Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nam Nô ghi danh Di sản Thế giới liên biên giới, khẳng định mối quan hệ gắn bó Việt - Lào

Việc 'Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô' trở thành Di sản thế giới liên biên giới đầu tiên của Việt Nam và Lào thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa 2 nước.

Từ di sản thiên nhiên đến di sản hữu nghị

Theo đó, tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) ở Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp đã thông qua Quyết định phê duyệt việc điều chỉnh ranh giới đáng kể của Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị, Việt Nam), bao gồm Vườn quốc gia Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn, Lào), với tên gọi: “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô” trong danh sách Di sản Thế giới.

Tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới, Đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do TS. KTS. Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng dẫn đầu.

Tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới, Đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do TS. KTS. Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng dẫn đầu.

Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban Di sản quốc gia của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào vui mừng bày tỏ: “Hôm nay đánh dấu một ngày có ý nghĩa và khoảnh khắc tự hào của Chính phủ Lào và toàn thể xã hội Lào, khi Vườn Quốc gia Hin Nam Nô đã được chính thức ghi danh như một phần mở rộng của Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng Di sản Thế giới tại Việt Nam; đồng thời khẳng định Chính phủ Lào sẽ tiếp tục hợp tác với đối tác Việt Nam để tăng cường hợp tác ở tất cả các cấp độ xã hội, với trọng tâm là tăng cường sự tham gia có tính tham vấn và bao trùm của các cộng đồng địa phương trong việc quản lý di sản thế giới quý báu này”.

Phát biểu tại Kỳ họp lần thứ 47, TS.KTS. Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, ngày hôm qua, lãnh đạo Bộ văn hóa hai nước Việt Nam và Lào đã có buổi thảo luận thân tình để trao đổi về định hướng hợp tác quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô tốt hơn trong thời gian tới.

“Sự kiện “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô” trở thành Di sản thế giới liên biên giới đầu tiên của Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào cho thấy tầm quan trọng của hợp tác trên toàn cầu thông qua việc đề cử di sản chung, đóng góp vào việc thúc đẩy hòa bình và an ninh theo quan điểm của UNESCO, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa 2 nước”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Thứ trưởng bày tỏ mong muốn mời các đại biểu đến tham quan Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô, hỗ trợ cho Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào kinh nghiệm quản lý đối với Di sản thế giới liên biên giới đầu tiên này.

Di sản Thiên nhiên Thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng (Ảnh: Ko Hon Chiu Vincent)

Di sản Thiên nhiên Thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng (Ảnh: Ko Hon Chiu Vincent)

Tính đến nay, Việt Nam đã có 9 Di sản thế giới, trong đó có 2 Di sản thế giới liên tỉnh là Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà (tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) và Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc (tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và TP Hải Phòng), cùng với Di sản thế giới liên biên giới đầu tiên Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị - Việt Nam) và Vườn quốc gia Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn - Lào). Việc di sản được UNESCO công nhận là hình mẫu trong quản lý di sản thế giới liên biên giới đầu tiên để Việt Nam đóng góp kinh nghiệm thực tiễn vào công tác quản lý di sản thế giới theo Công ước 1972 về Bảo vệ Di sản văn hóa và Thiên nhiên Thế giới của UNESCO.

Việc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới được xem là biểu tượng quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực di sản văn hóa, qua đó góp phần tăng cường, củng cố hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, bền chặt giữa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.

PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Trưởng nhóm chuyên gia của Việt Nam tham gia Ủy ban Di sản thế giới, cho biết, để có được thành công hôm nay là nhờ sự chỉ đạo sát sao, quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng và các cơ quan chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong những năm qua, đã tích cực phối hợp chặt chẽ với Lào hoàn thiện hồ sơ đề cử để đề nghị UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới.

Quang cảnh nhìn từ trong hang Xe Bang Fai, Vườn Quốc gia Hin Nam Nô, Lào (Ảnh: GIZ ProFEB)

Quang cảnh nhìn từ trong hang Xe Bang Fai, Vườn Quốc gia Hin Nam Nô, Lào (Ảnh: GIZ ProFEB)

“Trong thời gian tới, để quản lý tốt Di sản thế giới liên biên giới giữa hai quốc gia Việt Nam và Lào, hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học và xác lập các phương pháp hoạt động để có thể đối phó với những nguy cơ tác động tới di sản; đánh giá sức tải du lịch phù hợp với khả năng và sức tải về sinh thái tài nguyên trong tổng thể Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô. Đặc biệt, phía Việt Nam có thể hỗ trợ phía bạn Lào nâng cao năng lực xây dựng quy định pháp luật trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các Di sản thế giới nói chung, Vườn quốc gia Hin Nam Nô nói riêng”, Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

Hành trình chung tay vì Phong Nha - Hin Nam Nô

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt năm 2009. Ngày 3/7/ 2003, tại Kỳ họp lần thứ 27 của Ủy ban Di sản Thế giới, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới lần thứ nhất và ngày 3 /7/ 2015. Tại Kỳ họp lần thứ 39 của Ủy ban Di sản Thế giới, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận lần thứ hai, với diện tích vùng lõi là 123.326 ha và vùng đệm là 220.055 ha. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có chung ranh giới tự nhiên với Vườn quốc gia Hin Nam Nô của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Hồ sơ Vườn quốc gia Hin Nam Nô đề cử UNESCO công nhận là phần mở rộng của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được Chính phủ Lào và Việt Nam thống nhất gửi tới UNESCO tháng 2/2024, để được Ủy ban Di sản Thế giới xét duyệt tại Kỳ họp lần này.

