Phòng, chống bạo lực đối với trẻ em: Trách nhiệm chính từ mỗi gia đình

Bạo lực đối với trẻ em từ người thân trong gia đình là vấn đề bức xúc, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Để hạn chế, ngăn ngừa đến mức thấp nhất các vụ bạo lực này đòi hỏi vai trò, trách nhiệm rất lớn từ cha mẹ các em.

Phát hiện, xử lý chưa nhiều

Qua đánh giá của cơ quan liên quan, thời gian qua, công tác phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) nói chung, bạo lực đối với trẻ em nói riêng được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai.

Ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Phó trưởng Ban chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác gia đình tỉnh cho biết, Sở đã tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về xây dựng, giáo dục đạo đức, lối sống gia đình, PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh.

Một giờ học kỹ năng sống cho trẻ tại Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh.

Một giờ học kỹ năng sống cho trẻ tại Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh.

Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác PCBLGĐ có sự chuyển biến rõ rệt. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.400 câu lạc bộ PCBLGĐ. Số vụ BLGĐ giảm dần theo từng năm.

Theo số liệu báo cáo từ các địa phương, nếu như năm 2015 toàn tỉnh phát hiện, xử lý 232 vụ BLGĐ (chủ yếu là xảy ra với phụ nữ và trẻ em), đến năm 2021 có 25 vụ (giảm 8% so năm 2020), trong đó có 8 vụ nghiêm trọng. Các vụ việc đã được xử lý hình sự, xử phạt hành chính hoặc nhắc nhở, răn đe.

Dù đạt được kết quả nhất định song qua phân tích của cơ quan chức năng, tình hình bạo lực đối với trẻ em trên cả nước nói chung, trong đó có tỉnh Bắc Giang vẫn diễn biến khó lường. Số vụ việc liên quan đến bạo lực trẻ em bị phát hiện, xử lý còn ít so với thực tế.

Nghiên cứu về bạo lực gia đình do Viện Nghiên cứu gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) thực hiện năm 2019 chỉ ra rằng, trong số những người được khảo sát có gần 70% trẻ em cho biết đã từng bị bố mẹ xử phạt bằng hình thức đánh, đấm, đạp, tát và gần 32% cha mẹ thừa nhận đã xử phạt con bằng bạo lực. Điều đó cho thấy, tình trạng trẻ em bị bạo lực trong gia đình vẫn xảy ra nhiều với tính chất mức độ, khác nhau.

Nhiều gia đình còn quan niệm “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” mới là cách giáo dục con "đúng đắn, hiệu quả". Nhiều người coi chuyện đánh con là bình thường, đánh mắng con là quyền của cha mẹ, có như vậy con mới nên người. Gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân, mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm với con… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị bạo lực (kể cả thể xác và tinh thần).

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCBLGĐ ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết các vụ việc khi được phát hiện, xử lý đều ở mức nghiêm trọng. Trẻ em khi bị bố, mẹ, người thân trong gia đình bạo hành thường sợ hãi, không có khả năng và kỹ năng tự bảo vệ, không dám chia sẻ, tố giác.

Theo ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có hơn 479 nghìn trẻ em, chiếm khoảng 28% dân số; trong đó có hơn 4 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; khoảng 40 nghìn trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Phần lớn số trẻ này sống trong gia đình nghèo, cận nghèo, có bố, mẹ mắc tệ nạn xã hội (nghiện rượu, ma túy, cờ bạc,...), kết hợp tác động tiêu cực của Internet, mạng xã hội nên dễ trở thành nạn nhân của các vụ bạo lực trong gia đình.

Can thiệp, bảo vệ trẻ kịp thời

Theo Luật Trẻ em, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Pháp luật nghiêm cấm hành vi bạo lực đối với trẻ em. Trong Luật PCBLGĐ cũng nêu rõ BLGĐ là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, giáo dục, hình thành nhân cách con trẻ. Muốn trẻ học được điều tốt, có nhân cách, đạo đức tốt, cha mẹ cần phải xây dựng văn hóa ứng xử tốt trong gia đình, là tấm gương sáng trong lối sống, hành động, việc làm để các con noi theo".

Bà Dương Thị Lợi, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh.

Hậu quả của hành vi bạo lực (cả thể xác, lẫn tinh thần) đối với trẻ em rất nặng nề, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lâu dài của trẻ.

Việc học tập của trẻ bị giảm sút, chậm phát triển trí tuệ, tự ti, trầm cảm, rối nhiễu tâm lý, hung hăng, cư xử bạo lực với người khác và dễ dẫn tới phạm tội. Bạo lực trẻ em còn làm xói mòn đạo đức, gây bất ổn, tan vỡ hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội.

Cũng bởi xuất phát từ thực trạng các vụ bạo lực trẻ em trên cả nước diễn biến phức tạp, chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em (tháng 6) năm nay là "Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em".

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện, yêu cầu các ngành, địa phương tập trung vào hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự án liên quan đến trẻ em. Tổ chức chiến dịch truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đến từng gia đình, cộng đồng dân cư về các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, nhất là phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em trong gia đình.

Để phòng ngừa, hạn chế PCBLGĐ đối với trẻ em có vai trò, trách nhiệm rất lớn của các bậc cha mẹ. Trước khi tiến tới hôn nhân, mỗi người lớn cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng nuôi dạy, chăm sóc con trẻ, bảo đảm các điều kiện cuộc sống của gia đình. Thường xuyên gần gũi, chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng con trẻ. Khi có một tổ ấm gia đình hạnh phúc, sẽ hạn chế được rất nhiều những vụ bạo lực gia đình.

Theo bà Dương Thị Lợi, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, giáo dục, hình thành nhân cách của trẻ. Muốn trẻ học được điều tốt, có nhân cách, đạo đức tốt, cha mẹ cần phải xây dựng văn hóa ứng xử tốt trong gia đình, là tấm gương sáng trong lối sống, hành động, việc làm để các con noi theo.

Cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật đối với người dân về PCBLGĐ, các nguy cơ trẻ em bị bạo lực để phòng ngừa.

Thành lập nhiều mô hình, câu lạc bộ PCBLGĐ nhất là ở cơ sở, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em; tổ chức các diễn đàn để trẻ em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng. Tăng cường giám sát; kịp thời, phát hiện, tố giác, xử lý nghiêm các vụ bạo lực đối với trẻ em, bảo đảm cho trẻ được sống trong môi trường an toàn để phát triển toàn diện.

Bài, ảnh: Công Doanh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/385405/phong-chong-bao-luc-doi-voi-tre-em-trach-nhiem-chinh-tu-moi-gia-dinh.html