Phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em: Trách nhiệm từ chính gia đình

Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em chính là để bảo vệ trẻ em, bảo vệ tương lai của mỗi gia đình, của đất nước. Điều này cần có sự tham gia, vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó, gia đình có vị trí vô cùng quan trọng, mà trước hết là những người cha, người mẹ phải luôn đồng hành cùng con, giáo dục, trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị xâm hại.

Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em là một vấn đề nghiêm trọng không chỉ tại Việt Nam mà còn xuất hiện trên toàn thế giới. Thời gian qua, tình hình các đối tượng xấu sử dụng các dịch vụ trên môi trường mạng tiếp cận, xâm hại trẻ em diễn ra phức tạp trên địa bàn cả nước.

Ths Đỗ Đức Long – Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Theo Thống kê từ Cục Trẻ em chỉ trong 3 năm (2020-2022), cả nước đã phát hiện 5.693 vụ, 6.514 đối tượng, xâm hại 5.904 trẻ em, trong đó trẻ em là nạn nhân dưới 6 tuổi chiếm tỷ lệ 7,02% (năm 2020), 6,54% (năm 2021) và 6,65% (năm 2022); hiếp dâm trẻ em tăng cả về số vụ, số đối tượng và nạn nhân. Tỷ lệ trẻ em bị bạo lực trong gia đình có xu hướng tăng (năm 2020 chiếm 5,55%; năm 2021 chiếm 5,98%; năm 2022 chiếm 7,5%); sử dụng mạng xã hội để xâm hại trẻ em tăng cao (năm 2022 là 421 vụ tăng 1,45% so với năm 2020).

Có rất nhiều cách để phòng tránh trẻ bị xâm hại, nhưng cách đặc biệt hiệu quả là cha mẹ xây dựng được mối quan hệ đồng hành với trẻ (Ảnh minh họa)

Có rất nhiều cách để phòng tránh trẻ bị xâm hại, nhưng cách đặc biệt hiệu quả là cha mẹ xây dựng được mối quan hệ đồng hành với trẻ (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Tổng đại điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, sau 19 năm hoạt động, Tổng đài 111 đã tiếp nhận hơn 5 triệu cuộc gọi đến. Trong đó, đã tư vấn gần 500.000 cuộc gọi và hỗ trợ, can thiệp cho hơn 9000 ca trẻ em bị xâm hại, bạo lực, mua bán, bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và vi phạm quyền trẻ em.

Đáng lo ngại, đa phần người xâm hại là người thân, người quen với trẻ em. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em bị xâm hại chịu sự tổn thương nặng nề về tinh thần và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của các em. Bên cạnh đó, phần lớn trẻ bị mặc cảm và không có sự phát triển bình thường. Trẻ từng gặp xâm hại sẽ gặp cản trở và khó khăn trong giao tiếp cộng đồng. Không chỉ dừng lại ở các môi trường truyền thống, thời gian gần đây cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về những nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.

Sự thờ ơ của gia đình là một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Ông Đỗ Đức Long chia sẻ: "Hiện nay, vẫn còn nhiều bậc phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của mình và gia đình trong bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em. Một bộ phận cha mẹ coi việc giáo dục trẻ là của nhà trường, phó mặc trẻ cho thầy cô. Bản thân họ cũng chưa dành nhiều thời gian chăm sóc, gần gũi con cái, hạn chế trong trao đổi với trẻ về các nguy cơ bị xâm hại…

Thậm chí, nhiều phụ huynh còn chưa hiểu đầy đủ về bạo lực, xâm hại trẻ em, thực trạng và những hậu quả của vấn nạn này gây ra cho trẻ, gia đình và xã hội. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ trượt ra khỏi vòng tay bảo vệ của cha mẹ, trở thành đối tượng cho kẻ xấu xâm hại".

Cũng theo ông Long, có rất nhiều cách để phòng tránh trẻ bị xâm hại, nhưng cách đặc biệt hiệu quả là cha mẹ xây dựng được mối quan hệ đồng hành với trẻ, để trẻ tin cậy và tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần. Mỗi gia đình phải tích cực quan tâm hơn nữa tới con em mình; phối hợp với nhà trường, các cơ quan chức năng giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ rủi ro bản thân cho trẻ em và các thành viên trong gia đình.

Các bậc phụ huynh cần trang bị cho con những kỹ năng cơ bản nhất để phòng chống xâm hại như: Giải thích cho trẻ hiểu về các bộ phận trên cơ thể, đâu là các bộ phận sinh dục, các vấn đề về giới tính và sức khỏe sinh sản. Dạy trẻ về những giới hạn khi giao tiếp, tiếp xúc với người thân, quen, không đi một mình với người lạ, nhất là lại đi đến những chỗ lạ, vắng vẻ. Hướng dẫn trẻ em nói "không" hoặc bỏ chạy nếu ai đó cố tình đụng chạm vào các bộ phận nhạy cảm của trẻ, cho dù đó là người thân. Hướng dẫn trẻ sử dụng Internet và mạng xã hội một cách an toàn. Đặc biệt, gia đình cần kết nối, khuyến khích con chia sẻ với cha mẹ, thầy cô nếu cảm thấy bất an.

"Bên cạnh việc trang bị các kiến thức và kỹ năng cho con để phòng, chống bị xâm hại thì các bậc phụ huynh cũng cần quản lý và giáo dục để trẻ không trở thành tội phạm đi xâm hại tình dục những trẻ em khác vì trong thực tế, trẻ em không chỉ là đối tượng bị xâm hại tình dục mà có không ít trẻ đi xâm hại tình dục những trẻ em khác" – ông Đỗ Đức Long nhấn mạnh.

Không có cách nào dễ dàng để bảo vệ trẻ em khỏi vẫn nạn bạo lực và xâm hại, nhưng gia đình, cha mẹ với trách nhiệm và tình yêu thương của mình có thể làm giảm nguy cơ này cho trẻ. Vì vậy, cùng với sự thay đổi của hệ thống chính sách và pháp luật cho đầy đủ và hoàn thiện, những chiến lược, chương trình hành động của các bên liên quan thì yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là gia đình, là cha mẹ trẻ phải có sự vào cuộc ngay lập tức, phải có kế hoạch và biết sắp xếp thực hiện việc này phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của gia đình mình để bảo vệ quyền cho trẻ, để phòng, chống bạo lực, xâm hại cho chính con em mình./.

Thương Nguyễn

*Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/phong-chong-bao-luc-xam-hai-tre-em-trach-nhiem-tu-chinh-gia-dinh-20230926163649486.htm