Phòng, chống bệnh lười biếng

Ngay từ những năm tháng đầu tiên khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm 'Công việc khẩn cấp bây giờ' đã cảnh báo sớm về những biểu hiện, tính nguy hại của bệnh lười biếng. Nhận diện và đấu tranh phòng, chống bệnh lười biếng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên cũng là vấn đề rất cần thiết hiện nay.

LƯỜI BIẾNG CŨNG LÀ KẺ ĐỊCH

Trong tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính”, khi bàn về chữ “Cần”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lười biếng là kẻ địch của chữ cần. Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc. Một người lười biếng, có thể ảnh hưởng tai hại đến công việc của hàng nghìn, hàng vạn người khác”(1). Hồ Chí Minh đã cắt nghĩa trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”: “Bệnh lười biếng - Tự cho mình là cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết. Làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ. Việc dễ thì tranh lấy cho mình. Việc khó thì đùn cho người khác. Gặp việc nguy hiểm thì tìm cách để trốn tránh”(2); Người giải thích cặn kẽ hơn: “Bệnh lười biếng - Khi tiếp được mệnh lệnh hoặc nghị quyết, không chịu nghiên cứu rõ ràng. Không lập tức đưa ngay mệnh lệnh và nghị quyết đó cho cấp dưới, cho đảng viên, cho binh sĩ. Cứ xếp lại đó. Khi thi hành, kềnh kềnh càng càng, không hoạt bát nhanh chóng. Hoặc thi hành một cách miễn cưỡng, không sốt sắng, không đến nơi đến chốn. Kết quả nhỏ là: nghị quyết đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần. Kết quả nặng là: phá hoại tổ chức của Đảng, giảm bớt kỷ luật của Đảng, bỏ mất thời cơ tốt, lúc nên làm thì không làm, khi làm thì trễ rồi. Đó là vì tính lười biếng, chậm chạp”(3).

Người cảnh báo thái độ lười học tập, nhất là lười học tập lý luận chính trị, văn hóa và chuyên môn - nghiệp vụ: “Lười biếng: Không chịu khó học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ của mình về chính trị, văn hóa và nghiệp vụ. Do ít hiểu biết về tình hình trong nước và ngoài nước, ít nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn cho nên gặp thuận lợi thì dễ lạc quan tếu, gặp khó khăn thì dễ dao động, bi quan, lập trường cách mạng không vững vàng, thiếu tinh thần độc lập suy nghĩ và chủ động sáng tạo. Do đó mà gặp nhiều khó khăn trong công việc, tác dụng lãnh đạo bị hạn chế”(4).

Khi cho rằng, lười biếng cũng là đắc tội với đồng bào, với Tổ quốc, Hồ Chí Minh đã đưa ra hình ảnh so sánh: “Nếu có một người, một địa phương hoặc một ngành mà lười biếng, thì khác nào toàn chuyến xe chạy, mà một bánh xe trật ra ngoài đường ray. Họ sẽ làm chậm trễ cả chuyến xe. Vì vậy, người lười biếng là có tội với đồng bào, với Tổ quốc”(5).

NGUỒN GỐC BỆNH LƯỜI BIẾNG

Theo Hồ Chí Minh, cũng giống như bệnh “kiêu ngạo”, bệnh lười biếng của cán bộ, đảng viên không tự nhiên sinh ra, không thuộc về bản chất vốn có của họ, lại càng không phải bản chất của Đảng ta, nó do nguyên nhân khách quan và chủ quan mang lại. Về nguyên khách quan, từ rất sớm, Nguyễn Ái Quốc trong bài “Tình cảnh nông dân An Nam” đăng trên Báo La Vie Ouvrìere, ngày 4-1-1924 đã viết: “Người An Nam nói chung, phải è cổ ra mà chịu những công ơn bảo hộ của nước Pháp. Người nông dân An Nam nói riêng, lại càng phải è cổ ra mà chịu sự bảo hộ ấy một cách thảm hại hơn: là người An Nam, họ bị áp bức; là người nông dân, họ bị người ta ăn cắp, cướp bóc, tước đoạt, làm phá sản. Chính họ là những người phải làm mọi công việc nặng nhọc, mọi thứ lao dịch. Chính họ làm ra cho lũ người ăn bám, lũ người lười biếng, lũ người đi khai hóa và những bọn khác hưởng mà chính họ thì lại phải sống cùng khổ trong khi những tên đao phủ của họ sống rất thừa thãi; hễ mất mùa thì họ chết đói”(6). Tiếp đến, ở tác phẩm “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”, Người lý giải: “Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác”(7). Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người giải thích rõ hơn: “Những thói xấu đó có đã lâu, nhất là trong 80 năm nô lệ. Những thói xấu đó, họ mang từ xã hội vào Đảng. Cũng như những người hàng ngày lội bùn, mà trên mình họ có hơi bùn, có vết bùn. Như thế thì có gì là kỳ quái? Vì lội bùn thì nhất định có hơi bùn. Cần phải tắm rửa lâu mới sạch. Trái lại, nếu lội bùn mà không có hơi bùn, mới thật là kỳ quái. Nếu trong Đảng ta, một đảng mới từ trong xã hội cũ bước ra, nếu nó hoàn toàn không có những người xấu, việc xấu như thế mới là kỳ quái chứ! Cố nhiên nói thế không phải là để tự bào chữa”(8).

