Phòng, chống bệnh sởi

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi, họng bệnh nhân và lây gián tiếp qua những đồ vật bị nhiễm các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Sởi có thể gây ra các biến chứng nặng và thậm chí tử vong. Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh sởi nhưng phổ biến nhất ở trẻ em. Các triệu chứng bao gồm sốt, ho, sổ mũi và phát ban toàn thân. Tiêm vắc-xin là cách tốt nhất để ngăn ngừa mắc bệnh sởi hoặc lây bệnh sang người khác.

Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi tại huyện Đạ Huoai

Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi tại huyện Đạ Huoai

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nỗ lực giám sát các bệnh truyền nhiễm và công tác tiêm chủng nói chung và bệnh sởi nói riêng. Việc gián đoạn cung cấp dịch vụ tiêm chủng và giảm tỷ lệ tiêm chủng cũng như giám sát trên toàn cầu khiến hàng triệu trẻ em dễ mắc các bệnh có thể phòng ngừa được như bệnh sởi dẫn tới nguy cơ cao khả năng bùng phát dịch sởi trên toàn cầu và khiến tất cả trẻ em chưa được tiêm chủng có thể mắc bệnh và tử vong do sởi.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra công cụ đánh giá nguy cơ dịch sởi giúp các tỉnh đánh giá nguy cơ dịch sởi cho các huyện trong tỉnh, từ đó xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch sởi. Đánh giá nguy cơ dịch sởi là thực hành rất quan trọng để hỗ trợ việc ra quyết định và lập kế hoạch nhằm khắc phục các khoảng trống về chương trình cũng như khoảng trống miễn dịch ở cấp địa phương thông qua tiêm chủng chiến dịch, tiêm chủng bổ sung và các hoạt động tăng cường tiêm chủng thường xuyên, tiêm bù, tiêm vét ở các địa phương.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch về phòng, chống và đáp ứng bệnh sởi tại tỉnh Lâm Đồng năm 2024 nhằm đánh giá được nguy cơ dịch sởi trên địa bàn tỉnh ở quy mô tỉnh, huyện và có kế hoạch phòng, chống dịch sởi tại địa phương trong năm 2024. Mục tiêu cụ thể là xác định và phân loại được các nhóm nguy cơ với bệnh sởi trên quy mô tỉnh, huyện trong năm 2024; xây dựng được kế hoạch phòng, chống dịch sởi trên địa bàn tỉnh, huyện năm 2024.

Qua đánh giá nguy cơ bệnh sởi năm 2024 theo bộ công cụ của WHO tại Việt Nam và xét các yếu tố tăng nặng nguy cơ tại tỉnh Lâm Đồng, kết quả như sau: Nguy cơ cấp tỉnh thấp; nguy cơ trung bình có 4 huyện, thành phố gồm Bảo Lộc, Di Linh, Đam Rông, Bảo Lâm (chiếm 33,3%), nguy cơ thấp có 8 huyện, thành phố gồm Đà Lạt, Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lạc Dương (chiếm 66,7%). Các yếu tố tăng nặng được đánh giá bao gồm: Năng lực đánh giá và quản lý các đối tượng tiêm chủng; năng lực giám sát và phát hiện sớm ca bệnh; năng lực đáp ứng nhanh; năng lực quản lý ca bệnh.

Từ đầu năm 2024 đến ngày 15/9, Sở Y tế Lâm Đồng đã ghi nhận 24 ca bệnh sởi (tăng 24 ca so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, có 11 ca sởi được chẩn đoán xác định bằng PCR (Bảo Lộc 5, Bảo Lâm 2, Đạ Tẻh 1, Di Linh 2 và Lâm Hà 1); 13 trường hợp được chẩn đoán sởi lâm sàng gồm (Bảo Lộc 6 ca, Bảo Lâm 2 ca, Di Linh 2 ca, Đam Rông 1 ca, Cát Tiên 1 ca, Đạ Huoai 1 ca). Từ đầu năm 2024 đến tháng 8/2024, toàn tỉnh có 13.099 trẻ đã tiêm chủng vắc xin phòng sởi (đạt 70,3%) và 11.033 trẻ đã tiêm chủng vắc xin phòng sởi - rubella (đạt 60,81%).

Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh rà soát, đánh giá lại nguy cơ dịch sởi trên địa bàn tỉnh, tổng hợp đối tượng trẻ từ 18 tháng -

Dựa trên kết quả đánh giá nguy cơ và tình hình thực tế bệnh sởi tại địa phương, tỉnh Lâm Đồng áp dụng hình thức triển khai tiêm bù, tiêm vét cụ thể như sau: Áp dụng hình thức tiêm chủng bù, vét tại 12/12 huyện, thành phố có đánh giá nguy cơ sởi mức độ thấp và mức độ trung bình trong tỉnh. Đối tượng tiêm là những trẻ thuộc chỉ tiêu năm 2019, 2020, 2021, 2022, 2023 chưa được tiêm đủ liều vắc xin sởi, sởi-rubella do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tình hình thiếu hụt cung ứng vắc xin; trẻ thuộc chỉ tiêu thường xuyên năm 2024 đến lịch tiêm chủng. Đối tượng tiêm bù, vét là tất cả trẻ từ 1 -5 tuổi (trẻ sinh từ ngày 1/1/2019 đến ngày 31/8/2023) đã đến hoặc trễ lịch tiêm sởi hoặc sởi-rubella (MR) nhưng chưa được tiêm để lập danh sách cần tiêm bù, tiêm vét. Ước tính tổng số đối tượng triển khai là 4.100 trẻ, tại 12 huyện, thành phố.

Bác sĩ Phùng Xuân Bách - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng cho biết đã phân bổ 4.270 liều vắc xin sởi - rubella cho Trung tâm Y tế các huyện, thành phố để triển khai thực hiện tiêm bù, tiêm vét cho trẻ từ 18 tháng đến dưới 10 tuổi trong tháng 9/2024. Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ từ 18 tháng đến dưới 10 tuổi ngay khi nhận được vắc xin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Theo kế hoạch về phòng, chống và đáp ứng bệnh sởi tại tỉnh Lâm Đồng năm 2024 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng, tổ chức chiến dịch tiêm chủng bù, vét, có thể triển khai tiêm chủng vắc xin sởi-rubella đồng loạt tại các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ hoặc các cơ sở y tế trong một hoặc nhiều đợt theo cụm huyện, xã hoặc lồng ghép vào đợt tiêm chủng thường xuyên tùy vào điều kiện của từng địa phương. Thực hiện tiêm vét cho những trẻ bị sót ngay cuối mỗi đợt hoặc trong tiêm chủng thường xuyên.

Tăng cường công tác giám sát bệnh sởi, kiện toàn các đội đáp ứng nhanh tuyến huyện và tỉnh; kích hoạt đội đáp ứng nhanh khi xảy ra tình huống dịch sởi trên địa bàn huyện, thị, thành. Tăng cường kiểm tra, giám sát thu dung và nhập liệu trường hợp bệnh sốt phát ban nghi sởi, sởi, rubella tại các cơ sở điều trị công và tư nhân. Củng cố hệ thống giám sát dựa vào sự kiện tại các xã, phường nhằm phát hiện sớm trường hợp sốt phát ban nghi sởi trong cộng đồng. Tăng cường giám sát, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh sởi, xử lý triệt để ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên và khoanh vùng, cách ly ổ dịch nhằm hạn chế lây lan ra cộng đồng. Rà soát, cập nhật hướng dẫn giám sát, phòng, chống dịch bệnh sởi; tổ chức tập huấn cho cán bộ tham gia công tác giám sát, xử lý ổ dịch của các huyện, thành phố.

Khi ghi nhận trường hợp sốt phát ban nghi sởi phải giám sát chặt chẽ, cách ly các trường hợp sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp mắc tại khu vực ổ dịch, phân tích và thực hiện báo cáo dịch hàng ngày theo quy định. Triển khai phun hóa chất khử trùng bề mặt toàn bộ lớp học, nơi làm việc, nơi ở, phòng bệnh, giường bệnh và các khu vực xung quanh có trường hợp mắc bệnh bằng dung dịch sát khuẩn CloraminB. Tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, vận động đưa trẻ đi tiêm vắc xin sởi. Tổ chức khám, tư vấn, điều trị và cách ly bệnh nhân sởi hạn chế lây lan. Tăng cường năng lực xét nghiệm cho các tuyến, tổ chức tập huấn các phương pháp lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu nhằm đáp ứng kịp thời chẩn đoán, cách ly và điều trị sớm những ca nghi sởi.

Tăng cường năng lực quản lý ca bệnh trong trường hợp có dịch sởi xảy ra trên địa bàn. Rà soát phác đồ điều trị, các quy trình chuẩn trong điều trị cũng như phòng, chống lây nhiễm chéo, năng lực của hồi sức cấp cứu. Tăng cường năng lực hệ thống điều trị, tổ chức thu dung, cách ly, điều trị kịp thời nhằm hạn chế các trường hợp tử vong và biến chứng nặng. Tập huấn, đào tạo nhân lực, cán bộ y tế, lực lượng hỗ trợ. Chuẩn bị danh mục, mua sắm đầy đủ thuốc bao gồm vitamin A, vật tư, trang thiết bị, nhân lực, sẵn sàng về cơ sở vật chất, giường bệnh, khu vực cách ly để khám, điều trị bệnh nhân sởi. Xây dựng kế hoạch đáp ứng dịch với dự toán kinh phí địa phương cho các tình huống dịch nếu xảy ra.

DIỆU HIỀN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202410/phong-chong-benh-soi-3c12fd6/