Phòng ngừa tật khúc xạ học đường cần sự đồng hành của gia đình và thầy cô

Tật khúc xạ học đường là một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay ở lứa tuổi học sinh, nhất là trẻ từ 11-15 tuổi, trong đó phổ biến nhất là cận thị.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Đông (Hà Nội), tật khúc xạ là rối loạn thị giác hay gặp nhất, đây là nguyên nhân chủ yếu gây giảm thị lực trên thế giới.

Ở Việt Nam, theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương năm 2017, cả nước có gần 5 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học mắc tật khúc xạ, trong đó số trẻ bị cận thị chiếm tới hơn 40% và tập trung chủ yếu ở thành thị.

Khám mắt cho trẻ em tuổi học sinh tiểu học ở Hà Nội. Ảnh: Minh An

Khám mắt cho trẻ em tuổi học sinh tiểu học ở Hà Nội. Ảnh: Minh An

Có 2 nhóm nguyên nhân chính gây tật khúc xạ là bẩm sinh và mắc phải. Nguyên nhân bẩm sinh thường gặp là yếu tố di truyền, yếu tố gia đình... Nguyên nhân mắc phải thường do quá trình học tập, làm việc và các thói quen không hợp lý như tư thế ngồi sai, điều kiện ánh sáng, bàn ghế không phù hợp, thói quen đọc sách, chơi điện tử, xem tivi, sử dụng máy vi tính không hợp lý… Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng điều tiết của mắt, làm cho thị lực giảm dần.

Khi thấy trẻ kêu nhức mắt, mỏi mắt, nhức đầu, học sinh phản ánh việc khó nhìn, khó theo dõi thông tin trên bảng viết, thầy cô nên kịp thời phản ánh với cha mẹ, còn phụ huynh nên cho trẻ đi khám mắt ở các cơ sở chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt để phát hiện sớm bệnh, tránh không làm tăng độ tật khúc xạ.

Các loại tật khúc xạ thường gặp ở trẻ em như cận thị, viễn thị, loạn thị, song thị và nhược thị.

Trong các triệu chứng thường gặp của tật khúc xạ, mờ mắt là dấu hiệu phổ biến nhất. Một số dấu hiệu và triệu chứng thông thường có thể gồm: nhìn đôi, tầm nhìn bị mờ, tầm nhìn bị chói hoặc bị quầng sáng, nhứt đầu, mỏi mắt…

Hiện nay, nhiều phương pháp điều trị tật khúc xạ ở trẻ em như: Chỉnh tật khúc xạ bằng kính gọng và kính tiếp xúc; Chỉnh giác mạc bằng kính tiếp xúc có thấm khí; tập mắt nhằm giảm điều tiết trong cận thị giả và một số phương pháp dùng thuốc hỗ trợ; phẫu thuật.

Để phòng tránh tật khúc xạ tuổi học đường, cần phải có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa. Khi đọc sách hoặc làm công việc đòi hỏi phải nhìn gần và tập trung cao thì cứ sau 45 phút cần cho mắt nghỉ ngơi. Khi nghỉ cần đứng lên đi lại và nhìn ra xa khoảng 6m.

Khoảng cách đọc sách cần phù hợp. Khoảng cách lý tưởng để đọc sách cách từ mắt đến sách vở là 25cm với cấp tiểu học, 30cm với cấp trung học cơ sở và 35cm với học sinh trung học phổ thông. Ngồi ngay ngắn, giữ cho lưng thẳng và thư giãn khi đọc sách hoặc dùng máy tính, đầu hơi cúi khoảng 10-15 độ. Cột sống luôn ở tư thế thẳng đứng và vuông góc với mặt ghế ngồi, hai chân thoải mái, hai tay phải đặt đúng điểm tựa quy định.

Phòng học đủ ánh sáng, bàn ghế đúng tiêu chuẩn theo từng cấp học, đèn để phía đối diện với tay cầm bút. Không đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng, khi đi tàu xe, khi nằm, không đọc sách in chữ quá nhỏ, in trên giấy vàng, giấy đen hoặc giấy quá trắng, quá bóng. Chữ viết trên bảng và trong tập vở phải rõ nét.

Trẻ cần hạn chế thời gian xem tivi và các trò chơi điện tử, điện thoại, máy tính bảng… Ngồi cách tivi khoảng cách bằng 7 lần chiều rộng của màn hình. Tích cực tham gia các hoạt động ngoài trời giúp cho mắt nhìn xa và mắt được thư giãn.

Cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt, ngủ đủ từ 8-10 tiếng một ngày; ăn nhiều rau xanh, trái cây đảm bảo đủ các loại vitamin cho cơ thể. Cho trẻ đi khám kiểm tra mắt mỗi 6 tháng/lần tại cơ sở y tế có chuyên khoa mắt hoặc ngay khi có các biểu hiện nghi ngờ như mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát tập vở, viết hoặc đọc nhầm nhiều… để kịp thời phát hiện và điều chỉnh tật khúc xạ.

Về tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học, Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra chỉ tiêu 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; được giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn.

Cũng trong Chương trình, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về vệ sinh trường học; tiêu chuẩn bàn ghế học sinh; danh mục trang thiết bị, thuốc thiết yếu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học; hỗ trợ chuyên môn cho công tác chăm sóc sức khỏe học sinh... Nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế trường học, y tế cơ sở về các vấn đề liên quan đến sức khỏe học đường; xây dựng các tiêu chuẩn về dinh dưỡng đối với bữa ăn học đường.

Minh An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/phong-ngua-tat-khuc-xa-hoc-duong-can-su-dong-hanh-ca-gia-dinh-va-thay-co-2198845.html