Phòng chống bạo lực học đường: Muốn thành công phải cần nhiều giải pháp

Các chuyên gia đánh giá việc giảm nhẹ hình phạt tăng cường giáo dục được xem là xu hướng giáo dục tiến bộ, tuy nhiên hiện nhiều nhà trường và giáo viên chưa đủ kỹ năng để thực hiện. Chính điều này đặt ra lo ngại về bạo lực học đường có thể tăng cao nếu không được quan tâm đúng mức.

Giảm hình phạt, bạo lực học đường dễ bùng phát

Bạo lực học đường hiện nay trở thành một vấn nạn nhức nhối đối với giáo dục. Một số vụ việc cho thấy sự bất lực của nhà trường, gia đình trước vấn nạn này. Nhiều ý kiến cho rằng, vì các hình thức kỷ luật mức độ răn đe thấp, cho nên dẫn đến nhiều học sinh xem thường kỷ luật nhà trường, do đó các hành vi sai phạm lặp đi, lặp lại nhiều lần. Có nhiều nạn nhân của bạo lực học đường không được bảo vệ kịp thời đã bỏ học. Thậm chí, nhiều học sinh bị trầm cảm, chán học.

Bạo lực học đường cần phải có nhiều biện pháp mới mong được giảm thiểu.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang dự thảo quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông với nhiều nội dung mới được hy vọng sẽ góp phần thay đổi vấn nạn này. Theo dự thảo, có nhiều điểm mới trong việc kỷ luật học sinh như: không có hình thức kỷ luật đuổi học, không phê bình trước toàn trường… Theo đánh giá thì mức độ kỷ luật áp dụng cao nhất đối với học sinh đó chính là cho thôi học có thời hạn.

Đánh giá về các hình thức kỷ luật trong dự thảo, thầy Nguyễn Trung Thành (Quảng Bình) cho rằng, các mức độ kỷ luật nhẹ hơn so với các hình thức áp dụng kỷ luật hiện nay, điều này sẽ là thách thức lớn trong việc ngăn chặn bạo lực học đường.

Giáo dục học sinh mất đạo đức, hư hỏng chưa bao giờ là đơn giản. Để giáo dục một em học sinh cá biệt mất nhiều thời gian, tâm sức hơn gấp nhiều lần đối với các em học sinh bình thường. Một năm, một giáo viên có thể bồi dưỡng được 10 học sinh giỏi cấp tỉnh nhưng dạy không thành một học sinh cá biệt. Nhiều học sinh lên lớp là để quậy phá, có giáo dục thì cũng như “nước đổ đầu vịt”. “Tôi thấy áp lực khi dạy học sinh cá biệt” – thầy Thành chia sẻ.

Đồng quan điểm, theo cô Nguyễn Thu Hoài ở Nghệ An, áp dụng các hình thức kỷ luật nhân văn để đảo bảo tính giáo dục trong môi trường nhà trường là cần thiết. Nhưng trong thực tế giảng dạy, một số trường hợp học sinh bất hảo cần thiết phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn. Với những học sinh nghiện hút ma túy nếu không đuổi học thì sẽ lôi kéo nhiều em khác hư hỏng theo.

Các chuyên gia đã chỉ ra, kỷ luật là để phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi vi phạm nội quy, quy định của nhà trường, pháp luật của Nhà nước nhưng cũng để giúp học sinh nhận ra khuyết điểm, thay đổi nhận thức, tự giác rèn luyện để tiến bộ. Không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh.

Các hình thức kỷ luật học sinh phải kèm theo kế hoạch giáo dục giúp đỡ học sinh tiến bộ và đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cá nhân, tổ chức liên quan trong quá trình áp dụng các hình thức kỷ luật học sinh.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, Giáo sư Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho rằng, trong bối cảnh hiện nay phổ cập lên bậc học THCS thì không thể đuổi học sinh. Vì học tập là bắt buộc. Việc bỏ hình thức kỷ luật đuổi học là đúng vì đuổi học các em ra ngoài xã hội sẽ khiến các em hư hỏng hơn. Chính nhà trường phải giáo dục được các em. “Các em chưa thích học phải làm cho các em yêu thích, chưa ngoan phải giáo dục cho các em ngoan. Giáo dục các em trở thành những con người bình thường, để tham gia cuộc sống xã hội. Do đó không thể đuổi học là đúng vì đuổi học thì khiến các em càng hư hỏng hơn” - thầy Thành nhấn mạnh.

Trước lo lắng băn khoăn về việc không áp dụng các hình thức kỷ luật nghiêm khắc như đuổi học sẽ khiến học sinh nhờn kỷ luật, ông Thành cho rằng, không có hình thức đuổi học thì áp dụng nhiều hình thức kỷ luật khác. Áp dụng linh hoạt các hình thức kỷ luật để giúp các em nhận ra lỗi lầm, như: yêu cầu học sinh tạm dừng học, không tham gia lớp học, các hoạt động sinh hoạt… là cách để học sinh tự nhận thức, ý thức để sửa chữa sai lầm. Giúp học sinh thấy được không đến lớp thì thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa. Để các em thấy được đến trường là một hạnh phúc.

