Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hợp đồng đối tác công tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng

Sáng 04/7, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB) tổ chức Hội thảo Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hợp đồng đối tác công tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng: Kinh nghiệm Việt Nam, Thực tiễn quốc tế và Định hướng chính sách.

Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện các Ban quản lý dự án cấp tỉnh, thành phố, UBND cấp tỉnh, thành phố, Ban quản lý dự án thuộc các bộ, ban, ngành cùng các doanh nghiệp đang quan tâm đến hình thức đối tác công – tư, các Cty xây dựng tham gia vào quá trình cơ cấu nên mô hình tài chính của dự án PPP về kết cấu hạ tầng.

Tại buổi lễ, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh nỗ lực của VCCI, với tư cách là tổ chức đại diện cho tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp, tham gia tích cực vào quá trình góp ý chính sách, xây dựng pháp luật, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập sâu rộng của nền kinh tế đất nước. Việc VCCI cùng với VIAC, hợp tác cùng KCAB để tổ chức ra Hội thảo chuyên sâu về lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại và phòng ngừa leo thang thành các vụ kiện nhà đầu tư – nhà nước trong phát sinh từ hoạt động đầu tư công theo hình thức đối tác công tư (PPP) đang được xã hội rất quan tâm hiện nay chính là cụ thể hóa nỗ lực và hướng đi của VCCI.

Đặc biệt, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh do đó nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục cần nhiều nguồn lực trong thời gian tới và mô hình hợp tác công tư được đánh giá là nguồn thu hút vốn đầu tư từ xã hội vào phát triển cơ sở hạ tầng.

Ông Le Ho Won - Chủ tịch KCAB cũng đã có bài phát biểu chào mừng các đại biểu tới tham dự Hội thảo. Ông Lee khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa KCAB và VIAC và mục tiêu chung của cả hai khi tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện chuyên môn phục vụ không chỉ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc mà còn các nhà đầu tư nước ngoài đang và sẽ tìm tới Việt Nam như là một điểm đến đầu tư khả thi và ổn định.

Hội thảo bao gồm hai phiên, phiên thảo luận 1: Một số thông tin về khuôn khổ pháp lý và triển vọng của mô hình PPP kết cấu hạ tầng tại Việt Nam và một số chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc; Phiên thảo luận 2 về: Giải quyết tranh chấp hợp đồng và Phòng ngừa tranh chấp đầu tư tại các dự án PPP kết cấu hạ tầng bằng trọng tài thương mại và hòa giải thương mại.

Tại phiên thảo luận 1 được điều phối bởi ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI, bà Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã trình bày gắn gọn về nội dung của Dự thảo hiện tại và quan điểm xây dựng một khuôn khổ đảm bảo hoạt động hợp tác công tư sẽ được diễn ra minh bạch, công bằng. Đồng thời đảm bảo vai trò giám sát tài sản công của Nhà nước nhưng cũng tôn trọng đầy đủ các quyền lợi của nhà đầu tư tư nhân trong mối quan hệ đối tác. Được biết, hiện Dự thảo đã đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch Đầu tư để lấy ý kiến góp ý để tiếp tục được chỉnh sửa và tin tưởng rằng Luật Đầu tư công theo hình thức đối tác công -tư sẽ giúp tăng niềm tin và thu hút nhiều nguồn lực của xã hội vào các dịch vụ công trong đó có việc phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước.

Tiếp sau đó, ông Phạm Duy Nghĩa – Giám đốc Chương trình Thạc sỹ Quản lý công – Đại học Fulbright Việt Nam đã trình bày về khái quát về bản chất mối quan hệ công – tư trong mô hình hợp tác này; một số yếu tố tiềm ẩn rủi ro cho cả phía Nhà nước và cả phía nhà đầu tư. Ông Nghĩa cũng nêu ra các phương thức mà luật pháp cũng như các Hiệp định bảo hộ đầu tư, Hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia đã cung cấp cho khối tư nhân để bảo vệ khoản đầu tư của mình khi có tranh chấp. Trong đó, nhấn mạnh những ưu điểm của các phương thức dân sự/thương mại và phương thức đối thoại (hòa giải), giúp giảm thiểu căng thẳng; tránh nguy cơ tạo ra các vụ kiện Chính phủ.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam tiếp tục điều phối phiên 2: Giải quyết tranh chấp hợp đồng và Phòng ngừa tranh chấp đầu tư tại các dự án PPP kết cấu hạ tầng bằng trọng tài thương mại và hòa giải thương mại. Phiên 2 bắt đầu bằng bài trình bày của ông Đỗ Trọng Hải - Luật sư điều hành Cty Luật TNHH Bizlink, Trọng tài viên VIAC đưa ra các thông tin cụ thể hơn về một số loại tranh chấp điển hình có thể phát sinh trong mô hình tài chính của một dự án PPP trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng. Các đặc điểm, tính chất của các tranh chấp này cũng được nêu ra và đặc biệt nhấn mạnh phương thức giải quyết thông qua hòa giải thương mại – được đánh giá là phương án tốt nhất cho các tranh chấp giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong mối quan hệ đối tác công – tư tại Việt Nam hiện nay.

Tiếp sau đó, ông Phan Trọng Đạt - Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam, thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã có bài phân tích nối tiếp; chỉ ra những ưu điểm của việc sử dụng phương án trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại cho các tranh chấp trong mô hình PPP giữa nhà đầu tư (khối tư nhân) và Nhà nước. Phiên thảo luận khá đồng tình về tính ưu việt của hòa giải thương mại tại Việt Nam và cho rằng Chính phủ cũng đang tiếp cận theo hướng nỗ lực xử lý ngay, dứt điểm các tranh chấp phát sinh ở cấp độ hợp đồng (dân sự/thương mại) và xử lý tranh chấp thông qua đối thoại; tránh nguy cơ leo thang thành tranh chấp đầu tư; tạo môi trường kinh doanh ổn định.

Hội thảo sẽ tiếp tục được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 5/7 và hứa hẹn sẽ mang đến một cái nhìn mới hơn, thực tiễn hơn với đội ngũ diễn giả có nhiều gương mặt mới.

Khánh Diệp – Việt Khoa

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/phong-ngua-va-giai-quyet-tranh-chap-hop-dong-doi-tac-cong-tu-trong-linh-vuc-ket-cau-ha-tang.html