Phối hợp nhịp nhàng các mặt trận

Sau 70 năm, nhìn lại sự kiện Hiệp định Genève năm 1954, việc đánh giá đúng những bài học kinh nghiệm, nhất là sự phối hợp nhịp nhàng các mặt trận trong quá trình diễn ra Hội nghị, đến nay vẫn mang nhiều ý nghĩa lý luận và thực tiễn.

Giữ vững lập trường

Ngày 26.4.1954, Hội nghị Genève khai mạc cũng là lúc cuộc tiến công của quân và dân Việt Nam vào cứ điểm Điện Biên Phủ rất quyết liệt, đẩy quân Pháp vào tình thế nguy kịch. Dù vậy, do cuộc chiến ở Điện Biên Phủ chưa kết thúc, quân Pháp vẫn nuôi hy vọng giành được một thắng lợi về quân sự, tạo ưu thế trên bàn đàm phán để kết thúc chiến tranh tại Việt Nam trong danh dự.

Song tình trạng đó diễn ra không lâu. Ngày 1.5.1954, khi các đơn vị tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam mở những đợt tấn công cuối cùng vào cứ điểm Điện Biên Phủ và trước thất bại không thể cứu vãn, thì ngày 2.5.1954, các nước Mỹ, Pháp vội vàng thông báo qua Liên Xô chấp thuận sự có mặt chính thức của Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị.

Chiến thắng Điện Biên Phủ tác động mạnh mẽ và hỗ trợ tích cực cho diễn tiến của Hội nghị tại Genève. Ảnh tư liệu

Chiến thắng Điện Biên Phủ tác động mạnh mẽ và hỗ trợ tích cực cho diễn tiến của Hội nghị tại Genève. Ảnh tư liệu

Theo GS. TS. Hà Minh Hồng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, trong khi các hoạt động quân sự diễn ra quyết liệt trên chiến trường Đông Dương, chủ yếu tại Việt Nam, thì đàm phán tại Genève cũng diễn ra rất gay gắt và phức tạp với sự đấu tranh quyết liệt của Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhất là từ ngày 8.5.1954, một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là đình chỉ chiến sự ở Đông Dương, giải quyết vấn đề quân sự và chính trị cùng lúc cho cả ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.

Ngày 29.5.1954, sau bốn phiên họp toàn thể và tám phiên họp cấp trưởng đoàn, Hội nghị Genève ra quyết định ngừng bắn toàn diện và thống nhất đại diện Bộ Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương gặp nhau tại chỗ (Việt Nam) và ở Genève để bàn về bố trí lực lượng quân sự theo thỏa thuận đình chiến, bắt đầu bằng phân vùng tập kết quân đội ở Việt Nam.

Chiến trường hỗ trợ tích cực cho đàm phán

Để phối hợp với cuộc đấu tranh ngoại giao tại Genève, tháng 6.1954, Bộ Tổng Tư lệnh ra chỉ thị về hoạt động quân sự trong mùa hè của các lực lượng vũ trang ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, nhiệm vụ chung được xác định là giữ vững và tăng cường hoạt động quân sự bằng việc sử dụng một bộ phận bộ đội chủ lực luân lưu phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, chống càn quét, chống bắt lính; củng cố và mở rộng các căn cứ du kích và khu du kích... để phá kế hoạch củng cố và tập trung lực lượng của địch ở đồng bằng. Thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh, các lực lượng vũ trang tiếp tục đẩy mạnh tiến công địch để phối hợp với đấu tranh ngoại giao trên bàn đàm phán.

Từ đầu tháng 6, nhất là những ngày cuối tháng 6 đến đầu tháng 7.1954, quân địch đã rút bỏ hàng loạt vị trí ở trung du và nam đồng bằng Bắc Bộ. Thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường tiếp tục tác động mạnh mẽ và hỗ trợ tích cực cho diễn tiến của Hội nghị tại Genève.

