Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức: Đừng để người dân sợ đột quỵ như sợ ma
Chúng ta đừng có sợ đột quỵ đến mức ăn cái gì cũng sợ đột quỵ, đi đâu cũng sợ đột quỵ. Cứ thấy tăng huyết áp là nghĩ mình sắp bị đột quỵ đến nơi rồi, nó không phải như vậy…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức đã nhấn mạnh như trên tại hội thảo “Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động” do báo Tiền Phong phối hợp với Bộ Y tế tổ chức sáng nay (20.4).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức phát biểu tại hội thảo "Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động” - Ảnh: PV
Chia sẻ tại hội thảo, TS-BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết có 10 yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ trên thế giới gồm: hút thuốc lá, chế độ ăn uống không hợp lý, sử dụng đồ uống có cồn, ít hoạt động thể lực, ô nhiễm không khí, BMI cao, tăng cholesterol hoặc LDL, tăng HA tâm thu, đường huyết lúc đói cao, rối loạn chức năng thận.
Trên thế giới, trong các bệnh không lây nhiễm (NCD), đột quỵ vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 và là nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong và tàn tật.
Trong năm 2021, toàn thế giới có 12,2 triệu ca đột quỵ mắc mới mỗi năm, cứ 3 giây thì có 1 ca mắc đột quỵ. Đột quỵ không còn là bệnh của người già. Theo thống kê trong năm 2019 có 63% số ca đột quỵ xảy ra ở người dưới 70 tuổi, và 16% xảy ra với những người dưới 50 tuổi.
Điều đáng chú ý, có đến 89% số ca tử vong do đột quỵ và tàn tật trên toàn cầu cộng lại xảy ra ở các nước có thu nhập thấp đến trung bình.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức đánh giá đây là một cuộc hội thảo đặc biệt, vì không chỉ có những nhà khoa học chuyên sâu, những giảng viên, sinh viên mà còn có cả những bạn đọc. Do đó nền tảng về đột quỵ đa dạng và khác nhau nên để chuyển tải nội dung đột quỵ cho mọi người cùng hiểu là một điều không hề đơn giản.
Nội dung của hội thảo đi từ mạng lưới ban đầu cho đến phòng ngừa trong cộng đồng, điều trị cơ bản, điều trị chuyên sâu nên có sự lan tỏa rất lớn trong cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia hội thảo không nói quá chuyên sâu về cơ chế bệnh sinh, về trao đổi chất qua màng tế bào, vì càng dễ hiểu thì càng lan tỏa trong cộng đồng.
Hội thảo này là cơ hội giúp người dân nắm được kiến thức cơ bản nhất, chung nhất về đột quỵ. Người dân có thể nắm được những yếu tố nguy cơ của đột quỵ như: yếu tố gia đình, hút thuốc lá, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, chế độ vận động, chế độ ăn uống...
"Khi người dân nắm tường tận về căn bệnh đột quỵ để phòng ngừa, điều trị thì không phải sợ đột quỵ giống như sợ ma. Chúng ta đừng có sợ đột quỵ đến mức ăn gì cũng sợ đột quỵ, đi đâu cũng sợ đột quỵ. Cứ thấy tăng huyết áp là nghĩ mình sắp bị đột quỵ đến nơi rồi, nó không phải như vậy”, ông Thức nhấn mạnh.
Ngoài ra, khi người dân có kiến thức về đột quỵ sẽ giúp họ cân bằng trở lại về nỗi sợ của đột quỵ. Từ nỗi sợ họ trở thành người có kiến thức, biết phòng ngừa, biết điều trị bệnh hiệu quả.
Đối với các cơ sở phòng ngừa đột quỵ, ông Thức đề nghị nên khuyên bệnh nhân đến tầm soát đột quỵ tập trung khám lâm sàng trước khi tầm soát nhằm giảm bớt những cận lâm sàng không cần thiết, giảm bớt những chi tiêu không cần thiết.
“Chúng ta đừng có tự động làm tất cả các cận lâm sàng khi bệnh nhân đến tầm soát đột quỵ rồi đưa kết quả cho bác sĩ xem sẽ rất lãng phí, vì không tựu trung vào một vấn đề chuyên sâu về đột quỵ. Bảng chỉ số nguy cơ đột quỵ các bác sĩ đều biết, nếu thấy bệnh nhân có chỉ số nguy cơ đột quỵ rất thấp, hoặc không có mà chỉ do yếu tố lo lắng của gia đình nên đi tầm soát đột quỵ, chúng ta mạnh dạn giải thích với người nhà, hoặc bệnh nhân không làm những kỹ thuật cận lâm sàng không cần thiết”, ông Thức chia sẻ.
Người lãnh đạo Bộ Y tế tin tưởng hội thảo sẽ giúp người dân có được tất cả các kiến thức để có cái nhìn tổng quan từ cơ bản đến thực tiễn, từ cơ bản đến chuyên sâu về đột quỵ, giảm tối đa chi phí không cần thiết nhưng vẫn phòng ngừa, điều trị đột quỵ tốt nhất.