Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Có đến 80% nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7 là do bị trúng gió, nhiễm lạnh đột ngột.
Hỏi:
Tôi được biết, khi bị liệt dây thần kinh số 7, nếu phát hiện muộn sẽ ít cơ hội được điều trị khỏi, vậy xin bác sĩ tư vấn cách nào nhận diện bệnh này và việc điều trị ra sao?
Nguyễn Hoàng (Hà Nội)
ThS. BS Hoàng Duy Luân, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Bạch Mai trả lời:
Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (liệt mặt) là hội chứng tổn thương dây thần kinh số 7. Điều này gây nên tình trạng giảm hoặc mất vận động các cơ ở mặt (liệt toàn bộ nửa mặt). Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và do nhiều nguyên nhân gây nên.
Có đến 80% nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7 là do bị trúng gió, nhiễm lạnh đột ngột. Bên cạnh đó, bệnh còn do nhiều nguyên nhân khác khiến dây thần kinh bị chèn ép dẫn đến tình trạng sưng và viêm nhiễm như: viêm tai xương chũm nhưng không được điều trị kịp thời nên dẫn đến biến chứng, virus zona, chấn thương hoặc tác động từ phẫu thuật ở vùng thái dương, vùng xương chũm, vùng mặt hoặc tai.
Các triệu chứng liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên cũng rất dễ nhận biết và phổ biến là yếu một phần tới liệt hoàn toàn một bên mặt, tiến triển trong vài giờ hoặc vài ngày, bao gồm: Mắt nhắm không kín, chảy nước mắt; Giảm hoặc mất nếp nhăn trán, rãnh mũi má; Súc miệng nước sẽ bị chảy ra ở khóe miệng bên liệt, thức ăn giắt vào kẽ răng và má; Tê bì nửa mặt, quanh xương hàm hoặc sau tai; Đau đầu, tăng cảm giác về âm thanh của tai bên bệnh; Giảm vị giác ở 2/3 trước lưỡi bên bệnh kèm giảm tiết nước bọt, nước mắt.
Liệt dây thần kinh số 7 cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng cách nếu không sẽ lâu khỏi và gây ra các biến chứng khác nhau.
Bên cạnh những phương pháp điều trị bằng y học hiện đại như sử dụng nhóm thuốc corticoid, vitamin B liều cao, tăng dẫn truyền thần kinh… thì người bệnh sẽ được trị liệu phối kết hợp bằng các phương pháp châm cứu, cứu ngải, xoa bóp - bấm huyệt, thủy châm, cấy chỉ, uống thuốc sắc và giác hơi. Mỗi phương pháp đều được chỉ định linh hoạt phù hợp với mỗi người bệnh và từng giai đoạn bệnh để đạt hiệu quả cao nhất.
Để phòng tránh, nên tập thể dục thể thao mỗi ngày, giúp tăng cường lưu thông khí huyết. Vào mùa nóng, khi đi ngủ, không nên bật quạt hay điều hòa để gió lạnh thổi trực tiếp vào mặt hoặc sau gáy. Cần lưu ý, không tắm muộn, nhất là mùa đông. Tắm xong phải sấy khô tóc mới đi ngủ hoặc đi ra ngoài.