Theo thỏa thuận giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp, từ ngày 4.7 - 27.7.1954, tại Trung Giã (huyện Đa Phúc, Vĩnh Phúc, nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị quân sự tại chỗ giữa Đoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam do Thiếu tướng Văn Tiến Dũng làm Trưởng đoàn và Đoàn đại biểu Bộ Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương do Đại tá Lennuyeux làm Trưởng đoàn.

Cùng với cuộc đấu tranh gay go, phức tạp ở Hội nghị Genève về những nguyên tắc lớn, cơ bản để chấm dứt chiến tranh, cuộc đấu tranh giữa phái đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam với phái đoàn quân đội viễn chinh Pháp ở Hội nghị Trung Giã cũng diễn ra căng thẳng trên những vấn đề cụ thể. Hai bên trao đổi về những vấn đề quân sự mà Hội nghị đặt ra, đặc biệt là chuẩn bị tốt những điều kiện cần thiết để thực hiện ngừng bắn đúng ngày, giờ như Hiệp định Genève quy định.

PGS.TS. Hoàng Xuân Chiến khẳng định, có thể nói, Hội nghị quân sự Trung Giã là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương vào giai đoạn chuẩn bị cho việc kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Hội nghị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh giao, góp phần tích cực vào thành công của Hội nghị Genève, để lại dấu ấn đậm nét của đối ngoại quân sự trong nền ngoại giao Việt Nam.

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, PGS.TS. Trần Đức Cường cho biết, trong thời gian diễn ra Hội nghị Genève về Đông Dương, sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với hoạt động của Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị là vô cùng sát sao. Sau quá trình đấu tranh kiên quyết của Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sự thỏa hiệp giữa Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Anh, ngày 21.7.1954, Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Đông Dương được ký kết. Pháp chấp nhận chấm dứt chiến tranh tại Đông Dương và cam kết rút quân về nước, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia...

Đánh giá về Hội nghị, TS. Ngô Vương Anh, Ban Xây dựng Đảng, Báo Nhân Dân cho rằng, Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Hội nghị với tư thế của người chiến thắng, mang theo âm vang “tiếng sấm Điện Biên Phủ” chấn động thế giới, thế nhưng lại không có vị thế cao trên bàn đàm phán. Trong số 9 thành viên dự Hội nghị thì phía Pháp có 6, gồm Pháp, Mỹ, Anh và ba chính quyền do Pháp bảo trợ tại Lào, Campuchia. Hai “đồng minh cùng phe” của Việt Nam là Liên Xô và Trung Quốc.

Việc đàm phán các điều khoản giải pháp cho cuộc chiến Đông Dương không do hai bên trực tiếp tham chiến mà do các “nước lớn" giữ vai trò chính. Đoàn Pháp luôn lẩn tránh đàm phán trực tiếp với phái đoàn Việt Nam nhưng dùng vai “nước lớn” để thỏa thuận ngầm. Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gặp nhiều bất lợi nên không thể kiên trì bảo vệ được những yêu cầu quan trọng. Trong thế phân chia ảnh hưởng giữa các “nước lớn” trên bàn cờ chính trị thế giới, đây là điều khó tránh ở một hội nghị quốc tế, khi “luật chơi” và cả diễn biến “cuộc chơi” đều do các nước lớn quyết định. Ở Hội nghị Genève, Việt Nam phải chấp nhận một số điều kiện bất lợi.

"Hiệp định Genève xác nhận nền hòa bình của nhân dân Việt Nam. Nền hòa bình đó chỉ có thể đạt được sau 9 năm trường kỳ kháng chiến anh dũng với nhiều hy sinh, gian khổ. Dù vậy, kết quả đó không tương xứng với thực tế thắng lợi của Việt Nam trên chiến trường; nhân dân Việt Nam còn phải đi tiếp chặng đường dài 21 năm với nhiều máu lửa chiến tranh, nhiều hy sinh, mất mát đau thương để đạt tới thống nhất và hòa bình", TS. Ngô Vương Anh nói.

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/phoi-hop-nhip-nhang-cac-mat-tran-i380936/