Phòng, chống dịch sởi khu vực biên giới
Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi trên địa bàn, huyện Nậm Pồ triển khai nhiều giải pháp nhằm khống chế và ngăn ngừa không để dịch lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, huyện đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống, bệnh sởi.
Pa Tần là xã ghi nhận những ca mắc sởi đầu tiên, với 118 trường hợp. Ông Lò Văn Thân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để phòng, chống dịch sởi, xã chỉ đạo Trạm Y tế xã phân công lực lượng trực 24/24 giờ tại các điểm bản để điều trị, tiêm phòng, phun phòng khử khuẩn. Tổ chức tuyên truyền, vận động những hộ dân có ca mắc không được ra khỏi nhà, hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch để hạn chế mức thấp nhất, không để dịch lây lan ra địa bàn khác. Với những nỗ lực trong công tác điều trị, phòng chống dịch bệnh, đến nay trên địa bàn xã chỉ còn 1 trường hợp đang điều trị; 94,6% trẻ em từ 1 - 10 tuổi được tiêm vắc xin phòng dịch sởi.

Cán bộ Trạm Y tế xã Pa Tần tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho học sinh.
Chị Vừ Thị Mò, bản Huổi Khương chia sẻ. “Khi biết thông tin dịch sởi đang bùng phát, tôi đã chủ động cho con đi tiêm phòng. Đến đây được cán bộ y tế trạm hướng dẫn nhiệt tình nên tôi rất yên tâm”.
Bác sĩ Lê Quang Điện, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Nậm Pồ cho biết: Sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do vi rút sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi và cũng có thể gặp ở người lớn chưa được tiêm phòng sởi hoặc tiêm chưa đủ liều. Sởi hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và rất dễ lây lan. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, qua các giọt bắn chứa vi rút khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ra từ mũi họng của người bệnh. Các triệu chứng điển hình của bệnh như: Sốt cao, ho, chảy nước mũi, mắt đỏ và phát ban. Biến chứng của bệnh sởi có thể rất nghiêm trọng, thậm chí tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người suy giảm miễn dịch.
Tính đến ngày 25/3/2025, trên địa bàn huyện Nậm Pồ ghi nhận 185 ca mắc sởi, tập trung ở các xã: Pa Tần, Nậm Tin, Nậm Nhừ, Nà Hỳ, Na Cô Sa... Để kiểm soát dịch bệnh, UBND huyện đã chỉ đạo các xã tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; phát hiện sớm, giám sát chặt chẽ các trường hợp để cách ly, xử lý và điều trị kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng trong cộng đồng. Các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực... đẩy mạnh việc điều trị các trường hợp sốt phát ban, mắc sởi ở mức độ nhẹ và sàng lọc những trường hợp nặng, có tình trạng viêm phổi chuyển về TTYT huyện cách ly, điều trị kịp thời. TTYT huyện đã thành lập khu cách ly, điều trị tại Phòng khám Đa khoa Quân - Dân y khu vực Ba Chà với quy mô khoảng 50 giường bệnh (30 giường tại phòng khám, 20 giường tại Trạm Y tế xã Chà Cang). Huy động toàn bộ cán bộ y tế Phòng khám Đa khoa Quân - Dân y khu vực Ba Chà, Trạm Y tế xã Chà Cang và tăng cường bác sĩ từ TTYT huyện về hỗ trợ, thực hiện tốt công tác chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân.
Huyện Nậm Pồ cũng chú trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ mắc sởi, các biện pháp phòng, chống bệnh và lợi ích tiêm chủng vắc xin phòng bệnh; khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, tăng cường sức đề kháng của trẻ bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý; không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. UBND huyện Nậm Pồ chỉ đạo TTYT huyện, các phòng, ban, ngành, đơn vị liên quan, UBND các xã đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh sởi. Tăng tỷ lệ miễn dịch phòng, chống bệnh sởi, sởi rubella trong cộng đồng, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh sởi, sởi rubella.
Đồng thời, bố trí các điểm tiêm đảm bảo quy định, bao gồm điểm tiêm tại các trường học, trạm y tế xã, điểm tiêm ngoài trạm; đảm bảo tại mỗi điểm tiêm chủng có tối thiểu 2 cán bộ y tế đã được tập huấn về tiêm chủng. Nậm Pồ phấn đấu đạt tỷ lệ trên 95% trẻ từ 6 tháng - 10 tuổi được tiêm 1 mũi vắc xin có thành phần sởi; trẻ từ 1 - 5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi được tiêm bù mũi.
Cùng với sự quyết liệt, nỗ lực của các cấp, ngành, đặc biệt là ngành y tế, mỗi người dân và gia đình cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phòng, chống dịch bệnh; tích cực và tuân thủ việc tiêm vắc xin để phòng bệnh sởi cho bản thân và cộng đồng.