Phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở bình đẳng giới
Phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Lao động - TB&XH, về kết quả công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở sở giới.
Ông có thể chia sẻ với bạn đọc Báo Thái Nguyên về thực trạng bạo lực trên cơ sở giới còn tồn tại trong những năm gần đây?
Những năm gần đây, thực trạng bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn tồn tại. Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh là đơn vị trực tổng đài 1800 8080 đảm bảo hoạt động tư vấn, cung cấp, thu thập thông tin, kết nối dịch vụ có hiệu quả đối với tất cả các cuộc gọi có nhu cầu cần can thiệp, trợ giúp.
Trong năm 2022, Trung tâm đã tiếp nhận 3.430 cuộc gọi đến, trong đó có gần 50 cuộc tư vấn liên quan đến các vấn đề của phụ nữ, trẻ em; thực hiện theo dõi, quản lý 4 ca; tiếp nhận 7 trường hợp hỗ trợ khẩn cấp tại cộng đồng.
Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trên cơ giới vẫn còn tồn tại là do: Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm tới công tác bình đẳng giới một cách thực chất. Cán bộ làm công tác bình đẳng giới các cấp phải kiêm nhiệm nhiều việc, chưa dành thời gian cập nhật kiến thức, nội dung trong giai đoạn mới, chưa có kiến thức chuyên sâu về bình đẳng giới trong các lĩnh vực.
Tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân và tâm lý tự ti, an phận của phụ nữ tiếp tục là một rào cản ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến bạo lực gia đình là do các tệ nạn xã hội mà người chồng hoặc vợ mắc phải, như nghiện rượu, sa vào cờ bạc, con cái vi phạm pháp luật.
Khó khăn trong phòng, chống bạo lực gia đình là gì, thưa ông?
Trước hết, về nhận thức và thái độ của người dân và cán bộ; nhận thức chưa rõ của nhân dân về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, coi đó là hành vi không vi phạm pháp luật, chuyện riêng của gia đình; nhận thức của người dân về bạo lực gia đình còn khác nhau theo điều kiện kinh tế - xã hội.
Thứ hai do chưa nắm rõ các quy định về hòa giải, nên nhiều cán bộ cơ sở thiên về hòa giải hơn thay cho việc phải xử lý các vụ bạo lực gia đình. Tiếp theo là việc nhiều nạn nhân bạo lực gia đình, trong đó có nhiều phụ nữ ngại tìm đến sự trợ giúp.
Ông có thể nói về hệ lụy để lại cho người bị bạo lực và xã hội?
Bạo lực gia đình gây tổn hại về sức khỏe, thể chất, gây tổn thương về tâm lý, tinh thần của người bị bạo lực. Bạo lực gia đình cũng gây ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ, gây tan vỡ gia đình.
Đối với xã hội, bạo lực gia đình làm rối loạn trật tự, an toàn xã hội, làm giảm khả năng lao động, giảm thu nhập bình quân của mỗi cá nhân, tạo ra lực lượng lao động có năng lực kém, tinh thần yếu,… Ngoài ra, sự hiện diện của bạo lực gia đình sẽ kìm hãm xã hội phát triển văn minh và hiện đại.
Theo ông, giải pháp cơ bản nào có thể hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, trong đó có bạo lực gia đình?
Để công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, trong đó có phòng, chống bạo lực gia đình tiếp tục đạt được hiệu quả cao hơn nữa rất cần sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể. Bên cạnh đó cần rà soát các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, đề xuất các hình thức xử phạt hợp lý, khả thi do một số hành vi quy định hiện hành có mức phạt quá thấp, không đủ sức răn đe.
Các đơn vị chức năng cần tuyên truyền sâu rộng, thiết thực để cộng đồng hiểu rằng bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật chứ không là vấn đề của riêng gia đình...
Xin cảm ơn ông!