Phòng chống bệnh cúm mùa

ĐBP - Thời tiết đông xuân lạnh ẩm không chỉ tạo điều kiện cho các loại vi rút, vi khuẩn phát triển mà còn làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Trong đó, bệnh cúm mùa là bệnh nguy hiểm và có nguy cơ bùng phát mạnh. Ðặc biệt với những đối tượng có sức đề kháng kém, không tiêm chủng đầy đủ vắc xin thì bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.

Tiêm phòng là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh cúm mùa. Trong ảnh: Trẻ em tiêm phòng cúm tại Phòng tiêm chủng Safpo Ðiện Biên. Ảnh: Minh Thảo

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến hết tháng 9, toàn tỉnh có 6.974 trường hợp mắc bệnh cúm mùa đến khám và điều trị tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh và các trung tâm y tế. Trong đó, một số huyện lượng bệnh nhân mắc cúm mùa cao như: Ðiện Biên (1.364 trường hợp), Mường Chà (1.034 trường hợp), Tuần Giáo (1.186 trường hợp), Mường Nhé (796 trường hợp), Ðiện Biên Ðông (732 trường hợp)… Ðây là số liệu bệnh nhân mắc cúm mùa được quản lý và điều trị. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều người mắc cúm mùa tự mua thuốc về điều trị ở nhà đến khi bệnh có dấu hiệu biến chứng mới vào cơ sở y tế điều trị.

Bác sĩ Ðàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... Tuy nhiên, nếu bệnh nhân cúm mùa tự ý điều trị hoặc điều trị không đúng phác đồ, bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong. Biến chứng đầu tiên hay gặp do cúm đó là biến chứng ở phổi, suy hô hấp, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm não, viêm màng não, viêm tủy cắt ngang…

Chị Vũ Thị Nhường, phường Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ) có con nhỏ (8 tháng tuổi) đang điều trị biến chứng bệnh cúm mùa tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh. Chia sẻ với chúng tôi, chị Nhường cho biết: Sau đợt không khí lạnh vừa qua, con tôi có biểu hiện sốt, sổ mũi và ho. Lo lắng không muốn cho con nhỏ uống thuốc kháng sinh nên tôi đã làm đường phèn mật ong cho con uống. Tuy nhiên, cháu không đỡ và biểu hiện càng rõ rệt hơn như sốt cao trên 390C, mệt mỏi và chán ăn. Sau khi đưa con vào Bệnh viện Ða khoa tỉnh tôi mới biết con bị viêm phổi do biến chứng của bệnh cúm mùa. Hiện tại, con tôi đã điều trị được 5 ngày, sức khỏe đang dần ổn định, ăn uống cũng khá hơn.

Ðể hạn chế các dịch bệnh trong mùa đông xuân, đặc biệt là bệnh cúm mùa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo người cần thực hiện các biện pháp như: Ðảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Tăng cường bổ sung các vi chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể và không được tự ý mua thuốc về điều trị.

Ðặc biệt cần tiêm phòng vắc xin, bởi vắc xin là biện pháp chủ yếu đề phòng bệnh cúm và giảm ảnh hưởng của dịch cúm. Các vắc xin cúm là an toàn và có hiệu quả phòng các thể nhẹ và nặng của cúm, tỷ lệ bảo vệ tương đối cao. Ở những người già, vắc xin cúm làm giảm 60% tỷ lệ mắc bệnh và 70 - 80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm. Vì vậy, cần phải tiêm phòng cho cộng đồng hàng năm trước mùa cúm, đặc biệt trẻ em, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, người suy giảm miễn dịch, mắc các bệnh mạn tính… Nếu khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Minh Thảo

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/y-te/182189/phong-chong-benh-cum-mua