Phòng ngừa lây nhiễm đậu mùa khỉ ở động vật

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ ở động vật.

 Người bị bệnh đậu mùa khỉ không nên vuốt ve thú cưng. Ảnh: The Economic Times.

Người bị bệnh đậu mùa khỉ không nên vuốt ve thú cưng. Ảnh: The Economic Times.

Trong văn bản này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh đặc điểm của bệnh đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm có thể lây truyền giữa người và các loài động vật linh trưởng, loài gặm nhấm nhỏ và chó nhà, theo TTXVN.

Vì vậy, khi phát hiện động vật (động vật nuôi và động vật hoang dã) có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh với các biểu hiện như sốt, bỏ ăn, ăn ít, phát ban và có xuất hiện nhiều mụn nước trên da; người dân cần chủ động thông báo với cơ quan thú y.

Đối với người bị bệnh đầu mùa khỉ, Bộ khuyến cáo không nên vuốt ve, âu yếm, ôm, hôn, ngủ chung, ăn chung… với thú cưng.

Để chủ động phòng ngừa lây truyền bệnh đậu mùa khỉ ở động vật và giảm thiểu nguy cơ virus đậu mùa khỉ lây từ động vật sang người, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các cấp khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y; đồng thời tổ chức phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 1/8/2022.

Cụ thể, các tỉnh, thành phố cần tổ chức thực hiện truyền thông tới người dân và cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp dự phòng dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đồng thời, địa phương phải giám sát chặt chẽ các trường hợp động vật nhập cảnh nghi nhiễm bệnh, đặc biệt động vật xuất phát từ quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp nghi ngờ động vật mắc bệnh đậu mùa khỉ, các địa phương cần thông báo ngay cho cơ quan chuyên môn thú y của địa phương hoặc chính quyền địa phương.

Cơ quan chuyên môn thú y sẽ chủ động phối hợp với cơ quan y tế và các cơ quan liên quan tổ chức điều tra ổ dịch, lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm phát hiện tác nhân gây bệnh trong phòng thí nghiệm và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực phục vụ trong phòng, chống trong trường hợp dịch bệnh đậu mùa khỉ xảy ra trên động vật.

Bộ giao Cục Thú y chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương ban hành tiêu chuẩn cơ sở chẩn đoán, xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ trên động vật; tổ chức tập huấn về giám sát, chẩn đoán, xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ; chuẩn bị sẵn sáng, bố trí nguyên vật liệu, trang thiết bị cần thiết và tổ chức xét nghiệm mẫu nghi nhiễm đậu mùa khỉ. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và tổ chức chủ động giám sát một số loài động vật mẫn cảm với bệnh bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam.

Chiều 3/10, Bộ Y tế nhận được báo cáo của Sở Y tế TP.HCM về kết quả xét nghiệm giải trình tự gene khẳng định một bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ, chủng Monkeypox, virus thuộc clade IIb. Đây là bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận đầu tiên tại Việt Nam.

Bệnh nhân là nữ, 35 tuổi, thường trú tại TP.HCM, khởi phát bệnh ngày 18/9 khi du lịch tại Dubai (từ tháng 7 đến 22/9 về Việt Nam). Bệnh nhân có các triệu chứng gồm sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.

Hiện bệnh nhân sức khỏe ổn định, không sốt, được tiếp tục cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nguyễn Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phong-ngua-lay-nhiem-dau-mua-khi-o-dong-vat-post1362392.html