Phong tỏa tài khoản ngân hàng trong vụ án hình sự: Giải pháp thu hồi tài sản hiệu quả

Những năm qua, các vụ án liên quan đến kinh tế, tham nhũng, tiêu cực hay rửa tiền… phổ biến và gia tăng. Một số đối tượng trước khi bị bắt đã nhanh chóng tẩu tán tài sản một cách tinh vi.

Các bị cáo liên quan đến sai phạm tại Trường đại học Đồng Nai bị đưa ra xét xử và bị phong tỏa tài khoản để đảm bảo thi hành án. Ảnh: T.Tâm

Các bị cáo liên quan đến sai phạm tại Trường đại học Đồng Nai bị đưa ra xét xử và bị phong tỏa tài khoản để đảm bảo thi hành án. Ảnh: T.Tâm

Do đó, việc phong tỏa tài khoản ngân hàng trong các vụ án hình sự đang là biện pháp quan trọng giúp các cơ quan tố tụng đảm bảo công tác thi hành án, tăng khả năng thu hồi tài sản cho Nhà nước cũng như cho bị hại trong vụ án.

Ngăn tẩu tán tài sản trong các vụ án hình sự

Thực tế, một số vụ án có người bị hại đông nên việc kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng là điều rất quan trọng. Đơn cử như vụ án liên quan đến sai phạm tại Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn (trụ sở tại thành phố Biên Hòa), bị cáo Hồ Đình Thái Hòa (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Phát triển giáo dục và dạy nghề 3T, trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh và nguyên Giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn) ngoài bị xử phạt mức án nghiêm khắc, còn bị kê biên nhiều tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng. Cơ quan chức năng đã phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch đối với tài khoản Công ty TNHH Phát triển giáo dục và dạy nghề 3T (bị cáo Hòa có vốn góp 55%; đồng thời, kê biên tài sản như: 6 thửa đất, phần vốn góp của bị cáo tại Công ty TNHH Phát triển giáo dục và dạy nghề 3T. Ngoài ra, các bị cáo trong vụ án cũng bị phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án.

Nội dung vụ án xác định, Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn mặc dù không đủ điều kiện, tiêu chuẩn chuyên môn kỹ thuật nhưng bị cáo Hòa đã nhờ vả, chỉ đạo các bị cáo nguyên là lãnh đạo, chuyên viên của Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn và Sở Giao thông vận tải (cũ) cấp gần 980 xe tập lái, gần 40 phòng học chuyên môn và hơn 1,4 ngàn giáo viên, 3 sân tập lái, lưu lượng đào tạo trên 1 ngàn học viên. Theo đó, bị cáo Hòa đã tuyển sinh hơn 60 ngàn học viên với số tiền thu học phí gần 620 tỷ đồng, hưởng lợi gần 120 tỷ đồng.

Đối với những vụ án tham nhũng, tiêu cực thì cơ quan chức năng đã nhanh chóng phong tỏa tài khoản ngân hàng, kê biên tài sản của các bị cáo trong vụ án để đảm bảo thi hành án, thu hồi tài sản cho Nhà nước. Đơn cử, liên quan đến sai phạm tại Trường đại học Đồng Nai, cơ quan điều tra phong tỏa một tài khoản ngân hàng của ông Trần Minh Hùng (59 tuổi, nguyên Hiệu trưởng nhà trường từ ngày 2-11-2010 đến năm 2019) có số tiền hơn 600 triệu đồng và kê biên nhiều thửa đất, nhà ở của nhiều bị cáo trong vụ án.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh, trong thời gian từ năm 2009-2022, tại Trường đại học Đồng Nai, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, các bị cáo là lãnh đạo và nhân viên nhà trường, trong đó có ông Trần Minh Hùng, đã thực hiện các sai phạm gây thiệt hại cho nhà trường hơn 23,5 tỷ đồng và thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 1,5 tỷ đồng.

Luật sư NGUYỄN THANH TÙNG, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, cho hay tại Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định phong tỏa tài khoản là biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự do cơ quan điều tra, VKSND, TAND áp dụng với người bị buộc tội. Việc phong tỏa phải tiến hành lập biên bản. Biên bản về việc phong tỏa tài sản phải được lập thành 5 bản và giao cho các cá nhân, tổ chức gồm: người bị buộc tội, người có liên quan đến người bị buộc tội, VKSND cùng cấp, đưa vào hồ sơ vụ án và một bản lưu tại tổ chức tín dụng hoặc kho bạc nhà nước.

Phong tỏa tài khoản để đảm bảo thi hành án

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 xác định biện pháp phong tỏa tài khoản có thể được áp dụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử để đảm bảo việc thi hành án dân sự, bồi thường thiệt hại hoặc truy thu tài sản trong các vụ án hình sự. Việc phong tỏa tài sản là công cụ quan trọng không chỉ để đảm bảo tài sản thi hành án, mà còn giúp lần ra manh mối tội phạm và xác định vai trò của các đối tượng liên quan.

Theo một thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, trong các vụ án hình sự, việc phong tỏa tài khoản chỉ áp dụng với người bị buộc về tội quy định hình phạt tiền, tịch thu tài sản hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước.

Tuy nhiên, việc phong tỏa tài khoản trong các vụ án hình sự đôi khi gặp khó khăn, kéo dài khiến đối tượng nhanh chóng tẩu tán tài sản. Trong nhiều trường hợp, việc xác minh tài khoản còn chậm khiến tài khoản “biến mất” trước khi có lệnh phong tỏa được ban hành. Trong khi đó, các loại tội phạm hiện nay rất tinh vi, thường mở nhiều tài khoản khác nhau ở nhiều ngân hàng, do nhiều người đứng tên, thậm chí khi phát hiện có “biến” là chuyển tiền ra nước ngoài hoặc sử dụng tiền ảo… Trong một số trường hợp tiến hành phong tỏa tài sản không đủ chứng cứ có thể xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

“Thông thường, việc phong tỏa tài khoản ngân hàng có thể tốn nhiều ngày vì công tác xác minh, trong khi tài khoản ngân hàng chỉ cần vài phút là đã có thể rút sạch tiền hoặc chuyển tiền sang một tài khoản khác” - thẩm phán này cho hay.

Do đó, theo các cơ quan chức năng, để nâng cao hiệu quả trong việc phong tỏa tài khoản ngân hàng phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý rõ ràng, thống nhất về thẩm quyền, trình tự và thời hạn phong tỏa. Đồng thời, cần thiết lập cơ chế kết nối dữ liệu điện tử giữa các cơ quan tố tụng và hệ thống ngân hàng, rút ngắn thời gian thực hiện các lệnh phong tỏa. Bên cạnh đó, việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân có tài khoản bị phong tỏa cần được quan tâm đúng mức, nhất là cần có giải pháp xử lý nhanh chóng, rõ ràng trong trường hợp bị phong tỏa sai hoặc không còn căn cứ.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202504/phong-toa-tai-khoan-ngan-hang-trong-vu-an-hinh-su-giai-phap-thu-hoi-tai-san-hieu-qua-90c363c/