Phòng ngừa đau nhức xương khớp ở người cao tuổi

Lão hóa xương khớp là tình trạng thường gặp ở người lớn tuổi. Trong đó, loãng xương là bệnh lý phổ biến, cần chế độ chăm sóc, điều trị để bảo vệ sức khỏe.

Hệ vận động của cơ thể được cấu thành từ ba bộ phận chính là: cơ, xương và khớp. Bộ ba này kết hợp với nhau với sứ mệnh đặc biệt: Định hình cơ thể, giữ thăng bằng, giúp cơ thể di chuyển dễ dàng và hoạt động nhịp nhàng nhằm đảm bảo hệ cơ xương khớp luôn khỏe mạnh.

Nguyên nhân dẫn đến loãng xương ở người lớn tuổi

Đối với người lớn tuổi, loãng xương là bệnh lý rất phổ biến. Do cấu trúc xương di truyền, chế độ ăn uống, bổ sung Canxi, vận động, sinh hoạt khi còn trẻ và một số nguyên nhân khác nên mức độ loãng xương nặng hoặc nhẹ ở mỗi người thường khác nhau.

Thống kê của Hội Cơ xương khớp Việt Nam cho thấy, khoảng 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên 65 tuổi và 85% người trên 80 tuổi bị thoái hóa khớp. Số liệu từ Hội Loãng xương Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra cũng ước tính có khoảng 3,6 triệu người Việt mắc chứng loãng xương (chiếm nhiều ở phụ nữ). Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến loãng xương ở người lớn tuổi? Dưới đây là một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.

Các cơ quan, bộ phận trong cơ thể lão hóa dần theo tuổi tác: Theo các chuyên gia dinh dưỡng, từ 30 tuổi, cơ thể bắt đầu suy giảm lượng hormone sinh dục sức khỏe, khiến xương khớp và cơ bắp yếu đi. Một số chất như Canxi hay Glucosamin trong cơ thể sẽ suy giảm khiến mật độ xương giảm dần theo độ tuổi, chức năng của khớp xương cũng suy giảm. Trong khi đó, Canxi là thành phần chính để cấu tạo và xây dựng các mô xương, giúp xương chắc khỏe; còn Glucosamin là chất cần thiết để sản sinh sụn khớp, giúp bôi trơn đốt sống. Chính vì vậy, thiếu hụt hai loại chất này sẽ gây ra vấn đề lão hóa xương khớp.

Ít vận động: Người lớn tuổi ít vận động có nguy cơ bị loãng xương cao hơn người thường xuyên vận động nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, bơi lội... Nguyên nhân là do khi không vận động, quá trình tái tạo xương một cách tự nhiên cũng giảm khiến xương ngày một yếu hơn.

Cách nhận biết loãng xương ở người lớn tuổi

Loãng xương ở người lớn tuổi có diễn biến thầm lặng, các triệu chứng đặc trưng như: đau nhức xương khớp, đau nhức cột sống, đau lưng, mỏi vai gáy, dễ gãy xương… thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã trở nặng và có biến chứng. Đồng thời, người lớn tuổi bị loãng xương còn có thể xuất hiện cảm giác ớn lạnh, bị chuột rút chân thường xuyên, dễ đổ mồ hôi...

Để nhận biết sớm nguy cơ bị loãng xương, bên cạnh việc theo dõi các dấu hiệu kể trên, người lớn tuổi cần lưu ý bổ sung đầy đủ các dưỡng chất giúp tăng cường sức khỏe xương khớp, phòng ngừa loãng xương để có một tuổi già khỏe mạnh.

Theo Sức khỏe và Đời sống

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/y-te/phong-ngua-dau-nhuc-xuong-khop-o-nguoi-cao-tuoi-36136.html