Phòng ngừa, hạn chế rủi ro trước biến động liên tục của giá điện
Không nên hạn chế giao dịch mua bán điện tương lai ở một dạng hợp đồng duy nhất là 'hợp đồng kỳ hạn', mà cần phải mở rộng thêm nhiều dạng hợp đồng khác như 'hợp đồng quyền chọn'. Cả hai loại hợp đồng này đều là công cụ bảo hiểm giá có vai trò, chức năng phòng ngừa, hạn chế rủi ro trước biến động liên tục của giá điện giao ngay và chi phí sản xuất không ổn định.
Đó là đề xuất được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) do Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức vừa qua.
Xem xét bổ sung “hợp đồng quyền chọn”
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, để bảo đảm tính thống nhất với Luật Thương mại năm 2005, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) nên bổ sung khái niệm “hợp đồng kỳ hạn”; đồng thời bổ sung khái niệm, các quy định về giao dịch “hợp đồng quyền chọn” trên thị trường điện tại Chương V với kết cấu tương đồng như các quy định về “hợp đồng kỳ hạn”.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam Dương Đức Quang nêu rõ, xuất phát từ thực tiễn giao dịch của thị trường điện là giao ngay và nhu cầu sử dụng các công cụ phòng ngừa, hạn chế rủi ro trước biến động liên tục của giá điện trong quá trình giao dịch, ngoài việc giao dịch thông qua “hợp đồng kỳ hạn”, các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh theo các cấp độ còn có thể lựa chọn một loại công cụ khác có chức năng tương đương, được nhiều nước trên thế giới áp dụng và cũng đã được quy định trong hệ thống pháp luật nước ta, đó là “hợp đồng quyền chọn”.
“Tương tự như “hợp đồng kỳ hạn”, “hợp đồng quyền chọn” là một công cụ bảo hiểm giá có vai trò, chức năng phòng ngừa, hạn chế rủi ro trước biến động liên tục của giá điện giao ngay và chi phí sản xuất không ổn định.”, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sở Giao dịch Hàng Hóa Việt Nam nhấn mạnh.
Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thị trường điện cạnh tranh tại nước ta đã được triển khai, phát triển qua hai giai đoạn: thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Ở các giai đoạn tiếp theo, cơ chế mua bán điện thông qua các hợp đồng phòng vệ rủi ro biến động giá được đặt ra nhằm thực hiện mục tiêu vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Vì vậy, các đại biểu nêu rõ, nếu dự thảo Luật chỉ quy định “hợp đồng kỳ hạn” mà không quy định thêm “hợp đồng quyền chọn” thì chưa đầy đủ các công cụ bảo hiểm giá, chưa thể triển khai một cách toàn diện mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Một số chuyên gia nghiên cứu và làm việc trong ngành điện lực cũng cho rằng, thị trường điện nước ta không nên hạn chế giao dịch mua bán điện tương lai ở một dạng hợp đồng duy nhất là “hợp đồng kỳ hạn”, mà cần phải mở rộng thêm nhiều dạng hợp đồng khác như “hợp đồng quyền chọn”. Với mục tiêu tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, các quy định của Luật Điện lực (sửa đổi) phải bảo đảm tính ổn định, bền vững nhất định, đồng thời, phải bắt kịp các thay đổi nhanh chóng của thực tiễn.
Các đại biểu cũng dẫn chứng, tại Mỹ, Australia và New Zealand, “hợp đồng quyền chọn” được áp dụng phổ biến cho mặt hàng điện. Các hợp đồng quyền chọn điện tại Australia gồm hợp đồng quyền chọn phụ tải cơ sở theo năm dương lịch, hợp đồng quyền chọn phụ tải cơ sở theo năm tài chính, hợp đồng quyền chọn giá trung bình hàng quý. Các hợp đồng quyền chọn điện tại New Zealand gồm hợp đồng quyền chọn phụ tải cơ sở giá trung bình, hợp đồng quyền chọn phụ tải cơ sở...
Bảo đảm giá điện ổn định và cạnh tranh
Lo ngại tình trạng công ty điện lực thường xuyên báo lỗ do các chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh tăng, đại diện Công ty TNHH Canon Việt Nam đặt vấn đề, việc sử dụng các chi phí này có hợp lý hay không, cơ quan nào chịu trách nhiệm kiểm toán các chi phí này? Và sản xuất kinh doanh có được cải tiến, nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí hay không? Nỗ lực cho việc giảm tổn thất điện năng có được thực hiện thường xuyên, triệt để hay không? Đại diện Công ty TNHH Canon Việt Nam mong dự thảo Luật phải có những quy định rõ ràng hơn, nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên. Bởi lẽ, giá điện thay đổi thường xuyên theo hướng luôn tăng, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh vốn cần ổn định và bảo đảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đại diện Công ty TNHH Canon Việt Nam cũng đề xuất, dự thảo Luật nên có quy định cụ thể về việc bảo đảm cơ cấu giá điện ổn định; quy định rõ những cơ quan nhà nước nào có trách nhiệm thực hiện kiểm toán và tư vấn quản trị, giám sát kiểm tra ngành điện lực nhằm giúp hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng hiệu quả, đảm bảo giá điện được ổn định, cạnh tranh.
Liên quan đến bồi thường thiệt hạn khi xảy ra sự cố điện, có ý kiến đặt vấn đề, mua bán điện được thực hiện theo cơ chế thị trường, nhưng bồi thường khi có sự cố điện lại không mang tính chất thị trường. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp phải tự gánh chịu hậu quả trong khi hầu hết trường hợp mất điện không phải do doanh nghiệp gây ra cũng không phải vì sự cố hay bất khả kháng mà xuất phát từ phía Điện lực, hoặc từ bên thứ 3.
Do vậy, nên chăng, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về một cơ quan độc lập với ngành điện có trách nhiệm xác định nguyên nhân và ngành điện có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố điện không do khách hàng hay trường hợp sự cố bất khả kháng.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị giữ nguyên quy định về hoạt động mua bán điện mặt trời mái nhà giữa khách hàng không phải là khách hàng sử dụng điện lớn và bên bán điện. Đồng thời cho rằng, việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà cần rất nhiều chi phí cũng như thủ tục rất phức tạp, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện được. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ cho nhà đầu tư mượn hoặc thuê mái nhà xưởng của doanh nghiệp để lắp đặt hệ thống, và doanh nghiệp sẽ mua lại điện từ hệ thống đó để sử dụng. Việc tận dụng lợi thế này giúp doanh nghiệp không phải bỏ ra chi phí lớn, góp phần bảo vệ môi trường khi sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên.
Kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nêu rõ, các ý kiến phát biểu tại hội thảo sẽ được Thường trực Ủy ban nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa trên nguyên tắc "vấn đề đã chín, đã rõ, đồng thuận cao sẽ được đưa vào dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 36 tới".