Mặt khác, với những trường hợp học sinh đánh nhau gây chấn động dư luận nếu nặng sẽ cho tạm dừng việc học để các em nhận thức được sai lầm. Trong giáo dục cần có sự sáng tạo đa dạng, lựa chọn phương pháp phù hợp với từng đối tượng, gia đình, phù hợp với văn hóa từng địa phương không nên áp dụng cứng nhắc các biện pháp kỷ luật. Như đối với những học sinh đang trong quá trình tạm dừng học thì nhà trường phải có hình thức đa dạng như giáo huấn học sinh về cách ứng xử và sửa chữa những sai lầm đó. Hoặc phải có những hoạt động mà các em tham gia để nhận thức được các hành vi của các em trước đây làm không đúng. Thông qua các tình huống, ứng xử trong nhà trường bằng các hình thức giáo dục khác nhau chứ không phải thả ra ngoài xã hội.

Muốn thành công phải cần nhiều giải pháp

Một trong những vấn đề lo lắng hiện nay là chính sách thì hay nhưng đi vào thực tiễn có áp dụng được hay không. Nhiều năm qua, nhiều lý thuyết dạy học tiến bộ, nhiều mô hình trường học nhân văn đã được đưa vào các nhà trường tuy nhiên tình trạng bạo lực học đường vẫn bùng phát nhiều nơi.

Nhiều vụ việc bạo lực học đường khiến dư luận bất an.

Do đó, những hình thức kỷ luật, giáo dục học sinh nhân văn như trong dự thảo lần này có phát huy được trong môi trường giáo dục phổ thông lại là một vấn đề nhiều người quan tâm. Nhiều giáo viên cho rằng, dự thảo này là “cuộc cách mạng lớn” trong việc giáo dục học sinh. Tuy nhiên, năng lực của giáo viên trong việc giải quyết các tình huống cũng rất quan trọng. Do vậy, giáo viên cần phải được tập huấn, rèn luyện các phương pháp giáo dục tích cực mới phát huy được hiệu quả. Ví dụ như quy định không so sánh học sinh, quy định nêu rõ ràng như vậy nhưng để thực hiện thì không hề dễ dàng.

Bàn về các vấn đề này, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, mặc dù rất ủng hộ tinh thần của dự thảo, nhưng ông cũng bày tỏ sự lo lắng: Nhà trường liệu có đủ công cụ để giáo dục học sinh. Giáo viên đã có đủ kỹ năng để giúp các em nhận thức được vấn đề. Trẻ con bây giờ phát triển biến động lớn, chịu tác động tâm lý từ môi trường xã hội, môi trường trên mạng internet. Muốn hiểu được các em, thầy cô cần phải có kiến thức và kỹ năng để phát hiện, ngăn chặn chặn kịp thời, tác động sớm trước các biểu hiện bạo lực học đường và các hành vi sai phạm.

Do đó, các nhà trường phải có phòng tâm lý để hỗ trợ và giáo dục học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Nghị quyết, văn bản nhưng đến nay các nhà trường vẫn chưa làm. Thực tế, có nhiều nhà trường bất lực, giáo viên kém năng lực cho nên việc giáo dục học sinh cá biệt, ngỗ ngược gặp khó khăn. Vì thế, cần thiết phải đào tạo giáo viên, bồi dưỡng giáo viên thêm các năng lực sư phạm.

“Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, trong đó có giải pháp cần đào tạo lại giáo viên. Cách thức đào tạo giáo viên của các trường sư phạm cũng phải thay đổi, phải trang bị cho các em có đủ năng lực để giáo dục học trò. Các nhà trường đang có xu hướng nhốt nhiều học trò kém đạo đức, học lực yếu vào học cùng nhau, không giáo dục gì nên cũng cần phải thay đổi.

Giáo viên, nhà trường phải đảm bảo năng lực sư phạm, người thầy đủ khả năng thay đổi tính cách, hành vi của học sinh. Sản phẩm giáo dục không phải chỉ có điểm số. Thay kiểu dạy học cho điểm, ký học bạ là xong trong khi tác động của giáo viên vào học sinh là không có” – thầy Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Một vấn đề mà các chuyên gia đặt ra, hiện nay giáo dục học sinh cá biệt tốn rất nhiều công sức. Việc đào tạo một học sinh cá biệt vất vả hơn gấp nhiều lần đào tạo học sinh giỏi. Nhưng đãi ngộ cho giáo viên lại như những giáo viên bình thường, thậm chí trong bình xét thi đua còn không được tính. Chính vì sự bất cập đó nên các giáo viên có xu hướng ngại nhận dạy những lớp có nhiều học sinh yếu, kém. Nếu có dạy thì cũng không quá tâm huyết. Đây cũng là lý do mà nhiều học sinh bị “bỏ quên” trên ghế nhà trường.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phong-chong-bao-luc-hoc-duong-muon-thanh-cong-phai-can-nhieu-giai-phap-post97294.html