Phòng chống, bạo lực gia đình: Góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc

Những năm qua, công tác gia đình luôn được ban chỉ đạo (BCĐ) công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các tầng lớp Nhân dân. Qua đó, góp phần đẩy lùi bạo lực, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.

Gia đình là tế bào của xã hội. Để xây dựng một xã hội hạnh phúc, những năm qua, các cấp, ngành đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó tăng cường truyền thông về công tác gia đình, nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Tăng truyền thông, nâng nhận thức

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ tỉnh cho biết: Hằng năm, sở tham mưu BCĐ tỉnh ban hành kế hoạch về thực hiện công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn BCĐ các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn; duy trì, nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình và sinh hoạt CLB gia đình phát triển bền vững; triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; tuyên truyền chương trình giáo dục đạo đức lối sống gia đình Việt Nam…

Gia đình anh Dương Văn Ngoan (dân tộc Mông, thôn Khuổi Làm, xã Cao Minh, huyện Tràng Định) nhiều năm liên tục là gia đình văn hóa tiêu biểu của xã

Gia đình anh Dương Văn Ngoan (dân tộc Mông, thôn Khuổi Làm, xã Cao Minh, huyện Tràng Định) nhiều năm liên tục là gia đình văn hóa tiêu biểu của xã

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và hành động của các tầng lớp Nhân dân về công tác gia đình, BCĐ các cấp trên địa bàn tỉnh đã tăng cường hoạt động tuyên truyền về công tác gia đình với nhiều hình thức, nội dung phong phú như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, lưu động, cổ động trực quan, treo băng rôn, khẩu hiệu tại các khu tập trung dân cư, biên soạn, in cấp phát các tài liệu.

Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng, phát trên 230 tin, bài, phóng sự trên sóng phát thanh, truyền hình. Sở Tư pháp biên soạn 4 loại tờ gấp trong đó có tờ gấp với nội dung về quy định của pháp luật về xử lý hành vi xâm hại trẻ em, xử lý hành vi bạo lực gia đình; treo trên 350 pano, băng rôn, cờ phướn; tổ chức 10 hội thi, diễn đàn, nhân kỷ niệm các ngày lễ về gia đình, tháng hành động vì trẻ em, tháng bình đẳng giới…

Cùng đó, Công an tỉnh xây dựng 27 tin, bài, phóng sự, ảnh, chuyên mục “Vì an ninh Xứ Lạng” tuyên truyền trên Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, phản ánh kết quả công tác đấu tranh với các loại tội phạm, hành vi vi phạm phát luật về bạo lực gia đình; hội phụ nữ các cấp tổ chức các lớp tuyên truyền lồng ghép được 804 cuộc với 35.498 lượt người tham gia, phối hợp với cộng tác viên dân số tuyên truyền 615 cuộc với 33.825 hội viên phụ nữ, cấp phát cho cơ sở 1.000 quyển sách về tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc. Qua tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể, các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình.

Mặt khác, Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025” được duy trì tại 11 huyện, thành phố, thu hút trên 10.500 hội viên tham gia. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, BCĐ tỉnh đã lựa chọn xã Bắc Quỳnh (huyện Bắc Sơn), xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng), xã Liên Hội (huyện Văn Quan), xã Hoàng Việt (huyện Văn Lãng) để thí điểm thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”. Cấp ủy, chính quyền các xã đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn, trong đó phát huy vai trò tiên phong của các cán bộ, đảng viên trong tuyên truyền, vận động, giúp người dân trên địa bàn nắm rõ nội dung, ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình. Từ đó góp phần thay đổi ý thức, có sự điều chỉnh về hành động, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng, gia đình hạnh phúc.

Cùng với tuyên truyền, BCĐ tỉnh đã chỉ đạo các ngành thành viên tổ chức tập huấn nhằm trang bị thêm các kỹ năng, nghiệp vụ trong hoạt động gia đình và công tác phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em. Từ năm 2022 đến nay, thành viên BCĐ đã tổ chức được 8 hội nghị tập huấn điểm về tiếp cận trợ giúp pháp lý vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho 1.425 cán bộ xã; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 14 lớp tập huấn cung cấp các kiến thức cơ bản về bình đẳng giới, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới, kiến thức về công tác xây dựng gia đình cho hơn 900 cán bộ hội hội phụ nữ chuyên trách các cấp…

Thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu sắc của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của gia đình, công tác gia đình. Người dân đã có sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động, chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc với tỷ lệ gia đình văn hóa ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2022, tỷ lệ gia đình văn hóa toàn tỉnh đạt 86,2%, tăng 6,2% so với năm 2021.

