Phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng
Khi thảo luận về báo cáo công tác Dân nguyện tháng 1/2025, nhiều ý kiến đã đặt vấn đề đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng đang diễn biến phức tạp, gây bất an trong xã hội. Bên cạnh đó việc phòng ngừa phải được đặt lên hàng đầu.
![Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ báo cáo về tội phạm trên không gian mạng trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Việt Thắng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_113_51435535/220145497e079759ce16.jpg)
Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ báo cáo về tội phạm trên không gian mạng trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Việt Thắng.
Vừa qua, Công an tỉnh Bắc Ninh đã triệt phá nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao, mạo danh cán bộ các cơ quan nhà nước gọi điện thoại hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục liên quan dịch vụ công trực tuyến để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 13.000 người dân trên cả nước, với số tiền gần 1.000 tỷ đồng; Công an TP Đà Nẵng đã triệt phá đường dây lừa đảo quốc tế thông qua các app đầu tư, app tình yêu với số tiền chiếm đoạt lên đến 1.800 tỷ đồng của khoảng 800 nạn nhân chỉ trong khoảng 5 tháng. Vấn đề trên đã được nhân dân đồng tình và ủng hộ rất cao.
Theo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, trong thời gian vừa qua, đặc biệt là dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng.
Về thủ đoạn, ông Tuyên cho biết, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng công nghệ giả mạo hình ảnh, giọng nói người dùng; tạo lập các ứng dụng giả mạo chứa mã độc để tấn công, truy cập trái phép ứng dụng chuyến tiền trên điện thoại; giả danh cơ quan thực thi pháp luật, nhân viên các nhà mạng, ngân hàng để đánh cắp thông tin, tài khoản ngân hàng hoặc vô hiệu hóa tài khoản để lừa nạn nhân cung câp thông tin khôi phục. Trong thời gian trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, một số đối tượng còn sử dụng thủ đoạn lừa đảo bán vé máy bay, bán các chuyến du lịch giá rẻ nhằm chiếm đoạt số tiền đặt cọc của người dân.
Trước vấn đề tội phạm trên không gian mạng, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho rằng, với công nghệ cao, thủ đoạn, và đặc tính như hiện nay thì bên cạnh công tác nghiệp vụ thuộc trách nhiệm của ngành Công an, cần quan tâm tới phòng ngừa xã hội là của cả hệ thống chính trị. Do đó cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác.
Liên quan đến yếu tố phòng ngừa xã hội, từ kinh nghiệm đấu tranh thực tế, Đại tá Phạm Trường Dân, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng, hiện nay tội phạm mạng ngày càng manh động, lừa đảo gây thiệt hại cho người dân và xã hội rất lớn. Vừa qua những vụ án được lực lượng Công an triệt phá đã cho thấy mức lo ngại về tính chất, quy mô khi số người bị lừa và số thiệt hại là rất lớn.
Điều đáng nói theo ông Dân, mặc dù thời gian qua vấn đề này đã được Bộ Công an tuyên truyền, khuyến cáo, vận động, kể cả tuyên truyền trên mạng xã hội để người dân đề cao cảnh giác nhưng thực tế nhiều người vẫn bị lừa đảo.
Do đó, theo ông Dân, cần đẩy mạnh tuyên truyền để phòng ngừa ngay tại cơ sở thông qua quản lý xã hội tại cơ sở tới từng thôn, xóm, tổ dân phố, xã phường để mỗi người dân đề cao cảnh giác, quản lý tài sản, tiền của mình trong tài sản ngân hàng. “Chỉ làm theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, và các cơ quan quản lý nhà nước”-ông Dân nói.
Ông Dân cũng cho rằng, hiện nay đang sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, bộ máy đang hướng tới tăng cường cho cơ sở khi tới đây sẽ bỏ công an cấp huyện để tập trung cho cơ sở. Do đó phải tăng cường quản lý xã hội ngay từ cơ sở, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền và nắm tình hình cơ sở.
Ông Trần Ngọc Vinh, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, đầu tiên cần quan tâm tới công tác phòng ngừa bằng việc tăng cường tuyên truyền để mọi người dân biết và phòng ngừa về các thủ đoạn lừa đảo. Thứ hai, đối với các vụ lừa đảo xảy ra thì tăng cường điều tra xét xử thật nghiêm minh, làm một vụ để cảnh tỉnh, răn đe cả một lĩnh vực. Thứ ba, cần quan tâm sửa đổi một số luật về hình sự, dân sự, kinh tế, trong đó nâng cao chế tài xử phạt. “Như vừa qua Nghị định 168 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe đã cho thấy sự nghiêm minh và tác dụng đem lại rất lớn đối với xã hội”-ông Vinh nói.
Để tiếp tục phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho hay, Bộ Công an đề nghị người dân thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tội phạm; nâng cao ý thức cảnh giác, tự quản, tự phòng, tự đề kháng để phòng ngừa tội phạm; thận trọng, cảnh giác khi nhận các cuộc gọi mà người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, yêu cầu điều tra, giải quyết vụ án qua điện thoại; không chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ người nào nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó; thận trọng, rà súat và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch điện tử, giao dịch trực tuyến.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/phong-ngua-toi-pham-tren-khong-gian-mang-10299598.html