Phóng sinh động vật hoang dã là thiện hay ác?

Phóng sinh là một việc làm tốt, góp phần bảo vệ động vật, tạo cho môi trường sống thêm phần đa dạng, phong phú nhưng đó phải là phóng sinh đúng, không tiếp tay cho người khác giết hại động vật.

Nhận thức về việc phóng sinh dần thay đổi

Tết Nguyên Tiêu, hay còn gọi là Rằm tháng Giêng, không chỉ là dịp lễ đánh dấu đêm Rằm đầu tiên của Năm mới âm lịch mà còn là thời khắc linh thiêng để con người hướng về cội nguồn và tìm kiếm sự an lành, may mắn cho cả năm.

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, câu nói "Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng" như một lời khẳng định về giá trị đặc biệt của ngày Tết Nguyên tiêu. Tết Nguyên tiêu nghĩa là đêm Rằm đầu tiên của Năm mới, "Nguyên" nghĩa là thứ nhất, "tiêu" nghĩa là đêm. Rằm tháng Giêng được tính từ giữa đêm 14 (đêm trước Trăng rằm) đến hết ngày 15 (đêm Trăng rằm) của tháng Giêng âm lịch.

Một trong những việc người dân thường làm vào Rằm tháng Giêng là phóng sinh. Theo đó, người dân sẽ mua cá, ốc, tôm, rùa... để phóng sinh, thả xuống các ao hồ xung quanh khu vực mình sinh sống.

Nhận thức về việc phóng sinh đang dần thay đổi, góp phần bảo vệ môi trường và các loài hoang dã.

Nhận thức về việc phóng sinh đang dần thay đổi, góp phần bảo vệ môi trường và các loài hoang dã.

Những năm trước, gần đến ngày Rằm tháng Giêng, hoạt động phóng sinh ở các chùa rất tấp nập. Năm nay, tại nhiều đền, chùa lớn ở Hà Nội, trong khi người dân tấp nập đi lễ, khách du lịch nhộn nhịp ghé thăm, các mặt hàng phóng sinh không thu hút được nhiều sự quan tâm.

Chị Hương, chủ một quầy bán đồ phóng sinh tại chùa Trấn Quốc cho biết, như mọi năm chị cũng bày bán một số mặt hàng phục vụ người dân phóng sinh, tuy nhiên năm nay số lượng người mua giảm hẳn. Năm nay, mãi cho đến ngày 13 tháng Giêng, tuy có rất đông người dân đi cúng lễ nhưng chị chưa bán được gì.

Theo TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ UIA, những năm gần đây, các thông tin về phóng sinh được nói đến nhiều đã tác động đến nhận thức và hành động của người dân. Dần dần, người ta hiểu ra rằng phóng sinh không phải là ra chợ mua về thả xuống ao, hồ mà phải được thực hiện đúng.

Để phóng sinh đúng, thì trước tiên cần làm theo hình thức tùy duyên (đồng cảm), không cần phải theo thời gian cố định (lễ, tết, rằm…). Khi gặp sinh vật đang bị nhốt, bị bán…, mà bản thân đồng cảm với sự thống khổ của nó thì ta tìm cách phóng sinh nó, cho nó thêm cơ hội sống. Luôn nghĩ đúng là phóng sinh chỉ làm việc tạo phước đức cho chính sinh vật đó, cho nó được sống lâu hơn mà thôi, chớ không đem lại lợi ích gì cho mình…

Đối với thả động vật, thì phải thả đúng với môi trường sống của chúng, đúng với quy định của pháp luật. Đối với những loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm được pháp luật quy định thì phải thông báo với cơ quan chức năng về cứu hộ động vật và nhờ họ chăm sóc cứu hộ trước khi thả về môi trường tự nhiên.

Việc mua bán động vật rừng để phóng sinh là vi phạm pháp luật trong bảo vệ động vật rừng nguy cấp quý hiếm. Ngoài ra việc mua bán động vật rừng còn kích thích việc săn bắn, bẫy bắt ngày càng rầm rộ (đó là hành động tiếp tay cho tội phạm).

