Phòng ngộ độc trong trường học: Trách nhiệm không của riêng ai

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học chỉ chiếm khoảng 3,7% tổng số vụ ngộ độc thực phẩm hằng năm. Thế nhưng, vấn đề mất an toàn, vệ sinh thực phẩm học đường luôn là nỗi lo thường trực của các bậc phụ huynh, nhất là thời gian gần đây trên địa bàn cả nước, trong đó có Hà Nội đã xảy ra một số vụ ngộ độc khi năm học mới vừa bắt đầu. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Trường Mầm non Khương Đình (quận Thanh Xuân) luôn bảo đảm bữa ăn bán trú an toàn, đủ dưỡng chất cho học sinh. Ảnh: Nhật Nam

Một khâu bị lỗi sẽ gây hậu quả đáng tiếc

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) thông tin, toàn thành phố hiện có gần 2.200 bếp ăn trường học, bếp ăn tập thể… Ngay từ đầu năm học 2020-2021, nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo an toàn, vệ sinh thực phẩm; thành lập tổ giám sát, gồm có đại diện ban phụ huynh, hiệu trưởng, giáo viên… để cùng giám sát nguồn thực phẩm cung ứng.

Tại Trường Tiểu học Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) hằng ngày tổ chức cho gần 400 học sinh ăn bán trú. Hiệu trưởng Huỳnh Thị Thanh Hoa cho biết, do điều kiện chưa có bếp nấu, nhà trường đã ký hợp đồng với đơn vị cung ứng vận chuyển suất ăn đến trường. Quy trình lựa chọn đơn vị cung ứng được triển khai chặt chẽ. Đại diện nhà trường và phụ huynh học sinh trực tiếp khảo sát cơ sở vật chất, năng lực và các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm về tính pháp lý, thực tế hoạt động của đơn vị cung ứng, rồi mới quyết định lựa chọn.

Còn theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Vân Hồ (quận Hai Bà Trưng) Vũ Thị Hải Ngọc, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn tiềm ẩn, hai yếu tố chất lượng thực phẩm và đội ngũ nhân viên nấu ăn được quan tâm hàng đầu. Trong đó, nhân viên nhà bếp phải được khám sức khỏe định kỳ, thông tin về tình hình sức khỏe hằng ngày. Nhà trường cũng công khai thực đơn, huy động phụ huynh cùng tham gia giám sát chất lượng bữa ăn tại trường, định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra nguồn gốc của các thực phẩm do đơn vị cung ứng cung cấp.

Thế nhưng, không phải nơi nào cũng thực hiện nghiêm túc việc giám sát chất lượng bữa ăn bán trú. Ngay trong tháng 9-2020, khi năm học mới vừa bắt đầu, 22 học sinh của Trường Tiểu học Tiên Dương và 11 học sinh của Trường Tiểu học Lê Hữu Tựu trên địa bàn huyện Đông Anh đều có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài, sốt nhẹ…; một số trường hợp phải nhập viện. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện đơn vị cung cấp suất ăn cho Trường Tiểu học Tiên Dương không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm. Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, nhà kho của đơn vị cung ứng đặt gần nhà vệ sinh; khu vực chế biến có côn trùng xâm nhập; nguồn nước sử dụng là nước giếng khoan và chưa xuất trình được kết quả xét nghiệm nước định kỳ theo quy định…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, trong cả một dây chuyền sản xuất thực phẩm từ lúc còn tươi sống đến khi học sinh ăn, chỉ cần một khâu bị lỗi, dù nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả đáng tiếc, khiến vi sinh vật có hại bị nhiễm vào thức ăn gây ngộ độc. Với mỗi trường học, việc đầu tiên là kiểm soát thật chặt nguồn nguyên liệu thực phẩm đầu vào. Tiếp đến, khu vực bếp ăn, các dụng cụ nấu ăn, quy trình vận chuyển suất ăn phải tuân thủ đầy đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Hiệu trưởng chịu trách nhiệm cao nhất, nếu xảy ra ngộ độc

Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội kiểm tra quy trình chế biến bữa ăn bán trú cho học sinh Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Minh Đức

Năm học 2020-2021, ngành Giáo dục Hà Nội xác định việc bảo đảm an toàn cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trong đó có việc bảo đảm an toàn bữa ăn bán trú. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Sở sẽ tăng cường kiểm tra thường xuyên và đột xuất đối với các nhà trường trong việc tổ chức bữa ăn cho học sinh, trong đó có việc thực hiện quy trình cung ứng thực phẩm. Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm kiểm soát quy trình này, kiên quyết nói không với thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm quá hạn sử dụng. Đơn vị nào để xảy ra sự cố liên quan đến chất lượng bữa ăn của học sinh tại trường, hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm cao nhất.

Để bữa ăn học đường được an toàn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng rất cần sự chung tay, trách nhiệm của nhà trường, sự giám sát của phụ huynh. Nhà trường cần tạo điều kiện để phụ huynh tham gia vào việc giám sát chất lượng bữa ăn bán trú. Chỉ cần quan sát, kiểm tra bằng mắt thường, phụ huynh sẽ nhận biết được công đoạn chế biến, dụng cụ chế biến có bảo đảm vệ sinh hay không, thậm chí có thể phát hiện được thực phẩm bị ôi thiu, đổi màu, hay đã hết hạn sử dụng…

Theo Tiến sĩ Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế), nhà trường phải thường xuyên tuyên truyền, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho nhân viên phụ trách nhà bếp. Mặt khác, nhà trường thường xuyên tự kiểm tra chất lượng và ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm với đơn vị cung ứng. Hiện tại, Cục An toàn thực phẩm đã triển khai Đường dây nóng: 0243.2321556 hoặc 0911.811.556 hoạt động 24/24 giờ hằng ngày để tiếp nhận thông tin liên quan đến vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm. Phụ huynh có thông tin thực phẩm “bẩn” hãy gọi đến đường dây nóng. Cục An toàn thực phẩm sẽ lập tức thanh tra đột xuất và có thể sẽ đến trực tiếp cơ sở để kiểm tra.

Thu Trang - Hồng Hạnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/979992/phong-ngo-doc-trong-truong-hoc-trach-nhiem-khong-cua-rieng-ai