Phòng, chống dịch bệnh do muỗi truyền vì hiện tượng El Nino

Thời tiết tại Thái Nguyên gần đây nắng nóng nhiều ngày liên tiếp, xen kẽ mưa, trời oi bức tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh muỗi truyền phát triển mạnh.

Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) là nơi tiếp nhận điều trị các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và các loại arbovirus khác như: Zika, Chikungunya, viêm não Nhật Bản...

Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) là nơi tiếp nhận điều trị các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và các loại arbovirus khác như: Zika, Chikungunya, viêm não Nhật Bản...

Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên, cho biết: Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện tượng El Nino có thể làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các loại arbovirus khác như: Zika, Chikungunya, viêm não Nhật Bản. Hiện tượng biến đổi khí hậu cũng thúc đẩy muỗi sinh sản và gia tăng các bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền. Tại Thái Nguyên, 6 tháng đầu năm mới có 22 trường hợp mắc sốt xuất huyết, nhưng từ đầu tháng 7 đến nay đã tăng thêm 8 trường hợp.

Trước những nguy cơ của dịch bệnh muỗi truyền vì hiện tượng EL nino, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường biện pháp phòng, chống dịch.

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, thông tin: Nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống dịch do muỗi truyền vì hiện tượng El Nino, chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông của tỉnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền. Qua đó, giúp người dân nắm được các biện pháp diệt muỗi, nằm màn để chống muỗi đốt; dấu hiệu của sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền. Đồng thời, hướng dẫn người dân khi mắc bệnh không tự chữa tại nhà, mà cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, việc giám sát chặt chẽ, xử lý triệt để ổ dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh, nhất là các khu vực có nguy cơ cao (chợ, trường học, bến xe, bệnh viện…) cũng được ngành Y tế đặc biệt quan tâm.

Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được giao nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thành phố tổ chức phun hóa chất, diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) và xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, không để dịch bùng phát trên địa bàn; đảm bảo 100% ổ dịch được phát hiện và xử lý kịp thời. Đồng thời rà soát, chỉ đạo các trung tâm y tế tổ chức tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, an toàn, hiệu quả…

Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm: Sở đã yêu cầu trung tâm y tế các huyện, thành phố phải vào cuộc tích cực. Đặc biệt là quan tâm chỉ đạo các trạm y tế tham mưu với UBND xã, phường, thị trấn triển khai hoạt động diệt loăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn. Cụ thể, duy trì hoạt động này mỗi tuần 1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao; 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng (bọ gậy) cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại.

Để chủ động trong việc điều trị người bệnh, hiện nay, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh cũng đã chuẩn bị các điều kiện về nguồn nhân lực, thiết bị y tế, thuốc, dịch truyền sẵn sàng cấp cứu, điều trị bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh do muỗi truyền khác... Trong đó, mục tiêu lớn nhất là hạn chế tối đa các trường hợp diễn biến nặng và tử vong.

Bác sĩ Hà Hải Bằng, Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên, nói: Bệnh viện đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thu dung bệnh nhân theo chỉ đạo của Sở Y tế. Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo, không để lây lan và bùng phát dịch bên trong bệnh viện.

Hiện nay, bệnh viện các tuyến trên địa bàn tỉnh cũng bắt đầu thiết lập đường dây liên hệ để phối hợp trong việc chuyển tuyến, tiếp nhận bệnh nhân kịp thời. Các bệnh viện tuyến trên bắt đầu xây dựng kế hoạch hỗ trợ, củng cố đội cấp cứu cơ động trực thường trú 24/24 giờ, sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến dưới hoặc đơn vị khác khi có yêu cầu...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202308/phong-chong-dich-benh-do-muoi-truyen-vi-hien-tuong-el-nino-f811425/