Nhân rộng mô hình

Đi đôi với tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, BCĐ các huyện, thành phố, các cấp, ngành quan tâm duy trì tốt và nhân rộng các mô hình gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn. Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 33 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 120 câu lạc bộ (CLB) “Gia đình phát triển bền vững” với 660 gia đình; 120 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình với 1.000 thành viên. Đến nay, toàn tỉnh có tổng số 156 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 780 CLB “Gia đình phát triển bền vững” thu hút trên 21.130 gia đình tham gia; 780 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình với khoảng 31.000 thành viên.

Người dân xem tranh trưng bày “Hạnh phúc gia đình trong ánh mắt tuổi thơ” tại Phố đi bộ Kỳ Lừa (ngày 24/6/2023)

Người dân xem tranh trưng bày “Hạnh phúc gia đình trong ánh mắt tuổi thơ” tại Phố đi bộ Kỳ Lừa (ngày 24/6/2023)

Tháng 6/2023, chúng tôi có dịp tham dự một buổi sinh hoạt định kỳ của CLB phòng, chống bạo lực gia đình thôn Lù Thẳm, xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng. Trong buổi sinh hoạt, các thành viên được nghe tuyên truyền các nội dung về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống xâm hại trẻ em… với nhiều hình ảnh, câu chuyện kể hấp dẫn.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ nhiệm CLB Phòng, chống bạo lực gia đình thôn Lù Thẳm cho biết: CLB được thành lập từ năm 2016 với 25 thành viên, đến nay tăng lên 30 thành viên. Đặc biệt, không chỉ có phụ nữ mà CLB còn có sự tham gia của 12 thành viên nam. Chúng tôi tổ chức sinh hoạt định kỳ mỗi quý 2 lần để tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của các thành viên, giúp các thành viên không chỉ điều chỉnh hành vi cư xử trong gia đình mình mà còn tích cực truyền đạt, lan tỏa cho các gia đình lân cận, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực. Từ khi thành lập đến nay, trên địa bàn thôn không xảy ra bạo lực gia đình.

Được biết trên địa bàn huyện Văn Lãng hiện nay có 15 mô hình CLB gia đình và 75 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình. Mỗi CLB gia đình và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình có từ 25 đến 30 thành viên. Hầu hết các gia đình và thành viên tham gia mô hình CLB đều tự nguyện đóng góp kinh phí sinh hoạt.

Cùng đó, BCĐ các huyện, thành phố đã thành lập và duy trì hoạt động của 1.204 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng dân cư, góp phần hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả của bạo lực gia đình. Thông qua các hoạt động của các mô hình, nhóm, CLB, nhận thức của Nhân dân về công tác gia đình được nâng lên, góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình. Theo số liệu tổng hợp của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, trong năm 2022 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 54 bạo lực gia đình, giảm 60 vụ so với năm 2021. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 18 vụ bạo lực gia đình, giảm 10 vụ so với cùng kỳ năm 2022.

Đặc biệt, hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) năm 2023 với chủ đề “Gia đình hạnh phúc – Quốc gia thịnh vượng”, BCĐ từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng kế hoạch, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền và nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực để phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc. Tiêu biểu, huyện Bắc Sơn tổ chức chương trình biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc và giao lưu văn nghệ; Tỉnh đoàn tổ chức cuộc thi “Gửi lời yêu thương” thu hút trên 2.000 bài thi đến từ các huyện, thành phố với nhiều clip đặc sắc; Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa Gia đình tỉnh tổ chức biểu dương gia đình tiêu biểu sinh hai con một bề, thành phố Lạng Sơn đẩy mạnh các hoạt động truyền thông…

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ công tác gia đình thành phố Lạng Sơn cho biết: Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm nay, thành phố đã đặt ra các mục tiêu triển khai bộ tiêu chí ứng xử đến mọi gia đình và các thành viên trong gia đình trên địa bàn, góp phần nâng cao nhận thức về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2025 đạt 90% gia đình đăng ký theo bộ tiêu chí và 100% gia đình được cấp tài liệu giáo dục đạo đức. Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo các xã, phường tổ chức tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm sinh hoạt CLB gia đình, thăm, tặng quà các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Với những nỗ lực của các cấp, ngành liên quan và sự vào cuộc của người dân, tin tưởng rằng công tác gia đình sẽ ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của người dân, đẩy lùi bạo lực, xây dựng gia đình hạnh phúc.

NGỌC HIẾU - TUYẾT MAI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/592739-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-gop-phan-xay-dung-gia-dinh-hanh-phuc.html