Phòng bệnh bạch hầu từ sớm, từ xa

Quốc Phong

BPO - “Bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh như Hà Giang, Điện Biên và đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thuộc nhóm B, do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch. Trên địa bàn tỉnh Bình Phước, năm 2016 đã xảy ra dịch bệnh bạch hầu tại huyện Đồng Phú, với hơn 60 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Chính vì vậy, việc phòng, chống lây nhiễm trong cộng đồng phải được đặc biệt quan tâm” - Tiến sĩ Phạm Hoàng Xuân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh khẳng định.

Tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch là giải pháp tốt và hữu hiệu nhất phòng ngừa bệnh bạch hầu

Tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch là giải pháp tốt và hữu hiệu nhất phòng ngừa bệnh bạch hầu

Nhằm chủ động phòng, chống dịch bạch hầu, ngày 20-9-2023, Sở Y tế tỉnh Bình Phước ban hành Công văn số 3995/SYT-NV (khẩn) về tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu. Trên cơ sở đó, CDC Bình Phước đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh bạch hầu; triển khai các hoạt động can thiệp phòng, chống dịch bệnh; giám sát, điều tra và phát hiện các ca mắc mới; cấp thuốc điều trị dự phòng cho tất cả đối tượng có nguy cơ mắc bệnh; lập danh sách trẻ dưới 1 tuổi và 18 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu để tiêm bổ sung; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn và tuyên truyền lợi ích của việc tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu... Sở Y tế yêu cầu trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tăng tỷ lệ tiêm chủng vắc xin cho trẻ em, đặc biệt là vắc xin có thành phần phòng bệnh bạch hầu.

Hai biến chứng nguy hiểm

Tiến sĩ Phạm Hoàng Xuân cho biết: Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm, nhiễm khuẩn cấp, lây truyền từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người lành mang trùng và hít phải các chất tiết đường hô hấp của người bệnh bắn ra khi ho, hắt hơi hoặc có thể lây qua tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm các chất tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2-5 ngày. Người mắc bệnh bạch hầu có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó nuốt, hạch góc hàm sưng đau, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidan hoặc thành sau họng, khó thở hoặc thở nhanh, chảy nước mũi.

Bệnh sẽ khỏi khi dùng kháng sinh, nhưng đáng sợ là biến chứng. Biến chứng đáng chú ý nhất là viêm cơ tim, viêm thần kinh. Biến chứng viêm cơ tim làm cho bệnh nhân cảm thấy mệt, khó thở, hụt hơi, dẫn đến suy tim cấp và tử vong. Biến chứng viêm thần kinh mặt, bệnh nhân bị liệt hô hấp và dẫn đến tử vong.

Phòng bệnh và chẩn đoán sớm khi có dấu hiệu

Để phòng bệnh bạch hầu, Tiến sĩ Phạm Hoàng Xuân khuyến cáo: Mọi người cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi - họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người nghi mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Người dân sinh sống trong khu vực có dịch cần thực hiện nghiêm việc uống thuốc và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định, yêu cầu của cơ quan y tế.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Nếu có các triệu chứng như ho, sốt, đau họng, đó là những dấu hiệu cảnh báo và phải đến cơ sở y tế khám, chẩn đoán sớm, nếu muộn hậu quả sẽ khó lường. Điển hình như đợt dịch năm 2016 xảy ra trên địa bàn huyện Đồng Phú là do chẩn đoán muộn.

Theo Tiến sĩ Phạm Hoàng Xuân, mặc dù bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng đã có vắc xin phòng bệnh. Do đó, tiêm phòng vắc xin đầy đủ là vũ khí phòng, chống bệnh hiệu quả nhất. Theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trẻ dưới 1 tuổi được tiêm 3 liều vắc xin. Trước đây có các mũi tiêm: bạch hầu, uốn ván, ho gà, nay có vắc xin “5 trong 1”, “6 trong 1”, đều có thành phần của bạch hầu. Dưới 1 tuổi, trẻ tiêm chủng đầy đủ sẽ được bảo vệ. Sau đó, từ chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm nhắc lại cho trẻ 23 tháng tuổi. Gần đây, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia còn mở rộng thêm cho trẻ 7, 8 tuổi và trẻ 11 tuổi, vì qua một số nghiên cứu cho thấy kháng thể bảo vệ đối với bệnh bạch hầu sẽ giảm đi sau 10 năm. Do đó, để phòng ngừa hiệu quả bệnh bạch hầu, trẻ phải tiêm chủng đủ liều. Đối với người lớn không nhớ rõ đã tiêm hay chưa thì nên đến điểm tiêm chủng để được tư vấn và tiêm đầy đủ.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/148956/phong-benh-bach-hau-tu-som-tu-xa