Phong cảnh Phu Cheuang nhìn từ khu vực làng Nong Bua, Vườn Quốc gia Hin Nam Nô (Ảnh: Jean-Michel Osterman)

Phong cảnh Phu Cheuang nhìn từ khu vực làng Nong Bua, Vườn Quốc gia Hin Nam Nô (Ảnh: Jean-Michel Osterman)

Qua quá trình thẩm định, Cơ quan tư vấn của UNESCO là Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã trình Quyết định lên Ủy ban Di sản Thế giới tại Kỳ họp lần thứ 47 để phê duyệt việc điều chỉnh ranh giới của Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) mở rộng sang Vườn quốc gia Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn, Lào), với tên gọi: “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô” theo các tiêu chí về địa chất, địa mạo, hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô là một trong những cảnh quan karst đá vôi và hệ sinh thái nổi bật và nguyên vẹn nhất trên thế giới. Nằm tại điểm giao thoa của Dãy núi Annam và Vành đai Đá vôi Trung Đông Dương, bắc qua biên giới Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Sự hình thành karst đã phát triển từ thời kỳ Paleozoic khoảng 400 triệu năm trước và có thể được coi là khu vực karst quy mô lớn, lâu đời nhất ở châu Á.

Sự đa dạng của các hệ sinh thái được tìm thấy trong cảnh quan phức tạp này bao gồm rừng karst khô ở độ cao lớn, rừng ẩm ướt và rậm rạp ở độ cao thấp, và các môi trường hang động ngầm rộng lớn. Trong số các cấu trúc ngầm này có hơn 220 km hang động và hệ thống sông ngầm được ghi nhận có ý nghĩa toàn cầu. Sự đa dạng sinh học độc đáo với một số loài đặc hữu sinh sống trong các hệ sinh thái phổ tạp nhiệt đới cũng tạo nên các giá trị đặc biệt, có ý nghĩa toàn cầu.

Việc quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô được đề xuất tại 2 bản Kế hoạch quản lý riêng biệt (Kế hoạch quản lý Vườn quốc gia Hin Nam Nô và Kế hoạch quản lý Chiến lược Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng). Việc quản lý chung Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô đã được các địa phương của hai nước Việt Nam và Lào ký kết từ nhiều năm qua, trong đó đưa ra những hoạt động chung về việc thực thi pháp luật và phát triển kế hoạch hành động nhằm bảo vệ các giá trị của di sản.

Voọc chà vá chân đỏ (Pygathrix nemaeus) và con non tại Laboi, Vườn Quốc gia Hin Nam Nô, (Ảnh: Ban Quản lý Vườn Quốc gia Hin Nam Nô)

Voọc chà vá chân đỏ (Pygathrix nemaeus) và con non tại Laboi, Vườn Quốc gia Hin Nam Nô, (Ảnh: Ban Quản lý Vườn Quốc gia Hin Nam Nô)

Quá trình phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam với Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào trong công tác nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề cử từ năm 2018 đến nay, được đẩy mạnh sau khi Chính phủ hai nước thống nhất chủ trương (vào đầu năm 2023) về việc xây dựng hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Hin Nam Nô (Lào) là Di sản Thế giới liên biên giới với Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Việt Nam).

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có các buổi làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Suanesavanh Vignaket để triển khai các nội dung: Thống nhất kế hoạch xây dựng hồ sơ đề cử, giao cơ quan chuyên môn của hai bên là Cục Di sản văn hóa của Việt Nam trực tiếp phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ Cục Di sản văn hóa Lào trong toàn bộ quá trình xây dựng hồ sơ, cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình (nay là tỉnh Quảng Trị), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các cơ quan liên quan để xây dựng hồ sơ.

Hai bên cũng đã Ký Biên bản ghi nhớ ngày 10/1/2018 về việc hỗ trợ Lào đưa Vườn quốc gia Hin Nam Nô trở thành Di sản thiên nhiên thế giới; thành lập nhóm công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ nước bạn Lào xây dựng hồ sơ Hin Nam Nô trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới; góp ý hồ sơ Báo cáo tóm tắt Vườn quốc gia Hin Nam Nô để đề nghị UNESCO đưa vào Danh mục Dự kiến lập hồ sơ đề cử.

Cùng với đó cung cấp tài liệu, hồ sơ Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng để phía bạn Lào nghiên cứu, đưa vào hồ sơ đề cử; cử các đoàn cán bộ chuyên môn và chuyên gia của Việt Nam tham gia các cuộc hội thảo, làm việc về việc xây dựng hồ sơ đề cử di sản; tổ chức các hội nghị theo hình thức trực tiếp và trực tuyến trao đổi với phía bạn Lào để hoàn thiện hồ sơ đề cử, thống nhất gửi tới UNESCO vào tháng 2/2024.

Hồng Phượng/ Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/phong-nha-ke-bang-va-hin-nam-no-ghi-danh-di-san-the-gioi-lien-bien-gioi-khang-dinh-moi-quan-he-gan-bo-viet-lao-20250713220159165.htm