Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em: Cần sự quan tâm của toàn xã hội
Phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT) là nhiệm vụ trọng tâm của công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em (TE) và là vấn đề y tế công cộng đáng quan tâm. Mặc dù đã được chú trọng, tình trạng này vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng trong xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ.
Toàn tỉnh hiện có trên 273.000 TE từ 0-16 tuổi, chiếm 32% dân số. Theo thống kê, TNTT là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và di chứng tàn tật suốt đời ở TE. Mặc dù nhiều biện pháp đã và đang được thực hiện, nhưng tình trạng này vẫn thường xuyên xảy ra, để lại nỗi đau cho gia đình, xã hội. Giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh có trên 3.200 vụ TNTT TE, làm tử vong 220 trẻ. Mặc dù số vụ, tử vong giảm dần qua các năm, nhưng so với các tỉnh, thành trong cả nước, nhìn chung TNTT TE của Hà Giang vẫn ở mức cao. Từ thực trạng này, đòi hỏi các sở, ngành và chính quyền các cấp cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để tạo dựng môi trường an toàn, hạn chế tình trạng tử vong cho trẻ.
Với đặc thù là tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, hiểm trở, trình độ dân trí của một bộ phận người dân chưa cao... tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến TNTT TE. Đơn cử, chỉ trong vòng nửa tháng, từ 26.7 – 7.8.2021, tại các huyện: Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn liên tiếp xảy ra 4 vụ ngộ độc do ăn quả Hồng Châu khiến 3 trẻ tử vong, 6 trẻ nhập viện. Nguyên nhân xác định là do trẻ tò mò, chưa ý thức được sự nguy hiểm của loại quả này dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Hay như thực trạng TE tắm sông, suối còn diễn ra khá phổ biến, điều đáng nói, nhiều bậc phụ huynh lại cổ súy cho hành vi này khi đưa con em mình đến những dòng chảy tự nhiên để vui chơi, tạo nên những bãi tắm tự phát. Bởi thực tế, đã có nhiều trường hợp đuối nước thương tâm xảy ra chính từ sự thiếu trách nhiệm của các bậc cha mẹ.
Trao đổi với chúng tôi, bà Phùng Thị Giang, Trưởng phòng TE và bình đẳng giới, Sở Lao động, TB&XH cho biết: Dù ở môi trường nào thì TE luôn có thể bị TNTT khi xung quanh vẫn tồn tại những nguy cơ thiếu an toàn. Phần lớn các trường hợp TNTT xảy ra là do thiếu hiểu biết, sự bất cẩn của cha mẹ. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng tránh TNTT ở các đia phương còn một số hạn chế, chưa kịp thời. Việc trang bị các kỹ năng, hiểu biết chung về TNTT, đặc biệt là đuối nước, ăn quả, nấm rừng… cho người dân chưa được quan tâm đúng mức, thể hiện qua việc coi thường sự nguy hiểm của đuối nước, ngộ độc thực phẩm. Ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn thiếu các khu giải trí dẫn đến trẻ phải tìm đến những địa điểm không an toàn để vui chơi, dẫn đến nguy cơ cao về TNTT...
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1248 phê duyệt chương trình phòng, chống TNTT TE, giai đoạn 2021 – 2030. Triển khai Quyết định này, Sở Lao động, TB&XH đang tích cực xây dựng, tham mưu trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống TNTT TE giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn. Đồng chí Vương Đình Thắng, Phó Giám đốc sở cho biết: Kế hoạch sẽ kế thừa những mặt tích cực, hiệu quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế tối đa TE tử vong do TNTT. Các giải pháp tập trung vào đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phát huy trách nhiệm của các cấp, ngành, gia đình và cộng đồng trong đảm bảo an toàn cho trẻ. Ban hành các chính sách, tăng cường nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, hỗ trợ TE bị TNTT, đối tượng khó khăn được tiếp cận các kỹ năng an toàn…
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, chung tay hạn chế TNTT TE, các cấp, ngành cần xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể; ưu tiên bố trí kinh phí cho hoạt đông này. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh, cải thiện các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ. Duy trì gắn kết giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc quản lý, giáo dục để trẻ được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ hiệu quả nhất.