Phòng chống xâm hại trẻ em: 17 cơ quan bảo vệ trẻ em, ai kết nối?
Thống kê có đến 17 cơ quan làm công tác bảo vệ trẻ em, song khâu kết nối, phối hợp giữa các bên liên quan để nhịp nhàng xử lý khi xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, vẫn còn nhiều bất cập. Đây cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia, nhà quản lý đặt ra tại hội thảo 'Phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em' do Đoàn giám sát của Quốc hội phối hợp với Hội LHPNVN tổ chức vào sáng nay (3/1), tại Hà Nội.
Nhiều mối nhưng... mạnh ai nấy làm
Là người trực tiếp làm công tác bảo vệ trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH, thừa nhận, câu hỏi được đặt ra nhiều lần nhưng chưa có hồi đáp, chính là tại sao có nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em như vậy nhưng công tác trẻ em vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn?
Ông Nam cũng cảnh báo, nạn cha đẻ xâm hại tình dục con ruột đang báo động và cần có nghiên cứu phân tích sâu hơn các khía cạnh về xã hội học, vấn đề về chức năng bảo vệ trẻ em của gia đình và kỹ năng trẻ em tự bảo vệ mình…
"Giải pháp cần căn cơ lâu dài liên quan đến nhiều ngành, còn trống mảng chăm sóc, trong bối cảnh chắc chắn các vụ việc bạo lực trong gia đình, xâm hại trẻ em còn tăng lên", ông Nam nhìn nhận.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội, đặt vấn đề việc hiện có bao nhiêu nguồn lực tập trung cho công tác trẻ em.
Theo bà Mai Hoa, đội ngũ cộng tác viên gia đình, trẻ em hiện nay có người kiêm nhiệm và mạnh ai nấy làm. "Người nào thuộc ngành nào thì tập trung vào ngành đấy, chúng ta cũng chưa có phương án nào về việc rà soát tất cả đội ngũ cộng tác viên về gia đình và trẻ em. Từ đó có đánh giá tỷ lệ cân đối hai bên như thế nào, để có hướng bồi dưỡng tốt hơn cho đội ngũ này", bà Mai Hoa cho biết.
Đây cũng là vấn đề được bà Vũ Phương Ly, Cán bộ cấp cao, Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women), quan tâm khi nói về hạn chế của dịch vụ bảo vệ trẻ em và sự phối hợp ở nước ta khi có xâm hại trẻ em xảy ra, cao hơn là tòa án chuyên về bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em hiện đã được triển khai ở 123 quốc gia trên thế giới.
"Chúng ta có 17 cơ quan liên quan đến bảo vệ trẻ em, vậy các cơ quan làm việc với nhau như thế nào, ai tiếp cận với ai, ví dụ con tôi bị hiếp dâm thì con tôi được tiếp cận dịch vụ nào? Ở Việt Nam, dịch vụ này không rõ ràng. Có cơ quan chịu trách nhiệm nhưng ai là cơ quan kết nối và điều phối các dịch vụ này nhuần nhuyễn với nhau để hỗ trợ nạn nhân kịp thời là điều chưa làm được hiệu quả", bà Ly nhìn nhận.
Phòng ngừa xâm hại trẻ em: Cha mẹ cũng phải học
Trước những thách thức từ chính giáo dục trong gia đình đối với phòng chống XHTE, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, cho rằng, người mẹ cũng cần phải đi học thay vì chỉ được tuyên truyền đơn thuần.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa đề xuất Quốc hội cần tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Trẻ em 2016, đặc biệt là giám sát việc thực hiện trách nhiệm của các Bộ ngành và của gia đình; xem xét nếu sửa đổi Luật Trẻ em thì cần bổ sung đối tượng cháu có cha mẹ ly hôn phải sống với cha dượng vào nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; xem xét sửa đổi quy định của Luật Giám định tư pháp liên quan đến trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp chính quyền quan tâm trong bố trí cán bộ và nguồn kinh phí cho công tác truyền trông phòng chống xâm hại trẻ em (huyện mỗi năm được cấp 20 triệu hiện là quá ít).
Đặc biệt, Chính phủ xem xét giao Hội LHPNVN triển khai thực hiện chương trình Giáo dục làm cha mẹ, trong đó có các nội dung giảm thiểu tình trạng trừng phạt thân thể trẻ em thông qua phương pháp kỷ luật tích cực. Đồng thời, chỉ đạo nghiên cứu mô hình "một cửa" trong hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục.
Còn theo Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, cần có các nghiên cứu xã hội tìm ra nguyên nhân dẫn đến ly hôn và tìm biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ly hôn, xâm hại, bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn đến dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, quan tâm xem xét hình thức cách ly trẻ em để được an toàn như mô hình Ngôi nhà Hạnh phúc hiện nay ở TPHCM.
Nói về giải pháp nguồn nhân lực công tác trẻ em, ông Đặng Hoa Nam cho biết, lâu dài chắc chắn sẽ phải có nhân viên công tác xã hội là đơn vị kết nối các bên. Còn trước mắt, cán bộ các tổ chức chính trị xã hội hưởng lương đều phải được đào tạo kỹ năng về công tác trẻ em, công tác xã hội.
Kết luận hội thảo, bà Lê Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết: Phòng, chống xâm hại trong gia đình là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực trong xã hội. Một số vấn đề các cơ quan chức năng liên quan phải thực hiện tập trung như: Đánh giá lại mức độ bạo lực, XHTE hiện nay; nghiên cứu đặc điểm chuyển biến của gia đình Việt Nam tác động đến loại vi phạm và tội phạm này; xác định loại gia đình nào con cái có nguy cơ bị xâm hại nhiều (gia đình bị suy giảm chức năng, bố mẹ ly hôn, đi làm xa, thậm chí là ở cạnh con mà con vẫn bị xâm hại…).
Bên cạnh đó, để làm tốt công tác phòng chống XHTE, cần có nghị định hướng dẫn thi hành Luật thật tốt thay vì "đổ lỗi" cho luật bởi cơ bản Luật Trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình của ta khá tốt. Vấn đề là tổ chức thực hiện luật chưa nghiêm, chưa tìm được địa chỉ kỷ luật, chưa tìm đúng cơ quan chức năng để chỉ lỗi, còn cả nể.
"Bên cạnh đó, cần có bố trí nhân lực trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nếu có cách làm sáng tạo để huy động xã hội hóa thì vẫn có thể làm được", bà Lê Thị Nga cho hay.