệu quả cơ chế thông tin, báo cáo ở các cấp về công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Đặc biệt, thời gian tới, các ngành sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phoi-hop-lien-nganh-bao-ve-tre-em-a362206.html