Phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết
Tết Nguyên đán là dịp để các gia đình tụ họp con cháu, bạn bè gặp mặt, khách du lịch về tham quan, chiêm bái đầu xuân… nên lượng thực phẩm được tiêu dùng dịp này tăng cao so với mọi thời điểm trong năm. Đây là lúc cần quan tâm phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Kinh doanh dịch vụ ăn uống tại khu vực gần bến thuyền Tam Cốc (thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, thành phố Hoa Lư), nhà hàng của anh Cao Thế Long thuộc Công ty TNHH MTV Thế Long đã có 16 năm phục vụ khách du lịch nước ngoài với các món buffet là chủ đạo.
Theo anh Cao Thế Long, chủ nhà hàng: Với đặc thù chuyên phục vụ khách du lịch nước ngoài theo đoàn, không nhận khách lẻ nên nguồn thực phẩm để chế biến các món buffet được nhà hàng chú trọng ký kết với các nơi cung cấp để bảo đảm nguyên liệu đầu vào đều có nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn, chứng từ rõ ràng.
Nhà hàng ý thức được trách nhiệm trong việc bảo đảm sức khỏe, an toàn cho khách du lịch khi triển khai chế biến thực phẩm, phục vụ ăn uống nên mọi điều kiện về: cơ sở vật chất, nhân lực, thủ tục hành chính… đều được triển khai đầy đủ.
Với lượng khách phục vụ trong một thời điểm tối đa là 70-80 khách, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhà hàng phấn đấu khắc phục những tồn tại mà đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP số 2 của tỉnh đã kiểm tra, nhắc nhở để làm tốt hơn việc phục vụ ăn uống, thu hút được nhiều du khách nước ngoài đến với nhà hàng…
Theo báo cáo nhanh của đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP số 2 của tỉnh do Sở Công Thương chủ trì, cùng với việc kiểm tra các cơ sở chế biến, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống khu vực thành phố Hoa Lư, nhất là các cơ sở ở các khu, điểm du lịch cũng là các cơ sở được đoàn liên ngành chú trọng kiểm tra.
Qua việc kiểm tra về ATTP tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống dịp trước Tết Nguyên đán cho thấy các cơ sở được kiểm tra đã có đầy đủ các giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; chấp hành tương đối tốt các quy định về điều kiện về sản xuất, kinh doanh thực phẩm, như: điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ kinh doanh, về con người…
Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra đã thực hiện lấy 4 mẫu thực phẩm (bánh dẻo, cơm cháy) gửi cơ quan chức năng để kiểm nghiệm theo quy định; thực hiện test nhanh 11 mẫu thực phẩm, kết quả 11/11 mẫu đạt ATTP; test bát đĩa sạch, kết quả 8/10 mẫu sạch, đạt 80%; test hàn the trong 4 mẫu giò, chả, mọc...
Đoàn kiểm tra đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành 1 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nơi chế biến, bảo quản có côn trùng gây hại xâm nhập, số tiền xử phạt nộp ngân sách nhà nước là 4 triệu đồng…
Thông qua công tác kiểm tra, đoàn kiểm tra đã kết hợp tuyên truyền các văn bản quy định của pháp luật trong lĩnh vực ATTP tới chủ các cơ sở kinh doanh, đồng thời hướng dẫn các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Dịp Tết Nguyên đán, cùng với hoạt động của các cơ sở, nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, việc tổ chức ăn uống trong các gia đình cũng là vấn đề rất đáng quan tâm.
Ngay từ những ngày giáp Tết, rất nhiều khu dân cư tổ chức mổ lợn, gói bánh chưng và tổ chức ăn liên hoan tất niên với các sản phẩm từ lợn như: thịt, xương, tiết canh…Trong đó, đáng lo ngại nhất là món tiết canh có mặt ở hầu khắp các mâm cỗ, là nguồn thực phẩm ăn sống rất dễ gây các bệnh về đường ruột như tiêu chảy, thậm chí có thể xảy ra tình trạng mắc liên cầu lợn.
Trong những ngày Tết, tại nhiều gia đình đều tổ chức ăn uống đông người khi tụ họp gia đình, bạn bè, người thân. Thực phẩm lưu giữ mấy ngày Tết như: giò, chả, bánh chưng, thực phẩm đã qua chế biến lưu giữ trong tủ lạnh, lạm dụng bia, rượu… nếu không bảo đảm ATTP cũng là nguy cơ cao dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh liên quan đến thực phẩm.
Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh: Trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 100 người mắc và 99 người phải nhập viện điều trị, không có ca tử vong do ngộ độc thực phẩm.
So sánh với cùng kỳ năm 2023, số vụ ngộ độc thực phẩm năm 2024 đã tăng 2 vụ, số ca mắc ngộ độc thực phẩm cũng tăng gần gấp đôi so với năm 2023.
Đặc biệt, theo kết quả giám sát tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố trong tỉnh năm qua đã ghi nhận 320 ca ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ.
Theo bác sỹ Phạm Sỹ Lộc, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, người dân thường tổ chức các buổi hội họp ăn uống, liên hoan, tất niên, gặp mặt đầu xuân, tham gia các lễ hội, do vậy nhu cầu sử dụng rượu bia, thực phẩm trong những ngày này gia tăng, số trường hợp phải nhập viện do ngộ độc rượu, ngộ độc thực phẩm vì thế cũng tăng cao hơn so với các dịp khác trong năm.
Biểu hiện rõ nét nhất ở người bị ngộ độc thực phẩm là gặp các rối loạn về tiêu hóa như: đau bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài. Có trường hợp choáng váng, nặng hơn là sốt cao, người yếu ớt, mất nước, nôn ói không cầm, khát nước, tụt huyết áp, gây nguy hiểm đến tính mạng…
Nguyên nhân có thể do độc tố của vi khuẩn dẫn đến cơ thể nhiễm độc hoặc nhiễm trùng cho ăn phải thức ăn bị bội nhiễm…
Để có những ngày Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm và bảo đảm ATTP, bên cạnh sự nỗ lực của các ngành chức năng trong việc tăng cường công tác truyền thông, đẩy mạnh kiểm tra, ngăn chặn và tiêu hủy các thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ thì người tiêu dùng cũng cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong việc lựa chọn, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm. Trong đó chú ý đến nguồn gốc thực phẩm, cách chế biến, bảo quản thực phẩm. Nên thực hiện ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn những đồ tươi sống…
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/phong-chong-ngo-doc-thuc-pham-trong-dip-tet-808036.htm