Không nên mua cá, gà, cua, ốc, ếch, lươn… ở chợ để phóng sinh, bởi vì các loài động vật này đa phần được con người nuôi với mục đích cung cấp protein cho cơ thể. Chúng được chăm sóc, nuôi nhốt theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, khác với sinh sống ngoài tự nhiên. Vì vậy, khi chúng được thả ra tự nhiên sẽ không có khả năng tự kiếm ăn, không có khả năng tìm nơi trú ẩn…, dẫn đến chết (gây ô nhiễm môi trường).

Không tiếp tay cho giết hại động vật

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) mới đây đã phát hành phim ngắn "Phóng sinh động vật hoang dã: Thiện hay Ác?" phác họa quá trình dài mà một cá thể rùa "phóng sinh" phải trải qua, kể từ lúc bị săn bắt khỏi môi trường sống, bị mua đi bán lại nhiều lần và cuối cùng bị đem bày bán ở một nơi xa lạ trước khi bị mua để phóng sinh.

Hành trình luẩn quẩn này chỉ bị chặn lại khi may mắn có một nhà sư đã kịp thời khuyên phật tử tự nguyện giao nộp cá thể rùa cho chính quyền địa phương và không tiếp tục mua rùa để phóng sinh. Nhà sư cũng nhắn nhủ tới cộng đồng rằng phóng sinh rùa không hề mang lại sự bình an và may mắn vì hành động này chỉ kích thích nhu cầu mua bán và khiến cho nhiều cá thể rùa khác bị săn bắt ngoài tự nhiên và buôn bán trái phép.

Phóng sinh động vật hoang dã: Thiện hay Ác?

"Ở nước ta, tình trạng người dân mua bán rùa và các loài động vật hoang dã khác để phóng sinh vào khu vực ao, hồ, hay sông tại các đền, chùa vẫn đang diễn ra phổ biến. Nhiều người quan niệm phóng sinh động vật hoang dã là một hành động tử tế, giúp mang lại may mắn cho bản thân và gia đình mà không nhận ra rằng chính hành động mà họ nghĩ là "thiện lành" đó lại đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn vong của các loài rùa trong tự nhiên và đến các hệ sinh thái của chúng ta." bà Nguyễn Thị Phương Dung - Phó Giám đốc ENV cho biết.

Việt Nam là nơi sinh sống của 26 loài rùa cạn và rùa nước ngọt. Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), 22 trong số đó là loài cực kỳ nguy cấp. Đặc biệt, có 8 loài được pháp luật Việt Nam bảo vệ ở cấp độ cao nhất, nghiêm cấm các hành vi săn bắt và buôn bán vì mục đích Việt Nam là nơi sinh sống của 26 loài rùa cạn và rùa nước ngọt.

"Tình trạng mua rùa phóng sinh đã đặt ra một thách thức lớn đối với các cơ quan thực thi pháp luật trên toàn quốc trong nỗ lực đấu tranh với tình trạng săn bắt và buôn bán rùa trái phép. Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp tích cực của nhiều cơ sở tôn giáo trong công tác tuyên truyền và chuyển giao rùa cho chính quyền địa phương, cũng như ghi nhận sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ rùa thông qua việc thông báo hành vi bán rùa tại các cửa hàng hay trên đường phố," bà Dung chia sẻ.

Tình trạng mua bán rùa để phóng sinh sẽ chỉ kết thúc khi những người dân có ý định mua rùa nhận thức được rằng việc mua rùa có nguồn gốc từ tự nhiên để phóng sinh là không nên và hoàn toàn đi ngược lại với giáo lý của Đạo Phật.

Phóng sinh là một việc làm tốt, không chỉ tạo phúc mà còn góp phần bảo vệ động vật, tạo cho môi trường sống thêm phần đa dạng, phong phú và nhiều sắc màu tươi đẹp hơn. Đây là hành động cần phát huy, nhưng phải là hành động phóng sinh thông minh, hiểu biết môi trường, hiểu biết pháp luật để tránh gây hại cho môi trường, gây hại chính người phóng sinh.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phong-sinh-dong-vat-hoang-da-la-thien-hay-ac-16925021111571007.htm