Phòng chống thất thoát, lãng phí và lợi ích nhóm trong sử dụng đất
Chiều 13/10, tiếp tục chương trình làm việc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Các đại biểu nghe Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường trình bày tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, thống nhất hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đủ điều kiện trình Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất việc thực hiện Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 2016 - 2020 đã có những kết quả tích cực, đạt khá so với các chỉ tiêu Quốc hội quyết định (bình quân đạt 85,35%).
Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên đất
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo cơ sở pháp lý, trở thành công cụ quan trọng để nhà nước thống nhất quản lý đất đai, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên đất. Phân bổ nguồn lực đất đai đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân; bảo đảm an ninh, quốc phòng, an ninh lương thực, diện tích đất trồng lúa được bảo vệ, độ che phủ của rừng được nâng lên.
Bên cạnh đó, việc quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn bất cập, hạn chế: Chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn; việc phân bổ một số chỉ tiêu sử dụng đất theo vùng chưa hợp lý ảnh hưởng đến việc khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương, việc lập Kế hoạch sử dụng đất (2016 - 2020) rất chậm.
Quản lý quy hoạch chưa tốt, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có lúc có nơi còn tùy tiện, vẫn còn tình trạng quy hoạch treo, dự án treo ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, gây lãng phí nguồn lực.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ để lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hệ thống thông tin dữ liệu về đất đai còn bất cập; đất công nghiệp tăng nhanh nhưng dàn trải, thiếu sự đồng bộ với quy hoạch đô thị, khu dân cư, đất cho giao thông, đất cho công viên, cây xanh đô thị; đất xây dựng cơ sở văn hóa, đất bãi thải, xử lý chất thải còn thấp... Diện tích đất rừng tăng nhưng rừng tự nhiên suy giảm cả về số lượng và chất lượng.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu của quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất trình Chính phủ và đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và lưu ý một số vấn đề khác.
Theo đó, quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch của tài nguyên đặc biệt (đất đai) và phải đi trước một bước làm cơ sở cho quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Hạn chế tối đa mâu thuẫn với quy hoạch ngành, vùng
Do đó yêu cầu đặt ra trong thời gian tới với công tác này vừa phải cụ thể để thực hiện nhưng vừa phải bao quát, có tầm nhìn để tạo không gian phát triển, đồng thời phải rà soát, trao đổi thông tin, thống nhất với các bộ, ngành, địa phương để hạn chế tối đa mâu thuẫn, chồng chéo với quy hoạch ngành, vùng, các quy hoạch có liên quan và phù hợp yêu cầu phát triển của từng vùng, từng ngành, từng địa phương.
Hơn nữa, gắn kết quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với phát triển kinh tế từ nguồn lực đất, tài chính đất đai để khai thác hiệu quả, phòng chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực và lợi ích nhóm trong sử dụng đất.
Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia nhưng hiện nay quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được phê duyệt, do đó quá trình hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần rà soát, đối chiếu, trao đổi để hạn chế chồng chéo, mâu thuẫn với quy hoạch tổng thể quốc gia.
Nội dung cần lưu ý nữa là cụ thể hơn trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vấn đề liên kết vùng, liên kết tỉnh, nhất là việc kết nối giao thông, đô thị, công nghiệp dịch vụ các tỉnh ven biển trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đối với vấn đề lấn biển, cần đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, chi phí và lợi ích, tác động môi trường, quy định tiêu chí và xác định vị trí cụ thể để thực hiện; cụ thể các căn cứ lập, thực hiện kế hoạch sử dụng đất do cấp huyện, cấp xã lập.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần bảo đảm số lượng, chất lượng chỉ tiêu đất trồng lúa nhằm thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về an ninh lương thực; quản lý chặt chẽ diện tích đất trồng lúa chuyển đổi sang sử dụng cho các mục đích nông nghiệp khác để không hủy hoại các đặc trưng cơ bản nhất của đất lúa, khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa; hạn chế tối đa việc chuyển đổi đất lúa tại các vùng có tiềm năng trồng lúa sang các mục đích phi nông nghiệp.
Bên cạnh đó bảo đảm quy hoạch và phát triển rừng hiệu quả, gắn trồng rừng, phát triển kinh tế rừng với bảo vệ môi trường; rà soát lại chỉ tiêu đất khu công nghiệp gắn với nhu cầu và khả năng phát triển để khắc phục hạn chế tỷ lệ lấp đầy thấp; rà soát cân đối đất văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, phù hợp, tách bạch khỏi đất thương mại, dịch vụ.
Chính phủ tại Tờ trình kiến nghị cho phép UBND tỉnh chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng mà không phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo quy định của Điều 58 của Luật Đất đai, đồng thời bãi bỏ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Đây là một thay đổi chính sách lớn, cần được tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng. Trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo tổng kết thi hành để sửa đổi Luật Đất đai, chưa nên đặt vấn đề này trong dự thảo Nghị quyết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trường hợp cần thiết, Chính phủ tổng kết, đánh giá kỹ, trình Quốc hội xem xét khi tiến hành sửa đổi Luật Đất đai thời gian tới.