Phòng ngừa thiếu vitamin A ở trẻ

Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể cần với số lượng rất nhỏ, nhưng có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe. Thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu tới sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ. Một trong những vi chất quan trọng và thường hay bị thiếu nhất ở trẻ là vitamin A.

Vitamin A có 2 loại 100.000 IU và 200.000 IU được bác sĩ chỉ định uống tùy theo độ tuổi.

Vitamin A có 2 loại 100.000 IU và 200.000 IU được bác sĩ chỉ định uống tùy theo độ tuổi.

Vitamin A tham gia vào quá trình phân chia tế bào giúp trẻ tăng trưởng khỏe mạnh và phát triển bình thường. Thiếu vitamin A trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc. Vitamin A còn có vai trò bảo vệ các biểu mô như giác mạc mắt, biểu mô da, niêm mạc khí quản, ruột non và các tuyến bài tiết. Bên cạnh đó, vitamin A giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Thiếu vitamin A sẽ làm giảm sức đề kháng, khiến trẻ dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng nặng, đặc biệt là sởi, tiêu chảy và viêm đường hô hấp, dẫn tới tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ.

Bác sĩ Nguyễn Thảo Vi, Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, cho biết: “Vitamin A thuộc nhóm vitamin tan trong dầu và có một vai trò quan trọng đối với trẻ nhỏ. Trong 6 tháng đầu đời, vitamin A sẽ được hấp thu chính từ nguồn sữa mẹ, sau đó là từ các loại thực phẩm ăn dặm của bé. Vitamin A có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và bệnh khô mắt, đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ xương, răng, bảo vệ niêm mạc và da, tăng cường sức đề kháng của cơ thể trẻ, chống lại các bệnh nhiễm khuẩn”.

Có 3 nguyên nhân gây thiếu vitamin A thường gặp ở trẻ như chế độ ăn không đủ, không cân đối do thiếu dầu, mỡ. Trẻ em dưới 3 tuổi dễ bị thiếu vitamin A do trẻ đang lớn nhanh cần nhiều vitamin A và chế độ nuôi dưỡng có nhiều thay đổi (giai đoạn ăn bổ sung, cai sữa) nên có nguy cơ cao thiếu vitamin A. Ở trẻ đang bú mẹ thì nguồn vitamin A là sữa mẹ, trong giai đoạn này nếu chế độ ăn của mẹ thiếu vitamin A thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đứa trẻ. Đặc biệt, đối với trẻ không được bú mẹ thì nguy cơ thiếu vitamin A càng cao.

Nguyên nhân được nhắc đến tiếp theo là do trẻ bị các bệnh nhiễm trùng, nhất là bệnh sởi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy và cả nhiễm giun đũa cũng gây thiếu vitamin A. Suy dinh dưỡng ở trẻ thường sẽ kéo theo thiếu vitamin A, vì cơ thể thiếu đạm để chuyển hóa vitamin A. Nhiễm trùng và suy dinh dưỡng làm hạn chế hấp thu, chuyển hóa vitamin A, đồng thời làm tăng nhu cầu sử dụng vitamin A, ngược lại thiếu vitamin A sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng và suy dinh dưỡng. Chính vì vậy sẽ tạo thành một vòng luẩn quẩn làm bệnh thêm trầm trọng, dẫn đến nguy cơ tử vong.

Việc thiếu Vitamin A sẽ dễ gây khô mắt, nhuyễn giác mạc dẫn đến hậu quả sẹo giác mạc và mù vĩnh viễn. Gây thoái hóa, sừng hóa các tế bào biểu mô, giảm chức năng bảo vệ cơ thể. Giảm khả năng miễn dịch, tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở trẻ em. Trẻ chậm lớn, thiếu vitamin A sớm ảnh hưởng tới phát triển trí tuệ của trẻ khi đến tuổi đi học.

Ngăn chặn tình trạng thiếu vitamin A ở trẻ dưới 5 tuổi, hằng năm Bộ Y tế đều tổ chức chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao cho các đối tượng này, mỗi năm có 2 đợt. Đợt 1 vào Ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2/6) và đợt 2 vào ngày 1-2/12. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hằng năm có gần 1 triệu trẻ dưới 5 tuổi được cải thiện tình trạng thiếu vitamin A nhờ hoạt động bổ sung vitamin A. Các chiến dịch bổ sung vitamin A cũng đã giúp cho Việt Nam thanh toán được bệnh mù lòa do thiếu vitamin A vào năm 2000, đó là một thành tựu hết sức to lớn.

Trẻ được uống vitamin A đợt 1 tại Trạm Y tế xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Trẻ được uống vitamin A đợt 1 tại Trạm Y tế xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Tuy nhiên, bổ sung vitamin A liều cao là giải pháp ngắn hạn giúp phòng thiếu vitamin A ở trẻ dưới 5 tuổi. Để cải thiện tình trạng thiếu vitamin A ở trẻ một cách lâu dài và bền vững thì đa dạng hóa bữa ăn của trẻ là giải pháp tốt nhất. Trong các bữa ăn hằng ngày của trẻ, các bậc phụ huynh cần sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm.

“Các bậc phụ huynh có thể bổ sung vitamin A cho trẻ bằng các loại thức ăn có nguồn gốc động vật như gan, thịt và trứng. Các thức ăn nguồn gốc thực vật có nhiều tiền vitamin A (caroten) như các loại củ, quả có màu vàng, đỏ; các loại rau màu xanh sẫm, dầu cọ và các loại dầu ăn khác. Phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú cần ăn đủ chất, chú ý ăn các thức ăn giàu vitamin A, caroten, đạm, dầu mỡ”, Bác sĩ Nguyễn Thảo Vi thông tin thêm./.

Mai Thanh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/phong-ngua-thieu-vitamin-a-o-tre-a33540.html