Về nguyên nhân chủ quan, Hồ Chí Minh cho rằng, nó xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân mà ra: “… vì tư tưởng cá nhân chủ nghĩa đẻ ra nhiều cái xấu như lười biếng, tham ô, đòi hưởng thụ, kèn cựa, địa vị... Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa, muốn có con người xã hội chủ nghĩa phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, muốn có tư tưởng xã hội chủ nghĩa phải gột rửa tư tưởng cá nhân chủ nghĩa”(9). Theo Người, “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra nhiều cái xấu, thiên hình vạn trạng. Ví dụ: lười biếng, hủ hóa, suy tính tiền đồ”(10); “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô, v.v.. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”(11).

Ngoài ra, Hồ Chí Minh còn chỉ ra một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến bệnh lười biếng là: “…việc giáo dục chính trị còn sơ sài, thiếu sót. Vì vậy mà một số cán bộ và công nhân còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân, thái độ làm thuê, thiếu tinh thần làm chủ tập thể. Do đó mà có những hiện tượng xấu như: lười biếng, kèn cựa, thiếu kỷ luật, kém đoàn kết, tham ô, lãng phí”(12).

"PHƯƠNG THUỐC" KHẮC PHỤC BỆNH LƯỜI BIẾNG

Theo Hồ Chí Minh, khắc phục bệnh lười biếng này là yêu cầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội với mục tiêu trước mắt là khắc phục tình trạng nghèo nàn, lạc hậu để nâng cao đời sống nhân dân: “Nước ta còn lạc hậu, dân ta còn nghèo, muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội, muốn cải thiện đời sống, thì chúng ta càng phải Cần, phải Kiệm, phải chống lười biếng, chống lãng phí”(13). Hơn nữa, đó còn là mục tiêu của xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; “Lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta. Trong xã hội ta, không có nghề nào thấp kém, chỉ những kẻ lười biếng, ỷ lại mới đáng xấu hổ. Người nấu bếp, người quét rác cũng như thầy giáo, kỹ sư, nếu làm trọn trách nhiệm thì đều vẻ vang như nhau. Ai sợ khó, sợ khổ, muốn “ngồi mát ăn bát vàng”, người đó mới là kém vì không phải là người xã hội chủ nghĩa”(14).

Do đó, Người yêu cầu: “…phải gạt bỏ những thái độ sai lầm như: thỏa mãn với thành tích bước đầu, bảo thủ, tự mãn với những kinh nghiệm đã có, có ít nhiều tri thức thì kiêu căng, coi khinh quần chúng, hoài nghi những sáng kiến bình thường của quần chúng; lười biếng, không tích cực học tập cái mới, v.v..”(15).

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh nêu ra những “phương thuốc” hữu hiệu để “chữa bệnh lười biếng” đó là:

“Cách chữa:

- Các cơ quan chỉ đạo phải có cách lãnh đạo cho đúng. Mỗi việc gì đều phải chỉ bảo cách làm.

- Cấp trên phải hiểu rõ tình hình cấp dưới và tình hình quần chúng, để chỉ đạo cho đúng.

- Khi nghị quyết việc gì, phải cẩn thận, rõ ràng. Khi đã nghị quyết thì phải kiên quyết thi hành”(16).

Phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ mọi mặt, Hồ Chí Minh coi đó là biện pháp hết sức rất cần thiết. Người yêu cầu: “Phải chú ý học tập: Chống lười biếng, ngại học tập, muốn nghỉ ngơi. Muốn tiến bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, thì phải học tập các chính sách của Đảng và Chính phủ”(17). Đồng thời, phải ra sức học tập ở nhân dân, bởi: “Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(18).

Người cũng yêu cầu trong Đảng, trong Chính phủ, các cấp, các ngành và mọi đoàn thể cùng mỗi cá nhân phải “…cần có một cuộc vận động: Tiêu diệt lười biếng, nâng cao năng suất, củng cố kỷ luật lao động”(19).

Những lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống bệnh lười biếng chẳng những có giá trị lịch sử, mà còn luôn có tính thời sự trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống bệnh lười biếng nếu được quán triệt và vận dụng sáng tạo sẽ khắc phục có hiệu quả bệnh lười biếng của cán bộ, đảng viên, đồng thời góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng, vừa chuyên”, công tâm, thạo việc theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới./.

Nguyễn Thị Bích Hà

Bài đăng TCTG số 11/2019

-------------------------------------------------

(1), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t. 6, tr.120; 120-121.

(2), (3), (16), (18), (8) Sđd, t. 5, tr.295; 299; 299; 303.

(4), (12) Sđd, t.14, tr.29-30; 456.

(6) Sđd, t.1, tr.427.

(7) Sđd, t.4, tr.7.

(9), (10) (13), Sđd, t.12, tr. 11; 222; 328.

(11) Sđd, t.13, tr.90.

(14), (15) Sđd, t.13, tr.69; 71.

(17) Sđd, t.9, tr. 58.

(19), Sđd, t.7, tr.484; 369.

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/theo-guong-bac/phong-chong-benh-luoi-bieng-125318